Thị trường gạo nội địa: “Miếng bánh” ngon nhưng không dễ ăn được
Nhiều doanh nghiệp lớn ngành gạo đang có chiến lược tập trung khai thác thị trường nội địa như: Tân Long, Lộc Trời, Vinaseed, Vinafood 2...
Với dân số gần 100 triệu người, thị trường gạo nội địa rất nhiều tiềm năng và đang thu hút các doanh nghiệp lớn trong ngành gạo tham gia.
Tuy nhiên, “miếng bánh” thị trường gạo nội địa sẽ không hề đơn giản, nếu doanh nghiệp vẫn giữ suy nghĩ “thị trường nhà dễ tính hơn thị trường khách” là sẽ thua ngay trên sân nhà!
Đừng "đại khái" đối với thị trường nội địa vì là "người nhà"
Theo ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Lộc Trời, thị trường nội địa với quy mô 100 triệu dân là cực kỳ quan trọng, vì vậy, người bán phải có tâm thế phục vụ, đừng vì coi là “người nhà” mà không quan tâm chất lượng và trách nhiệm. Nếu có quy mô sản xuất lớn thì hạt gạo có thể vừa đạt chất lượng, vừa truy xuất được nguồn gốc mà những người trong chuỗi cũng được kết nối với nhau bằng quy trình, nhưng phải được kiểm soát bằng công nghệ thì mới đảm bảo tính minh bạch.
“Làm gạo nội địa phải xác định tâm thế gạo Việt phục vụ cho người Việt trong bữa ăn, trước hết phải an toàn thực phẩm, các chuỗi sản xuất lúa gạo từ cánh đồng tới bàn ăn được truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng có thể gắn kết với người sản xuất. Sự gắn kết này phải có sự tương đồng và hỗ trợ với nhau thì mới gọi là ‘người trong một nước phải thương nhau cùng’, có như vậy người Việt mới an tâm ăn gạo Việt.
Việc này đòi hỏi, thứ nhất là phải tổ chức thành chuỗi và chuỗi này đến nay đã đến mức phải thành hệ sinh thái để tối đa hóa các nguồn lực của xã hội, nhưng đồng thời giảm bớt đi những cái triệt tiêu cạnh tranh không tốt và cuối cùng là giữa hệ thống cung ứng, phân phối và người sản xuất phải được kết nối chặt chẽ hơn trong hệ sinh thái đó, phân công rất rõ ràng giữa cái người tổ chức thu mua chế biến và cung ứng cho người tiêu dùng,”, ông Thòn nhấn mạnh.
Ông Thòn cho biết thêm, thời gian qua, Lộc Trời đã xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo bền vững (hay còn gọi là cánh đồng lớn), thực chất đó chính là nội hàm chính của xây dựng chuỗi liên kết từ đồng ruộng cho tới bàn ăn. Nhưng tiếc là khi làm thì khả năng tổ chức thị trường tiêu thụ của Lộc Trời ở đầu ra thông qua các nhà phân phối là phải kết nối với hệ thống siêu thị, hệ thống các cửa hàng thì Lộc Trời làm chưa tốt, chính vì làm chưa tốt nên Lộc Trời đi một mình, không có quy tụ được sức mạnh của cả hệ thống và bản thân Lộc Trời không phải là người làm giỏi việc này.
Bản thân Lộc Trời chỉ làm giỏi khâu tổ chức sản xuất, quan hệ với nông dân để tổ chức sản xuất sao cho chất lượng gạo tốt, truy xuất nguồn gốc, công bố chất lượng và chịu trách nhiệm về chất lượng đó, chưa kể là áp dụng công nghệ để đảm bảo giảm giá thành, bảo đảm môi trường … đây là văn hóa mà người tiêu dùng đang quan tâm
“Nếu nhà sản xuất kết nối được với các nhà chế biến, nhà cung ứng, hệ thống siêu thị, cửa hàng bán gạo … thành hệ sinh thái, tôi tin rằng sự kết hợp này sẽ mở rộng hệ sinh thái cộng sinh, cộng hưởng thì hạt gạo sẽ đi thẳng từ đồng ruộng đến bàn ăn một cách minh bạch, và giảm thiểu tất cả những chi phí không cần thiết. Đảm bảo chi phí thấp nhất để có lợi cho tất cả mọi người trong chuỗi mà vẫn đảm bảo được tính minh bạch và loại trừ được những xung đột lợi ích không cần thiết”, ông Thòn nói.
Phục vụ gạo chất lượng cao cho thị trường nội địa
Còn theo ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long, thách thức lớn nhất của thị trường nội địa nằm ở hành vi tiêu dùng của khách hàng, hành vi này đang phụ thuộc vào tư vấn từ đại lý quen.
Vì vậy, chiến lược của Tân Long là mở mô hình kinh doanh năng động, các đại lý thường giao gạo đến nơi trong thời gian rất nhanh. Tân Long đã đầu tư hệ thống đại lý trên toàn quốc, đưa gạo có thương hiệu đến người mua trong vòng 30 phút nhằm đáp ứng nhu cầu.
Để có những hạt gạo Việt Nam đảm bảo chất lượng, doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng ngay từ đầu, hình thành các vùng sản xuất lớn được quản lý chuyên nghiệp và có sự cam kết ngay khi ký hợp đồng sản xuất từ khâu giống đến quy trình đầu tư, chăm sóc và thu hoạch, từ đó bà con nông dân yên tâm sản xuất, ổn định thu nhập.
Cùng với việc ứng dụng công nghệ cao, hoàn thiện chuỗi khép kín từ giống, kỹ thuật canh tác cánh đồng đến chế biến và xúc tiến thương mại, Tân Long theo đuổi gạo an toàn với những tiêu chuẩn khắt khe của quốc tế, mang đến những sản phẩm an toàn và chất lượng cao. Từ đó, tạo nên sức mạnh toàn diện để hội nhập sâu rộng vào chuỗi nông sản toàn cầu, nâng cao giá trị và đáp ứng xu thế phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Với việc xác định gạo nội địa là mục tiêu chính nên khi xây dựng thương hiệu gạo A An, Công ty chỉ sử dụng các giống lúa chất lượng cao, như: ST21, ST24 và gạo Japonica tạo ra dòng sản phẩm “lành gạo ngon cơm”.
Để có được thành công như ngày hôm nay, gạo A An của Tân Long luôn tạo ra những điểm nổi bật so với các sản phẩm khác trên thị trường như: sản xuất từ giống lúa đặc sản, thuần chủng; có nguồn gốc từ vùng nguyên liệu canh tác theo quy trình bền vững; có chất lượng ổn định, không đấu trộn, không hóa chất tẩy trắng, tạo mùi; có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm; quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn HACCP.
“Trong năm 2021, Tân Long tiếp tục xác định phát triển thị trường nội địa là trọng tâm và dòng sản phẩm mới chủ lực của gạo A An làm từ giống lúa ST24 trồng trong ruộng tôm, có chất lượng tương đương gạo hữu cơ. Bên cạnh đó, Tân Long tiến đến xây dựng kế hoạch dài hơi với việc đưa gạo A An trở thành thương hiệu gạo Quốc gia và vươn ra thị trường thế giới”, ông Bá chia sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận