Thị trường đất nền phát triển quá 'nóng' dẫn đến nhiều hệ lụy
Nếu như thị trường đất nền phát triển quá "nóng" sẽ tất yếu dẫn đến rất nhiều hệ luỵ như xuất hiện những “cơn sốt" không đáng có, khiến thị trường phát triển không lành mạnh,
Nhận định về thị trường đất nền Việt Nam tại buổi đối thoại chuyên đề “Nhận diện chân thực vai trò của thị trường bất động sản trong nền kinh tế”, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, thời gian vừa qua, thị trường bất động sản phát triển thiên về đất nền nhiều hơn cả. Đặc biệt, tại nhiều địa phương, doanh nghiệp dù chỉ có tiềm lực tài chính mỏng nhưng cũng san đất, cắm mốc làm đường rồi bán nền thu tiền.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng nhấn mạnh, nếu như thị trường đất nền phát triển quá "nóng" sẽ tất yếu dẫn đến rất nhiều hệ luỵ. Trong đó, hệ lụy đầu tiên chính là xuất hiện những “cơn sốt đất” không đáng có. Hệ lụy thứ hai là khi đất nền trở thành phân khúc chỉ để đầu tư kiếm lời lướt sóng mà không phục vụ mục đích sản xuất thì sẽ không giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.
Nói về nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên, vị chuyên gia bất động sản này cho rằng chủ yếu là do đất nền dễ đầu tư, đồng thời sự buông lỏng công tác quản lý trong việc phát triển dự án cũng là nguyên nhân khiến thị trường méo mó.
Ngoài ra, ông Nguyễn Mạnh Hà còn chỉ ra, trong 2 năm qua, do yếu tố dịch bệnh COVID -19 nên mọi yếu tố gần như quá khó khăn với thị trường bất động sản, thậm chí có lúc phải đóng cửa công trường xây dựng, hầu như không có công trường nào thi công được, đặc biệt bất động sản nghỉ dưỡng ngưng trệ do không có khách quốc tế lẫn khách nội địa.
Trước những khó khăn và thách thức này, giới doanh nghiệp bất động sản nhiều lần đề xuất, kiến nghị với mong muốn Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm, có cơ chế chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển và là điểm cốt yếu để giúp cho phục hồi kinh tế.
Nhìn về dài hạn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng thị trường bất động sản trong ngắn, trung và dài hạn đều có tương lai tốt để phát triển, dù còn không ít khó khăn chủ quan cũng như khách quan. Bởi các khó khăn của doanh nghiệp đã được cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt, bên cạnh việc công khai thông tin, tổ chức nhiều hội thảo toạ đàm trao đổi để thị trường phát triển lành mạnh. Do đó, các khó khăn của doanh nghiệp sẽ được cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh, đáp ứng được nhu cầu phát triển lành mạnh của thị trường.
Đối với triển vọng thị trường bất động sản thời gian tới, ông Nguyễn Mạnh Hà đánh giá rằng nhu cầu về bất động sản ở Việt Nam vẫn rất cao. Bởi hiện nay, tỷ lệ đô thị hoá của Việt Nam dao động trong khoảng 40%, nhưng các nước phát triển là 70%, thậm chí còn hơn, người dân sống ở đô thị chiếm 70-80% dân số. Trong khi đó, nếu Việt Nam đến năm 2050 mà phát triển tỉ lệ đô thị hóa lên 60-70% thì chúng ta có khoảng 60-70 chục triệu dân sống ở đô thị, thì nhu cầu nhà ở sẽ vô cùng lớn và tiềm năng.
Bên cạnh đó, bất động sản công nghiệp sẽ là phân khúc được đánh giá là điểm sáng, phát triển mạnh ngay trong đại dịch COVID -19. Còn thị trường bất động sản du lịch thì vừa hết dịch nhưng đã "vỡ trận" do nhu cầu du lịch bùng nổ trở lại…
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, ngay trong 2 tháng đầu năm 2022, hiện tượng "sốt ảo giá đất" đi đôi với hoạt động "đầu cơ" đã có dấu hiệu quay trở lại. Do đó HoREA khuyến cáo các địa phương cần quan tâm xử lý quyết liệt, kịp thời đối với các "đầu nậu", "cò đất", "cò nhà", doanh nghiệp "bất lương" để ngăn chặn các hệ quả tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững của thị trường BĐS.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận