Thị trường dầu thế giới sắp tràn ngập dầu của Mỹ?
Thị trường dầu mỏ đang phải vật lộn với tình trạng dư cung, vậy mà Mỹ lại chuẩn bị bơm thêm dầu vào thị trường thế giới.
Trong thập kỷ vừa qua, sản lượng dầu thô của Mỹ tăng gấp đôi lên 12.3 triệu thùng/ngày và nhờ đó, Mỹ trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, Mỹ vẫn còn chưa đủ cơ sở hạ tầng cần thiết để vận chuyển dầu thô ra khỏi các mỏ dầu ở Texas và đưa vào thị trường thế giới.
Tháng 8 này đánh dấu một sự thay đổi lớn cho ngành dầu với sự khởi động của đường ống dẫn dầu Cactus II thuộc công ty Plains All American Pipeline. Đường ống này có thể chuyển 670,000 thùng/ngày, kết nối khu vực Permian với Corpus Christi, Texas và từ đó kết nối với thế giới. Đường ống này cùng với đường ống Epic chỉ mới là khởi đầu, khi sẽ có nhiều đường ống khác được xây dựng.
Nhờ các đường ống mới, Mỹ có thể chuyển dầu thô Texas đến Bờ Vịnh và từ đó có thể được vận chuyển ra thế giới. Thế nhưng, hiện thị trường thế giới đã có đủ nguồn cung và thậm chí sự gia tăng thêm nguồn cung dầu Mỹ có thể giúp hạ giá dầu, nhất là khi chiến tranh thương mại tiếp tục khiến nhu cầu dầu suy yếu.
Theo Citigroup, những đường ống dẫn dầu mới có thể giúp xuất khẩu dầu Mỹ tăng từ mức 3 triệu thùng/ngày hiện tại lên 4 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay và thêm một triệu thùng vào năm tới. Xuất khẩu dầu Mỹ đã tăng trung bình 970 thùng/ngày trong năm nay so với năm ngoái, theo Citigroup.
“Sẽ là 4 triệu thùng/ngày trong vòng 6 hoặc 8 tháng tới. 4 triệu thùng/ngày còn lớn hơn nhiều so với những gì mà khu vực Biển Bắc có thể tạo ra. Lượng dầu thô này sẽ đi khắp mọi nơi. Chúng đến châu Á, châu Âu đến Ấn Độ”, Edward Morse, Trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Citigroup, cho hay.
Đà tăng về công suất dẫn đầu sẽ giúp giải phóng sự tắc nghẽn dầu tại khu vực Permian Basin, trong đó Citigroup đã dự báo có thể tăng gấp đôi sản lượng lên khoảng 8 triệu thùng/ngày vào năm 2023.
Khi các đường ống dẫn đã và đang được xây dựng, khả năng xuất khẩu sẽ cần được tăng thêm. Nhiều cơ sở vận chuyển đang được mở rộng dọc theo Bờ Vịnh, Texas và Louisiana. Mỹ sẽ sớm đạt khả năng xuất khẩu 6 triệu thùng/ngày và thậm chí nhiều hơn dự báo, theo Citigroup.
Trật tự thế giới mới?
Toàn bộ lượng dầu mới này tạo ra bài toán nan giải cho OPEC. Ả-rập Xê-út, nhà sản xuất dầu có sức ảnh hướng nhất trong OPEC, và đối tác Nga, đã tiến hành giảm sản lượng để giúp ổn định giá dầu. Ngay cả khi mất rất nhiều dầu từ Venezuela và 2 triệu thùng dầu/ngày từ Iran, vẫn còn đó sản lượng dầu của Mỹ để khỏa lấp khoảng trống này.
"OPEC mất 1% thị phần/năm trong 7 năm qua", Francisco Blanch, Trưởng bộ phận nghiên cứu sản phẩm phái sinh và hàng hóa của Bank of America, cho hay.
Hợp đồng tương lai dầu WTI rời xa khỏi đỉnh một năm ở 75 USD/thùng, giảm xuống mức thấp 42 USD vào đêm Giáng sinh (24/12/2018), khi thị trường tài sản rủi ro bị bán tháo và neo ở gần mức 53-55 USD/thùng trong thời gian gần đây. Hợp đồng tương lai dầu Brent đã dao động quanh mức 60 USD/thùng trong tháng này.
Ông Blanch cho hay: “Rõ ràng các công ty đang giảm đầu tư và hoạt động. Số lượng giàn khoan suy giảm. Bạn vẫn thấy hiệu quả sản xuất sẽ thúc đẩy tăng trưởng, nhưng tăng trưởng chậm lại từ đây”.
Edward Morse cho biết ông hy vọng Nga và OPEC sẽ tiếp tục giảm sản xuất và đà giảm tốc về kinh tế sẽ khuyến khích hai quốc gia tiếp tục hợp tác.
Khi nhu cầu giảm, giá giảm, các nhà sản xuất Mỹ sẽ không còn thấy việc bơm nhiều dầu giúp ích về kinh tế. Tuy nhiên, đợt suy thoái kinh tế sẽ chỉ làm chậm xu hướng chứ không thể không ngăn chặn nó.
"Chúng tôi thống nhất nguồn cung sẽ dư thừa trong 2-3 năm tới. Chúng tôi nhận thấy giá dầu bị thách thức trong hai đến ba năm tới. Chúng tôi dự báo giá dầu Brent ở phạm vi 51-52 USD và dầu WTI ở 48-49 USD. Đây không phải là môi trường sẽ được tái đầu tư nhiều như hiện tại", ông Morse nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận