Thị trường dầu mỏ sẽ bước vào một chu kỳ giá mới?
Theo nhiều nhà phân tích, triển vọng “vàng đen” tăng giá đáng kể có thể khiến các quyết sách dựa trên sự đồng thuận của OPEC+ đứng trước thử thách mới.
Sau giai đoạn trầm lắng, dầu mỏ đã trở thành mặt hàng “nóng” trở lại trong tháng Hai vừa qua, khi cả giá dầu Brent và dầu ngọt nhẹ WTI đều đã có lúc vượt ngưỡng 60 USD/thùng lần đầu tiên trong vòng hơn 12 tháng qua.
Những tín hiệu tích cực trên thị trường “vàng đen” được dự báo sẽ khiến Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (còn gọi là nhóm OPEC+) khó có thể duy trì cắt giảm sản lượng mạnh trong thời gian tới. Liệu thị trường dầu mỏ đã bắt đầu bước vào một chu kỳ giá mới hay chưa?
* OPEC+ có còn đồng thuận về cắt giảm sản lượng?
Theo nhiều nhà phân tích, triển vọng “vàng đen” tăng giá đáng kể có thể khiến các quyết sách dựa trên sự đồng thuận của OPEC+ đứng trước thử thách mới.
Trong lần gần nhất OPEC+ đưa ra quyết định về sản lượng, tổ chức này đã phải thỏa hiệp dựa trên tính toán đến lợi ích của những thành viên chủ chốt, đặc biệt khi Nga muốn điều chỉnh thời gian và hạn ngạch cắt giảm sản lượng của mình.
Trước những lạc quan xuất hiện trên thị trường, Saudi Arabia thông báo quốc gia này cũng đang cân nhắc tăng sản lượng dầu mỏ trong những tháng tới, động thái sẽ đảo ngược hoàn toàn quyết định cắt giảm “tự nguyện” 1 triệu thùng/ngày trong tháng 2 và tháng 3/2021 để nỗ lực cân bằng thị trường.
Mặc dù Saudi Arabia sẽ không tăng sản lượng ít nhất cho đến tháng Tư tới, song tín hiệu này cho thấy thành viên chủ chốt của OPEC+ đang trở nên lạc quan hơn về triển vọng giá.
Về phần mình, Nga nhận thấy thị trường dầu mỏ đã được tái cân bằng. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak trong bài trả lời phỏng vấn hồi tháng Hai vừa qua cho rằng, thị trường thực sự đã biến động trong ngưỡng “an toàn” vài tháng gần đây.
Điều này có nghĩa là thị trường đang cân bằng và mức giá dầu hiện nay là phù hợp với tình hình. Ông Novak nói thêm trong khi nhu cầu dầu mùa Xuân năm ngoái thấp hơn tới 20-25% so với mức thông thường vào thời điểm này hàng năm, tỷ lệ sụt giảm nhu cầu chỉ còn 8-9% vào cuối năm 2020.
Bất đồng trong nội bộ OPEC+ giữa nhóm muốn duy trì cắt giảm sản lượng và nhóm kêu gọi tăng cường sản xuất sẽ trở nên sâu sắc hơn khi giá dầu giữ được sự ổn định tích cực. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, sự “cám dỗ” có thể trở nên không thể cưỡng lại được, và kịch bản ác mộng đối với OPEC+ có thể lại xảy ra lần nữa khi các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ khôi phục sản lượng khi giá dầu tăng đủ cao.
Hiện tại, chưa có dấu hiệu nào cho thấy OPEC+ sẽ thay đổi mục tiêu cắt giảm sản lượng hơn 7 triệu thùng/ngày cho đến tháng Tư tới. Tuy nhiên, thách thức chính là khả năng đồng thuận trong OPEC+ sẽ đến đâu và như những gì Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdul Aziz bin Salman đã từng phát biểu, thị trường không nên cố đồn đoán về động thái tiếp theo của OPEC+, bởi lẽ đó là điều không thể dự đoán trước.
* Những tín hiệu về chu kỳ mới của giá dầu
Nếu xét trong cả một chu kỳ từ khi khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đến nay, giá dầu đã tăng từ mức thấp 40 USD/thùng lên trên 60 USD/thùng, nhờ một loạt tín hiệu khả quan như một số quốc gia triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19, OPEC+ cắt giảm sản lượng hay kỳ vọng về nhu cầu dầu mỏ tăng vào cuối năm khi các nền kinh tế tăng trưởng trở lại và được hỗ trợ bởi các gói kích cầu lớn.
Paola Rodriguez Masiu, Phó chủ tịch phụ trách mảng thị trường dầu mỏ của Rystad Energy, nhận định: "Việc giá dầu tái xác lập mốc 60 USD/thùng mang lại cho nhà đầu tư cảm giác thị trường dầu mỏ cuối cùng cũng đã hồi sinh sau thời gian dài vật lộn. Đó là cảm giác thị trường đã bình thường trở lại".
Theo Ngân hàng JPMorgan, có những lý do để tin rằng một chu kỳ giá hàng hóa mới đã bắt đầu. Nhà phân tích Marko Kolanovic tại JPMorgan nhận định thị trường có thể đang chứng kiến một xu hướng tăng giá hàng hóa mới, bắt đầu là từ chu kỳ tăng giá của dầu mỏ.
JPMorgan nhận thấy một số yếu tố tiềm năng làm nền tảng cho chu kỳ mới này như tăng trưởng kinh tế toàn cầu tốt lên sau đại dịch COVID-19, chính sách tiền tệ nới lỏng, các gói kích thích kinh tế quy mô lớn, và đặc biệt là thiếu đầu tư vào nguồn cung cấp dầu khí mới.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cảnh báo rằng nếu đầu tư vào dầu mỏ duy trì như ở mức năm 2020 trong 5 năm tới, nguồn cung dầu năm 2025 sẽ giảm gần 9 triệu thùng/ngày.
Trong năm nay, đầu tư vào dầu mỏ và khí đốt dự kiến sẽ vẫn ở mức thấp và dự kiến chỉ đạt khoảng 300 tỷ USD. Con số này tương đương như năm 2020 và giảm 30% so với mức đầu tư của năm 2019.
Trong khi đó, Báo cáo thị trường dầu mỏ mới nhất của IEA ước tính nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng 5,4 triệu thùng/ngày trong năm 2021, đạt 96,4 triệu thùng/ngày, phục hồi khoảng 60% khối lượng bị mất vì đại dịch trong năm 2020.
Tổng hợp những diễn biến này, Chủ tịch kiêm nhà phân tích cấp cao tại Wood Mackenzie, Simon Flowers nhận định thế giới có thể đứng trước cuộc khủng hoảng nguồn cung sau năm 2021. Nhu cầu dầu phục hồi trở lại hơn 100 triệu thùng/ngày có thể làm tăng nguy cơ chênh lệch nguồn cung vào cuối thập kỷ này và đẩy giá dầu tăng vọt lên tới 100 USD/thùng.
Chia sẻ quan điểm trên, chuyên gia dầu mỏ Jeffrey Currie tại Ngân hàng Goldman Sachs, người từng đưa ra dự báo chính xác về đợt siêu tăng giá dầu mỏ giai đoạn năm 2003-2014, nhận định rằng giá “vàng đen” có cơ sở để tăng lên ngưỡng 80 USD/thùng hoặc cao hơn trong giai đoạn cuối năm 2021.
Lộ trình giá dầu sẽ theo xu hướng tăng từ sau năm 2021, song cũng có những nhân tố khiến kịch bản này chệch hướng như sự trở lại của Iran trên thị trường dầu mỏ quốc tế nếu nước này được Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, hay rủi ro vaccine ngừa COVID-19 không phát huy hiệu quả trước các loại biến thể mới./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận