Thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều "bất thường" trong năm 2021
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 1 năm lên đỉnh ngoạn mục cả về điểm số và thanh khoản. Tuy nhiều điểm bất thường đã xuất hiện trên thị trường.
Năm 2021, dòng tiền của nhà đầu tư nội cuồn cuộn chảy vào thị trường, tuy nhiên khối ngoại lại tỏ ra không mấy mặn mà khi bán ròng kỷ lục gần 60.000 tỷ trong 11 tháng đầu năm nay.
Chủ tịch FiinGroup Nguyễn Quang Thuân cho rằng: "Mọi người thường nói do đồng USD tăng giá và họ quay về nước bản địa…, nhưng thực ra không phải. Một là họ tái cấu trúc và trong đó thay đổi lướt sóng rất nhiều, đặc biệt năm vừa qua tiền vào từ Đài Loan thông qua quỹ Fubon hay Hàn Quốc và rất không may là hai nước đó là hai nước bị bán ròng nhiều nhất trong thị trường mới nổi, một nước 15.000 tỷ USD, một nước 17.000 tỷ USD nên mình bị hiệu ứng 2 lần."
Theo đánh giá của các chuyên gia, một điểm "bất thường" khác là hiện tượng nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh từ 100 - 400% chỉ trong 1 tháng như: CMS, CEO, VTH, SDA, VKC…, trong khi hiệu quả hoạt động kinh doanh không có gì nổi trội.
"Trong cả 1 năm vừa qua, có lẽ thị trường quá quan tâm vào việc tăng vốn và khắc phục những hậu quả của COVID0-19 mà lơ là việc quan hệ công chúng, cung cấp thông tin minh bạch ra thị trường, nâng cao chất lượng công bố thông tin, áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế", Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam Phan Lê Thành Long nhận định.
Dù hệ số P/E thị trường chỉ khoảng 17 lần và đa số các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tương đối tốt với mức tăng trưởng lợi nhuận từ 20 - 30%, tuy nhiên mức tăng trưởng đột biến của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đặt ra nhiều dấu hỏi.
Mức tăng của thị trường chứng khoán cũng được cho là hơi lệch pha so với kinh tế thực, vốn đã tăng trưởng âm vào quý 3 và cả năm dự báo chỉ tăng 2 - 2,5%. Cùng với đó thị trường cũng ghi nhận nhiều tín hiệu về tâm lý đám đông và tính thiếu bền vững.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận