Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục chịu áp lực rút ròng
Số liệu thống kê của Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, ở tuần giao dịch 11-15/10, thị trường chứng khoán Đông Nam Á tiếp tục ghi nhận áp lực rút ròng từ các quỹ ETF.
Dòng vốn tiêu cực tiếp tục duy trì tại Đông Nam Á nhưng áp lực rút vốn tiếp tục giảm đáng kể; ghi nhận ở mức 13 triệu USD, giảm 50% so với tuần trước. Cụ thể, áp lực rút vốn đã không còn lan rộng trên các quốc gia chủ đạo, ngoại trừ thị trường Việt Nam.
Trong tuần trước, dòng tiền tiếp tục rời khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam, ghi nhận ở mức 13 triệu USD, tăng 40% so với tuần trước đó. Số liệu từ KIS cho thấy, hoạt động rút vốn tập trung chủ yếu trên Fubon FTSE Vietnam và VFMVN Diamond ETF. Đáng chú ý, trong 6 tháng vừa qua, dòng vốn tiêu cực đã xuất hiện trên VFMVN Diamond ETF và X FTSE Vietnam. Theo đánh giá của KIS, điều này hàm ý cho sự suy yếu đáng kể của dòng vốn tại Việt Nam so với năm 2020.
Về diễn biến của dòng tiền ngoại, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục động thái bán ròng ở thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần giao dịch trên. Giá trị bán ròng ghi nhận ở mức 3.385 tỉ đồng, cao gấp 3 lần so với tuần trước đó. Áp lực bán tập trung trên các lĩnh vực chủ đạo như tiêu dùng thiết yếu, tài chính, và bất động sản. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên PAN, MSN, SBT, SSI, VND, SHS, và KBC trong khi FMC, MBB, STB, PVI, và VRE được mua ròng. Bên cạnh đó, nhóm ngành nguyên vật liệu tiếp tục chịu áp lực bán từ khối ngoại, chủ yếu trên HPG trong khi DPM và HSG tiếp tục thu hút lực cầu ngoại. Ở chiều ngược lại, lực cầu từ khối ngoại đã quay trở lại trên lĩnh vực công nghiệp, tập trung trên HAH và DIG.
Mặc dù ở hiện tại, giao dịch của nhà đầu tư ngoại chỉ chiếm một phần nhỏ (khoảng 6-7%) trong tổng giá trị giao dịch của thị trường. Tuy nhiên, việc khối ngoại liên tục bán ròng cũng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận