Thị trường chứng khoán Việt: Đã có thiên thời, địa lợi, chỉ còn chờ nhân hòa
Theo các chuyên gia, dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát cùng diễn biến tăng điểm của thị trường thế giới đang là các yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Việt.
Sự thăng hoa của thị trường chứng khoán Mỹ đã mang tới những tín hiệu khởi sắc cho thị trường Việt Nam ngay từ những phút mở cửa phiên giao dịch ngày 2/3. Hàng loạt cổ phiếu đạt sắc xanh chỉ sau 15 phút đầu tiên phiên ATO giúp VN-Index đạt mức tăng gần 10 điểm và tiến sát đỉnh lịch sử 1.200 điểm. Hoạt động giao dịch diễn ra sôi động trong phiên sáng, trước khi chậm lại ở phiên chiều do lo ngại tình trạng nghẽn lệnh tái diễn khi thanh khoản đã tăng cao ở phiên sáng. Lực mua áp đảo đầu phiên đã giúp thị trường mở cửa phiên đầy tích cực, tuy nhiên, phe bán có phần áp đảo hơn khiến chỉ số thu hẹp đà tăng vào cuối phiên.
Sang phiên chiều 2/3, lực bán ngày một gia tăng đẩy chỉ số có lúc xuống dưới mốc tham chiếu. Việc thanh khoản cao khiến tình trạng nghẽn mạch diễn ra sớm, nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, xây dựng, dầu khí… khá giằng co trong sắc đỏ. Đến cuối phiên, bên mua tạm gỡ gạc được một chút điểm số cho thị trường khi đưa VN-Index kết phiên ATC được trong sắc xanh. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 0,44 điểm (+0,04%) lên 1.186,35 điểm với 227 mã tăng và 190 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 577 triệu đơn vị, giá trị hơn 15.217 tỷ đồng, giảm hơn 10% về khối lượng và 5% về giá trị so với phiên 1/3.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index có diễn biến tượng tự, nhưng bất ngờ rơi mạnh cuối phiên khi áp lực chốt lời gia tăng. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/3, chỉ số HNX-Index giảm 4,43 điểm (-1,76%) xuống 247,94 điểm với 98 mã tăng và 174 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 119,47 triệu đơn vị, giá trị 2.111,5 tỷ đồng, giảm nhẹ khoảng 2% về cả khối lượng và giá trị so với phiên 1/3.
Trên UPCoM, chỉ số UPCoM-Index duy trì được sắc xanh trong suốt phiên giao dịch mặc dù chịu không ít rung lắc. Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,31 điểm (+0,4%) lên 77,46 điểm với 166 mã tăng và 82 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 82,71 triệu đơn vị, giá trị 1.221,09 tỷ đồng, tăng hơn 20% về khối lượng và 17% về giá trị so với phiên 1/3.
Phiên giao dịch ngày 2/3, khối ngoại tiếp tục bán ròng với tổng giá trị bán ròng trên HOSE là 700,65 tỷ đồng, trong đó: tổng mua 1.001,92 tỷ đồng; tổng bán 1.702,57 tỷ đồng.
Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến thiết (VNCSI), phiên giao dịch ngày 2/3 mở cửa bằng mức điểm cao nhất ngày nhưng đóng cửa ở một mốc tương đối thấp, VN-Index vẽ trên đồ thị kỹ thuật một cây nến đỏ gần như trái ngược hoàn toàn với cây nến ngày hôm trước và thể hiện cho lực cầu đang tạm thời suy yếu. Tuy nhiên, đây không phải là một điều đáng lo ngại trong một xu hướng tăng của chỉ số.
“Phiên tăng điểm không đáng kể của VN-Index khiến chỉ báo xung lực giá RSI20 hầu như đi ngang ở mức 59,6 điểm và là một mức tương đối mạnh. Nhìn chung thì diễn biến của phiên giao dịch ngày 2/3 không làm thay đổi quan điểm về khả năng thị trường quay trở lại thử thách mốc kháng cự 1.200 điểm trong thời gian tới của chúng tôi”, VNCSI nhận định.
Theo VNCSI, một lần nữa mốc kháng cự 1.200 điểm đang là một thử thách vô cùng khó khăn thể hiện quan việc dòng tiền có sự hụt hơi rõ nét khi VN-Index tiệm cận ngưỡng kháng cự này trong phiên. Mặc dù vậy, sau phiên tăng mạnh ngày 1/3 thì tâm lý thị trường có phần hạ nhiệt là một dấu hiệu bình thường. Thiên thời địa lợi từ sự ổn định hơn của chứng khoán thế giới và việc kiểm soát tốt dịch bệnh trong nước, VN-Index giờ đây chỉ cần yếu tố nhân hòa là sự đồng thuận của nhà đầu tư để kéo thị trường “vượt đỉnh”.
“Với diễn biến hiện tại chúng tôi vẫn giữ quan điểm tạm thời chưa giải ngân mới và giữ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức vừa phải. Nếu VN-Index chinh phục thành công mốc kháng cự 1.200 điểm thì đây mới là thời điểm mà nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân và gia tăng tỷ trọng cổ phiếu danh mục”, VNCSI khuyến nghị.
Theo ông Trần Xuân Bách, Chuyên gia Phân tích và Chiến lược thị trường, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VN-Index dự báo sẽ tiếp tục tăng điểm nhẹ trong phiên kế tiếp. Tuy nhiên, chỉ số có thể chịu áp lực rung lắc, điều chỉnh trong phiên trước khi hồi phục về cuối phiên. Vùng đỉnh quanh 1.200 điểm vẫn được đánh giá là vùng cản có lực cung tiềm ẩn khá lớn và thị trường có thể sẽ cần thêm thời gian tích lũy ở bên dưới vùng cản này để tích lũy thêm xung lực trước khi được kỳ vọng sẽ chinh phục thành công vùng đỉnh này trong thời gian tới.
“Về chiến lược đầu tư, nên duy trì tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trong danh mục ở mức 50-70% cổ phiếu. Ưu tiên nắm giữ các vị thế trung - dài hạn. Hoạt động giải ngân có thể tập trung ở nhóm các cổ phiếu nguyên vật liệu, dầu khí, thép, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản…”, ông Trần Xuân Bách nêu ý kiến./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận