Thị trường chứng khoán đang ở đâu sau 1 năm Covid?
Có một điều chưa có gì thay đổi kể từ khi đại dịch diễn ra cho tới nay: tính bất ổn của thị trường chứng khoán.
Khi đà bán tháo xuất hiện vào ngày 20/2/2020, những người lạc quan cho rằng thị trường chỉ giảm trong chốc lát, nhất là khi niềm tin vào đà tăng trưởng của khu vực châu Á vẫn mạnh mẽ. Tới tháng 3/2020, đại dịch Covid-19 càn quét toàn cầu, chứng khoán lập tức rơi vào thị trường giá xuống khi nhà đầu tư hoảng loạn bán ra mọi thứ nắm giữ trong tay.
Cũng nhanh như khi xuống dốc, các thị trường chứng khoán toàn cầu leo dốc chóng mặt nhờ các gói hỗ trợ quy mô chưa từng có trên toàn cầu, cũng như các chính sách tài khoá hỗ trợ đà tăng của chỉ số, bất chấp các nền kinh tế trong tình cảnh tổn thương chưa thể chữa lành và nhiều nơi chứng kiến nền kinh tế tăng trưởng âm.
Theo giới chuyên gia, số lượng cũng như quy mô của các chương trình hỗ trợ đại dịch chính là yếu tố tạo nên thay đổi lớn nhất đối với các thị trường tài chính toàn cầu trong năm qua khi đối diện với đại dịch Covid-19.
“Điều quan trọng nhất mà các thành viên thị trường cần ghi nhớ hiện tại đó là chúng ta đang có những gói hỗ trợ lơn hơn bất kỳ chương trình nào trong quá khứ, kể cả giai đoạn 2008 – 2009. Có quá nhiều tiền trên thị trường và thật khó để trả lời chứng khoán sẽ ra sao”, Matt Forester, giám đốc đầu tư tại Lockwood Advisors chia sẻ.
Dưới đây là diễn biến tại các thị trường chứng khoán lớn cho thấy chứng khoán toàn cầu đang đứng ở đâu sau 1 năm đối diện đại dịch.
Châu Á dẫn đầu đà tăng
Chỉ số MSCI Châu Á – Thái Bình Dương đã đánh bại S&P 500 kể từ khi đại dịch tác động tới các thị trường chứng khoán vào tháng 2/2020 cho tới nay. Với nhu cầu mua sắm, làm việc online gia tăng, nhà đầu tư nhanh chóng rót tiền vào các cổ phiếu nhóm công nghệ, trong đó những tên tuổi nổi bật là Taiwan Semiconductor Manufacturing Co, Samsung Electronics Co, Alibaba Group Holding Ltd, Tencent Holdings Ltd…
Đà bán tháo tại thị trường Trung QUốc bắt đầu kể từ tháng 1/2020, sớm hơn bất kỳ nơi nào khác, sau khi quốc gia này áp lệnh phong toả với thành phố Vũ Hán. Chỉ số Shanghai Composite giảm 12% kể từ giữa tháng 1/2020 tới đầu tháng 2/2020, tiếp tục chìm sâu trong tháng 3 cùng với “nhịp đập” của thị trường toàn cầu.
Tới đầu tháng 7/2020, chứng khoán Trung Quốc đã lấy lại những gì đã mất và tăng trong tất cả các tháng kể từ đó cho tới nay, ngoại trừ 1 tháng.
Diễn biến chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương (đường màu đen) và S&P 500 (đường màu đỏ)
Avo Ora, giám đốc danh mục đầu tư chứng khoán khu vực châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) của Pictet Asset Management cho biết, có cơ hội lớn để chứng khoán châu Á tiếp tục tăng trưởng vượt trội. Hoạt động của doanh nghiệp có triển vọng tích cực, định giá cổ phiếu còn hấp dẫn và tăng trưởng lợi nhuận dương là những yếu tố khiến cổ phiếu của khu vực này thu hút dòng vốn đầu tư toàn cầu.
Châu Âu lùi phía sau
Chứng khoán châu Âu có màn biểu diễn kém tích cực hơn so với đà phục hồi của chứng khoán Mỹ, châu Á bởi một số nguyên nhân.
Thứ nhất, chứng khoán châu Âu “nghiêng” về nhóm tài chính, năng lượng, hàng tiện ích – vốn là những nhóm chịu tổn thương mạnh nhất khi đại dịch diễn ra vào tháng 3/2020 và vẫn chưa thể hồi phục khi tin tức về vắc xin bắt đầu xuất hiện vào tháng 11/2020. Thứ hai, tình hình kinh tế châu Âu có nhiều bất ổn: Quá trình nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), khủng hoảng Italy, các lệnh phong toả nghiêm ngặt từ Tây Ban Nha tới Italy và Anh khiến các nhà đầu tư chưa thể vững tâm.
Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ từ Liên minh châu Âu cũng xuất hiện chậm hơn so với phần còn lại của thế giới, Alberto Tocchio, giám đốc danh mục đầu tư tại Kairos Partners cho biết.
Diễn biến chỉ số Stoxx Europe 600 (đường màu trắng) và S&P 500 (đường màu xanh)
Chứng khoán Mỹ phân cực
Đại dịch Covid-19 khiến 22 triệu người dân Mỹ mất việc, đẩy nhiều người vào cảnh mất nhà. Nhưng đây cũng là cơ hội lớn với các doanh nghiệp công nghệ và thương mại điện tử như Amazon.com Inc, Zoom Video Communications Inc, Netflix Inc…
Ở chiều ngược lại, các công ty hàng không, sòng bạc, du lịch, bản lẻ… chịu tổn thất nặng nề bởi các đợt giãn cách, chứng kiến giá cổ phiếu chìm trong sắc đỏ.
Ngay cả trong nhóm chịu tổn thất nặng cũng có sự phân cực rõ ràng khi tin tức về vắc xin xuất hiện. Trong khi giá cổ phiếu vốn hoá nhỏ tăng lên mực kỷ lục, nhóm cổ phiếu hàng không, khách sạn, du thuyền… vẫn đi ngang, bởi các lệnh hạn chế di chuyển vẫn được áp dụng.
Chỉ số Russell 2000 tăng hơn 30% kể từ mức đáy khi đại dịch diễn ra, trong khi nhóm cổ phiếu hàng không giảm ở mức tương ứng kể từ mức đỉnh gần nhất. Russell 2000 là chỉ số đo lường hiệu suất của khoảng 2.000 công ty vốn hoá nhỏ nhất thị trường Mỹ.
Diễn biến chỉ số Russell 2000 (đường màu đỏ) và một số nhóm cổ phiếu hàng không (đường màu đen), nhà hàng - khách sạn (đường màu xanh dương), nguyên vật liệu (đường màu xanh ngọc)
Chưa từng lặng sóng
Có một điều chưa có gì thay đổi kể từ khi đại dịch diễn ra cho tới nay: tính bất ổn của thị trường chứng khoán. Chỉ số Cboe VIX, đo lường tính bất ổn của thị trường chứng khoán Mỹ duy trì ở mức trên 20 điểm trong 246 phiên giao dịch liên tiếp – mức dài thứ hai trong lịch sử hơn 30 năm qua.
Trước đó, trong giai đoạn 10 năm, chỉ số Cboe VIX ở mức trung bình gần 17,6.
Tính chất bất ổn của thị trường chứng khoán Mỹ ở mức rất cao trong nhiều tháng kể từ 1 năm trở lại đây, ngay cả khi chỉ số S&p 500 đã hồi phục ngoạn mục và thiết lập 30 kỷ lục kể từ tháng 3/2020 cho tới nay.
Diễn biến chỉ số Cboe VIX theo các giai đoạn
“Với mức bất ổn hiện tại, tôi cho rằng chỉ số sẽ khó có thể quay lại ngưỡng trước đại dịch. Đà tăng của thị trường chứng khoán và chỉ số đo lường mức độ bất ổn, cũng như sự lo lắng của thị trường đã mất đi mối liên kết”, Steve Sosnick, chiến lược gia trưởng tại Interactive Brokers LLC cho biết.
Định giá cao hơn
Một hệ quả của việc liên tục thưc hiện các gói nới lỏng định lượng, cùng môi trường lãi suất thấp là việc cổ phiếu trở nên đắt đỏ hơn so với trước thời điểm đại dịch diễn ra.
Chứng khoán Mỹ đang là thị trường “cao giá” nhất, với chỉ số S&P 500 giao dịch với P/E 22,3 lần, gần mức cao nhất trong một thế kỷ. Tiếp theo đó là chỉ số Stoxx Europe 600 với P/E 17,4.
P/E của các thị trường Mỹ (đường màu đỏ), châu Âu (đường màu đen) và châu Á - Thái Bình Dương (đường màu xanh)
“Nhà đầu tư đang rút tiền mặt ra khỏi các tài khoản, rời bỏ thị trường trái phiếu bởi lãi suất quá thấp. Giới đầu tư luôn tìm kiếm cơ hội tăng trưởng lợi nhuận và còn nơi nào hấp dẫn như chứng khoán”, Marshall Front, giám đốc đầu tư tại Front Barnertt Associaties cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận