Thị trường BĐS quý 1: Trầm lắng và chờ đợi
Trải qua quý 1/2023 trầm lắng, thị trường bất động sản đang giữ tâm thế “nghe ngóng, chờ đợi” những động thái quyết liệt từ Chính phủ. Các chuyên gia đã kiến nghị nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh và bền vững.
Doanh Nghiệp Giữ “Tâm Thế” Chờ Đợi
Theo báo cáo quý 1/2023 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trạng thái trầm lắng vẫn bao phủ toàn thị trường, dấu hiệu phục hồi chưa thực sự rõ nét. Thanh khoản thị trường quý 1/2023 đang sụt giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm 2022 khi tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt khoảng 11%. Con số giao dịch này tương đương với hơn 2.700 sản phẩm và giảm hơn 50% so với cùng kì năm ngoái. Thị trường vẫn lệch pha cung cầu và khan hiếm trầm trọng nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ.
Tuy nhiên, trong bức tranh không sáng sủa đó, thị trường vẫn ghi nhận điểm sáng về nguồn cung và giao dịch tại một số dự án nhất định. Điểm chung của các dự án bất động sản có giao dịch tốt trong quý vừa qua là vị trí thuận lợi, được các chủ đầu tư uy tín phát triển và có chất lượng bàn giao tốt.
Thực trạng trên đã khiến các doanh nghiệp bất động sản, môi giới bất động sản, khách hàng, nhà đầu tư giữ “tâm thế” nghe ngóng, chờ đợi từng động thái của Chính phủ. Hàng loạt động thái tích cực từ Chính phủ đã thực sự khiến thị trường kì vọng vào giai đoạn khởi sắc sắp tới khi các nghị định 08/2023/NĐCP, nghị quyết 33/NQ-CP, thông tin về gói tín dụng 120 nghìn tỷ của các ngân hàng thương mại, 5 quyết định giảm lãi suất của NHNN và thông tin sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-NHNN được ban hành.
Các giải pháp trên nhằm “tháo gỡ” các điểm nghẽn về cơ chế, pháp lý, nguồn cung cho thị trường bất động sản. Thế nhưng, các giải pháp vẫn chưa độ ngấm, để trở thành đòn bẩy, tạo cú hích cho thị trường có sự bật tăng khi vẫn chưa ban hành điều chỉnh luật mới, văn bản dưới luật như nghị định, thông tư… dẫn đến chưa thể tháo gỡ một cách triệt để các rào cản.
Chính bởi vậy mà thị trường dù đón nhận những thông tin tích cực nhưng vẫn chưa có kết quả cụ thể, chưa thực sự thoát ra khỏi khó khăn, trầm lắng. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn đang đối mặt khó khăn, khủng hoảng và đứng trước nguy cơ phá sản. Nhiều doanh nghiệp thay vì chờ giải cứu, đang tìm cách “tự cứu lấy mình” để vượt qua khó khăn.
Các Kiến Nghị Thúc Đẩy Thị Trường
Trước thực trạng khó khăn trên, trao đổi với Batdongsan.com.vn, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đã kiến nghị nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. Với cơ quan quản lý nhà nước, ông Đính kiến nghị các văn bản dưới luật, có tính chất tháo gỡ các điểm nghẽn cho thị trường cần được đẩy mạnh và nhanh hơn trong việc ban hành. Nhà nước cũng cần sớm ban hành, sửa đổi các thông tư, các nghị định liên quan đến chuyển nhượng dự án, tính tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, đền bù và quy hoạch nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng quy trình phê duyệt thủ tục chuẩn bị đầu tư cũng như giám sát quá trình thực thi của các địa phương. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chế tài xử lý các địa phương không thực thi hết trách nhiệm. Ngoài ra, ông Đính nhấn mạnh, các giải pháp thu thập, tổng hợp khai thác thông tin dữ liệu thị trường cần được triển khai mạnh để điều tiết quan hệ cung – cầu, làm cơ sở để phát triển thị trường bất động sản an toàn và lành mạnh.
Trong trường hợp các doanh nghiệp không thể tiếp tục triển khai dự án, phải bán dự án cần có những chính sách hỗ trợ, nới lỏng điều kiện để tạo cơ hội cho doanh nghiệp được “giải phóng”. Đồng thời, Nhà nước cần có biện pháp để kiểm soát hoạt động này.
Nhận định về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường, ông Lê Đình Chung, Tổng Giám đốc SGO Homes kiến nghị, các rào cản về vướng mắc pháp cần được các cơ quan quản lý Nhà nước nhanh chóng tháo gỡ. Với sản phẩm nhà ở dành cho người thu nhập thấp, Nhà nước cần mở rộng đối tượng được vay, hưởng ưu đãi tín dụng. Ngoài ra, các hỗ trợ về thuế như cho phép doanh nghiệp BĐS được chậm thuế từ 6 tới 12 tháng nên cân nhắc được triển khai như thời điểm dịch Covid-19.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận