Thị trường đang xoay vòng 1-1,5 phiên, danh mục đầu tư thế nào là phù hợp?
Theo đánh giá của ông Bùi Nguyên Khoa, thị trường đang có quãng xoay vòng rất nhanh chỉ 1-1,5 phiên và thiếu động lực để bứt phá.
Thị trường xoay vòng nhanh chỉ 1-1,5 phiên
Tuần vừa qua, VN-Index duy trì đà hồi phục tích cực và chỉ dừng lại tại ngưỡng kháng cự cũ 1.510 – 1.515 điểm. Thị trường có tuần tăng điểm thứ 2 liên tiếp nhờ sự hồi phục của nhóm cổ phiếu Bất động sản, các cổ phiếu lớn VIC, VHM và NVL. Độ rộng thị trường tăng tốt với 16/19 ngành tăng điểm, sự luân chuyển rõ rệt với mức tăng trên 5% của các nhóm Bán lẻ, Hóa chất và Bảo hiểm.
Thị trường đã vượt vùng trung bình 1.480 – 1.485 điểm và có nhịp giao dịch giằng co quanh 1.500 điểm vào cuối tuần. Vận động ngành đang khá tích cực tuy nhiên VN-Index vẫn thiếu động lực và theo dự báo tiếp tục giằng co quanh 1.500 điểm với sự phân hóa mạnh.
Theo đánh giá của ông Bùi Nguyên Khoa – Trưởng nhóm Phân tích Thị trường CTCK Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC), thị trường đã vào giai đoạn phản ánh hết các thông tin cũ như FED tăng lãi suất, chiến tranh Nga-Ukraine vào các biến động điểm số.
Tuy nhiên, động lực tăng điểm là chưa có vào lúc này do vẫn còn những yếu tố bất định và nhà đầu tư cũng đang chờ các thông tin trong mùa ĐHĐCĐ thường niên 2022 lẫn kết quả kinh doanh quý 1/2022 để hành động. Dòng tiền đang thu gọn lại để có thể đánh giá thêm triển vọng thị trường lẫn các nhóm ngành.
Vì vậy, VN-Index có thể vẫn cần phải tích lũy thêm một thời gian và có thể biến động trong biên độ +/-5%.
Yếu tố hỗ trợ đáng kể nhất cho thị trường vào lúc này là gói kích cầu hiện cũng chưa có thêm thông tin mới. Văn bản cấp bù lãi suất có thể sẽ chỉ được NHNN đưa ra trong tháng 4 trong khi các chỉ đạo về đầu tư công tư có thể chỉ rõ ràng trong tháng 4-5.
Theo ông Khoa, nhà đầu tư nên đưa tỷ trọng cổ phiếu về mức vừa phải. Các danh mục càng lớn càng cần thận trọng bởi thị trường hiện chỉ xoay vòng rất nhanh trong 1-1,5 phiên. Các cơ hội để thực sự "đánh bại" được chỉ số vẫn có nhưng không nhiều. Tuy nhiên, chỉ cần một phiên rung lắc mạnh là hoàn toàn có thể rơi vào trạng thái thua lỗ. Nhà đầu tư cũng cần tránh việc đua lệnh trong những phiên tăng điểm.
Cùng với đó, chuyên gia của BSC cũng chưa quá lạc quan về việc khối ngoại mua ròng mạnh trở lại trong tuần vừa qua. Theo ông Khoa, có khả năng nhà đầu tư Thái Lan đã giải ngân trở lại vào E1VFVN30 và VNDiamond. Tuy nhiên, diễn biến này mới chỉ là những động thái giúp giảm áp lực bán ròng sau giai đoạn có phần hỗn loạn do các thông tin về chiến tranh, FED tăng lãi suất.
Cần lưu ý tới chính sách tiền tệ các NHTW trên thế giới
Tình trạng lạm phát thế giới duy trì xu hướng tăng mạnh trên toàn cầu. Chỉ số BCOM-Index, thước đo lạm phát giá cả hàng hóa đã đạt 29,32 (55,8% so với cùng kỳ) vào ngày 25/03/2022 cũng là mức cao nhất kể từ năm 2017.
Đồng thời chỉ số CIS, thước đo trung bình giá cả các containers vận tải trên toàn cầu cũng tăng mạnh và đạt 164,12 (+86,75%) vào cuối tháng 01/2022. Đà tăng của lạm phát được ủng hộ khá lớn từ vận động tăng giá của giá dầu dầu thô; tạo nên từ sự kiện chiến tranh Ukraine vào ngày 15/02/22.
Tác động của việc giá dầu lên cao dự kiến cũng sẽ khiến cho khả năng gia tốc chính sách thắt chặt chính sách tiền tệ (CSTT) gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới hồi phục tích cực khả năng xu hướng này xảy ra ngày càng cao trong tình trạng lạm phát các quốc gia hầu hết đều đang nằm ở mức khá cao.
Trong báo cáo gần đây của BSC cũng đã chỉ ra việc các quốc gia như Anh, Nga đang thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ kể từ quý 1/2022 và sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến quý 1/2023.
Tại ba nền kinh tế lớn là Hoa Kỳ, Châu Âu và trung Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu vẫn thực hiện CSTT thắt chặt kể từ cuối năm 2021 đến nay để đối phó với lạm phát; còn tại Trung Quốc, ngân hàng trung ương (NHTW) nước này đang thực hiện CSTT nới lỏng do lạm phát hiện tại ở mức thấp và quốc gia này nới lỏng CSTT nhằm mục đích khôi phục nền kinh tế đang tăng trưởng chậm do chính sách “Zero Covid”.
Đối với các quốc gia ở ASEAN 6, ngoại trừ Singapore đang thực hiện CSTT thắt chặt, khối ASEAN 5 còn lại được cho vẫn duy trì CSTT hiện tại tuy nhiên các NHTW sẽ bắt đầu tăng lãi suất điều hành kể từ quý 3/2022 trước áp lực gia tăng chi phí đầu vào như hiện tại – đặc biệt là chi phí nhiên liệu, thực phẩm do cuộc khủng hoảng địa chính trị giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Với xu hướng lạm phát đang gia tăng, dự báo các nền kinh tế sẽ đẩy mạnh thắt chặt CSTT bắt đầu từ quý 2/2022. BSC dự báo Việt Nam vẫn sẽ duy trì CSTT nới lỏng trong quý 2 và quý 3/2022 và bắt đầu nâng lãi suất kể từ quý 4 theo xu hướng thắt chặt CSTT của thế giới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận