24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Kiều Trang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thị trường Fintech Việt Nam: Chỉ có ví điện tử sôi động

Theo nghiên cứu của công ty tư vấn Solidiance, thị trường công nghệ tài chính (Fintech) Việt Nam dự kiến đạt 7,8 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020. Có thể nói, fintech là lĩnh vực thu hút mạnh vốn đầu tư trong những năm gần đây ở Việt Nam, tuy nhiên, sự sôi động mới chỉ biểu hiện ở phân khúc giải pháp thanh toán, với sự ra đời của ngày càng nhiều ví điện tử.

Vào tuần lễ cuối tháng 8 vừa qua, Grab công bố sẽ đầu tư thêm 500 triệu đô la vào Việt Nam trong 5 năm tới để phát triển các giải pháp công nghệ tài chính (fintech), công nghệ di động mới (mobility) và hậu cần (logistics). Khoản đầu tư này tiếp nối sự tăng trưởng mạnh mẽ của Grab trong nửa đầu năm 2019 trên cả ba lĩnh vực kết nối di chuyển, giao nhận thức ăn và thanh toán điện tử.

Trước đó, giữa tháng 7, Go-Viet - ứng dụng gọi xe của doanh nghiệp Indonesia tại Việt Nam đã đưa ra thông báo tuyển dụng nhân sự quản lý và phát triển kinh doanh cho Go-Pay Việt Nam. Còn vào đầu năm nay, VINID (một công ty con trực thuộc Vingroup) cũng đã mua cổ phần People Care, nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử MonPay, để thuận tiện cho khách giao dịch khi sử dụng VINID.

Chưa rõ Go-Pay có hình thành bằng cách mua cổ phần của ví điện tử nào trên thị trường như Grab mua ví điện tử Moca hay VINID mua ví điện tử MonPay, tuy nhiên điều này cho thấy ví điện tử đang là thị trường “béo bở”, nhiều tiềm năng để phát triển. Tính đến đầu năm 2019, thị trường đã có khoảng 23 ví điện tử như: Momo, Payoo, Moca, Airpay, Samsung Pay, ZaloPay,ViettelPay… Trong đó, nhiều doanh nghiệp được sự hậu thuẫn lớn từ công ty, quỹ đầu tư ngoại.

Giới phân tích cho rằng thị trường fintech Việt Nam hiện có 5 nhánh chính gồm: Giải pháp thanh toán; Blockchain; Quản lý dữ liệu lớn; Tài chính cá nhân; Huy động nhóm. Tuy nhiên, giải pháp thanh toán là mảng phát triển mạnh nhất trong fintech.

Điều kiện khách quan và chủ quan

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) vào tháng 7-2018, Việt Nam là quốc gia có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực khi chỉ đạt 4,9%, trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là 26,1%, còn Thái Lan là 59,7%. Gần đây, Chính phủ yêu cầu không dùng tiền mặt thanh toán tiền điện, nước, học phí ở đô thị đồng thời thanh toán không dùng tiền mặt với các khoản chi phí sinh hoạt được Chính phủ yêu cầu thực hiện trước tháng 12-2019. Thanh toán điện tử là một trong những biện pháp được Chính phủ đẩy mạnh nhằm thúc đẩy chuyển dịch nền kinh tế sang kinh tế số.

Ngoài ra thị trường thanh toán điện tử có những lợi thế phát triển nhờ cơ cấu dân số trẻ, nền kinh tế tăng trưởng nhanh và một tầng lớp trung lưu ngày một gia tăng.

Trong mảng thanh toán điện tử, ví điện tử được xem là tiềm năng và còn nhiều dư địa phát triển khi ước tính 10 triệu ví điện tử chỉ tương ứng với 1/5 tổng số người có tài khoản ngân hàng ở Việt Nam. Theo yêu cầu của Chính phủ, trước quí 3-2019 Ngân hàng Nhà nước phải báo cáo phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng. Xác định hạn mức số tiền nạp ví điện tử và giá trị giao dịch hằng tháng. Yêu cầu các ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán áp dụng tiêu chuẩn cơ sở mã vạch ma trận (QR Code).

Tại một cuộc trao đổi với báo giới, khi đề cập đến cuộc đua phát triển ví điện tử ở Việt Nam, một đại diện của Grab cũng cho rằng hạ tầng kỹ thuật cho thanh toán đã sẵn sàng, giải pháp bảo mật cũng tốt hơn, nên đây là thời điểm thích hợp, doanh nghiệp nào còn chần chừ thì sẽ trễ nhịp.

Nhìn trước tiềm năng, trong nhiều năm qua các quỹ đầu tư liên tục hợp tác, rót vốn vào những nền tảng thanh toán đã có sẵn mối quan hệ với các đối tác ngân hàng trên thị trường. Có thể kể đến như MOL Access Portal Sdn, BHD (Malaysia) đầu tư vào Ngân Lượng năm 2013, Standard Chartered và Goldman Sachs đầu tư vào MoMo cũng trong năm này, NTT Data đầu tư vào Payoo từ 2011, SEA Group hợp tác cùng Vietnam Esports vào AirPay năm 2015, Công ty cổ phần giải pháp thanh toán Việt Nam đầu tư vào VnPay năm 2017.

Hay gần đây nhất là Ascend Money (Thái Lan) đầu tư vào 1Pay năm 2017, Grab đầu tư vào Moca năm 2018. Thị trường ví điện tử hứa hẹn sẽ gay cấn và bùng nổ hơn nữa trong thời gian tới khi trước những động thái quyết liệt từ Chính phủ như hiện nay.

Bài học kinh nghiệm từ Indonesia

Các công ty khởi nghiệp (startup) về công nghệ tài chính (fintech) hoạt động không giấy phép đang mọc lên như nấm ở Indonesia và các nhà chức trách Indonesia đang đối mặt với thách thức không nhỏ này. Theo hãng tin Bloomberg, cơ quan chức năng Indonesia đã phải nhờ tới sự hỗ trợ của cảnh sát và người dân trong cuộc truy tìm, xử lý các startup như vậy.

Cơ quan quản lý dịch vụ tài chính Indonesia (OJK) cho biết đã đóng cửa 826 startup công nghệ tài chính bất hợp pháp từ đầu năm đến nay. Các công ty này hoạt động trên nhiều nền tảng khác nhau, như website, ứng dụng di động và mạng xã hội, khiến nhà chức trách khó phát hiện.

Indonesia, quốc gia có hơn 260 triệu dân, đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho các startup công nghệ tài chính, bởi khoảng 90% dân số nước này không có thẻ tín dụng và phần đông không tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng chính thống. Một lý do nữa là nền kinh tế Internet của Indonesia đang tăng trưởng với tốc độ mạnh nhất khu vực và có khả năng đạt quy mô 100 tỉ đô la vào năm 2025 - theo một báo cáo của Google và Temasek Holdings.

Các startup công nghệ tài chính hoạt động bất hợp pháp thường áp mức lãi suất cho vay "cắt cổ" và sử dụng đến những biện pháp thu hồi nợ bị xem là có bản chất phạm tội - người phát ngôn cơ quan Cảnh sát Quốc gia Indonesia, ông Dedi Prasetyo, cho biết.

Cảnh sát nước này đã phát hiện nhiều vụ người vay tiền từ các startup công nghệ tài chính bị các công ty này đe dọa, khủng bố tinh thần, khiến họ rơi vào tình trạng hoảng loạn, trầm cảm. Ông Prasetyo cảnh báo người dân Indonesia cảnh giác với những khoản vay dễ dàng và không chia sẻ dữ liệu cá nhân với các công ty công nghệ tài chính hoạt động không phép.

"Điều giúp cho các công ty công nghệ tài chính này nở rộ chính là việc người tiêu dùng vẫn dễ bị thu hút bởi những khoản vay được cấp dễ dàng", ông Tongam L. Tobing, một quan chức của OJK, nhận định.

Kể từ khi Indonesia khởi động chiến dịch rà soát các startup công nghệ tài chính vào năm 2018, đến nay đã có 1.230 công ty hoạt động không phép trong lĩnh vực này bị nhà chức trách "xóa sổ". Trong đó, 42% là những startup không rõ nguồn gốc; 22% có máy chủ đặt ở Indonesia; và 15% có máy chủ đặt ở Mỹ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả