Thị trường đang nằm trong xu hướng giảm điểm
Chỉ số chuẩn có thể tiếp tục chịu sức ép giảm điểm về các vùng hỗ trợ gần quanh ngưỡng tâm lý 1.000 điểm hoặc xa hơn là vùng 925-930 điểm.
Ngày 28/1, thị trường ghi nhận một phiên bán tháo lịch sử khi nhà đầu tư phản ứng tiêu cực trước thông tin xuất hiện các ca nhiễm cộng đồng mới. Điều này làm gia tăng lo ngại về việc làn sóng Covid-19 lần 3 có thể xảy ra và ảnh hưởng đến hoạt động của nền kinh tế.
VN-Index giảm gần hết biên độ khi hầu hết các cổ phiếu vốn hóa lớn rơi vào tình trạng trắng bên mua từ đầu phiên chiều. Theo đó, chỉ số chuẩn giảm 73,23 điểm, tương đương 6,67% xuống còn 1.023,94 điểm.
Trái ngược với hành động của đa số các nhà đầu tư trong nước, khối ngoại lại tranh thủ gom mua cổ phiếu khi mua ròng gần 500 tỷ đồng trên cả 2 sàn.Lực mua của khối ngoại tập trung vào các Bluechips như HPG, VHM, STB, MSN… Cụ thể, trên sàn HoSE, nhóm này mua ròng 482,09 tỷ đồng; Trên HNX, khối ngoại có phiên mua ròng thứ 2 liên tiếp với giá trị 26,94 tỷ đồng; Trên UPCom, khối ngoại cũng mua ròng 53,12 tỷ đồng.
CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC): VN-Index có thể giảm tiếp về quanh ngưỡng 1005 điểm
VN-Index giảm mạnh từ đầu phiên sáng khi những tin tức về những ca lây lan Covid-19 trong cộng đồng được công bố và kết thúc ngày giao dịch ở dưới ngưỡng 1025. Trên thị trường, dòng tiền đầu tư vẫn ở mức thấp với chỉ 1/19 nhóm ngành tăng điểm. Mặc dù vậy, khối ngoại tiếp tục mua ròng trên cả 2 sàn HSX và HNX. Bên cạnh đó, độ rộng thị trường tiếp tục ở trong trạng thái tiêu cực với thanh khoản vẫn ở mức cao. Theo đánh giá của BSC, VN-Index có thể giảm tiếp về quanh ngưỡng 1005 trong phiên cuối cùng của tuần giao dịch.
CTCP Chứng khoán Phú Hưng (PHS): Thị trường đang nằm trong xu hướng giảm điểm khá tiêu cực
Theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index có phiên giảm điểm thứ tư liên tiếp. Khối lượng giao dịch suy giảm xuống dưới mức bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý dòng tiền đnag khá thận trọng. Không những vậy, chỉ số duy trì đóng cửa dưới MA20, cùng với chùm MA5, 10, 20 ở trạng thái phân kỳ âm tiêu cực, cho thấy áp lực giảm ngắn hạn đang khá mạnh, chỉ số có thể tiếp tục chịu sức ép giảm điểm về các vùng hỗ trợ gần quanh ngưỡng tâm lý 1.000 điểm (MA100) hoặc xa hơn là vùng 925-930 điểm (MA200 và Fib 50).
Nhìn chung, thị trường đang nằm trong xu hướng giảm điểm khá tiêu cực. Do đó, PHS duy trì khuyến nghị, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý và chờ đợi tín hiệu kết thúc nhịp điều chỉnh ngắn hạn để tái gia nhập thị trường.
CTCP Chứng khoán MB: Khả năng thị trường cũng sẽ có những phiên hồi kỹ thuật trong các phiên sắp tới
Thêm 1 phiên giảm sâu là kịch bản không khó đoán khi tâm lý lo lắng về covid đang bao trùm, mức giảm phiên 28/1 mạnh nhất từ trước tới nay. Về dao động, thị trường trong nước đang biến động mạnh hơn so với thị trường quốc tế, tuần trước chỉ số VN-Index đứng đầu toàn cầu về mức sụt giảm theo tuần thì hôm nay là phiên giảm mạnh nhất theo ngày. Về kỹ thuật, phiên giảm mạnh hôm nay như cú “đạp bồi” xác nhận thị trường rơi ra khỏi vùng tích lũy trong hơn 1 tuần vừa qua. Tuy vậy, khả năng thị trường cũng sẽ có những phiên hồi kỹ thuật trong các phiên sắp tới, nếu lực cầu bắt đáy vẫn được duy trì ở mức cao thì cơ hội hồi phục sẽ đến sớm, ngược lại dòng tiền “thờ ơ” thì nhà đầu tư nên chuẩn bị kịch bản thận trọng hơn.
CTCK KIS Việt Nam (KIS): Giảm tỷ trọng cổ phiếu và chờ đợi
Thị trường chứng khoán ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 2002 ,khi nhà đầu tư lo ngại về khả năng lây nhiễm Covid-19 sau khi 82 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng được xác định ở Việt Nam.
Tâm lý thị trường trở nên bi quan trong ngắn hạn do VN-Index xác nhận tín hiệu bán ra. Do đó, các nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục xuống và chờ tín hiệu tiếp theo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận