menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hương Mai

Thị trường BĐS nghỉ dưỡng: Nhiều dấu hiệu tốt nhờ sự phục hồi kinh tế

Địa vị pháp lý rõ cùng với nhiều điểm sáng thuận lợi đã tác động tích cực đến thị trường bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng. Đó là những vấn đề được các nhà quản lý, chuyên gia nhìn nhận tại hội thảo “Cơ hội mới của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng” do Báo Tiền Phong tổ chức hôm qua, 22/7, tại TPHCM.

Dần được định hình lại

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế đánh giá, thời điểm này rất thuận lợi và có điểm sáng là nguồn vốn FDI, xuất khẩu dương… tạo tiền đề tích cực cho BĐS phát triển. Mặt khác, thu ngân sách 6 tháng đầu năm tăng kế hoạch, trong khi chi chưa nhiều. Điều này tạo dư địa giúp Chính phủ có thể thực hiện các nhiệm vụ chi, trong đó có chi cho đầu tư hạ tầng giao thông.

Ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam cho hay, 6 tháng đầu năm 2022 có gần 60 dự án BĐS nghỉ dưỡng, đây là mức tăng cao so với năm 2021. Trong đó, phân khúc tập trung vào biệt thự nghỉ dưỡng với 26 dự án (2.776 căn); nhà phố và shophouse là 23 dự án (5.145 căn), condotel là 8 dự án (1.591 căn). Dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng giá vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước, với mức từ 9-40%.

Tạo tiền đề cho sự phát triển thị trường BĐS

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong nhận định, Việt Nam có nhiều tiềm năng lớn về du lịch, điều kiện phát triển du lịch nghỉ dưỡng phong phú, có bờ biển dài, nhiều rừng núi đẹp để phát triển du lịch. Chúng ta có điều kiện hạ tầng du lịch tốt, hàng năm đều thu hút một lớn lượng khách quốc tế đến du lịch. Mỗi năm lượng khách tăng trưởng 15%, nằm trong top 3 của 10 thị trường du lịch có sự phát triển nhanh nhất. Năm 2020, Chính phủ đề ra chiến lược phát triển du lịch. Trong 2 năm vừa qua, do ảnh hưởng dịch bệnh nên có sự ngưng trệ nhưng từ tháng 3/2022, Việt Nam đã mở cửa, chúng ta khống chế được dịch, góp phần tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế. Tất cả điều trên tạo tiềm năng cho sự phát triển thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.

Thị trường BĐS nghỉ dưỡng: Nhiều dấu hiệu tốt nhờ sự phục hồi kinh tế ảnh 2

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong nhận định, Việt Nam có nhiều tiềm năng lớn về du lịch, điều kiện phát triển du lịch nghỉ dưỡng phong phú

Nhà báo Lê Xuân Sơn khẳng định, hội thảo nhằm đánh giá thực trạng du lịch, tiềm năng phát triển bất động sản nghỉ dưỡng; đồng thời nhằm góp phần khai thông những ách tắc về mặt xã hội, trong đó người đầu tư thứ cấp phải đối mặt với những vấn đề không ổn về mặt pháp lý, nhiều nơi còn phản ứng ảnh hưởng đến danh dự, thương hiệu… của nhà đầu tư... “Dù có những khó khăn nhưng thị trường kinh tế đang có sự phục hồi và tăng trưởng khá tốt trong tình hình hiện nay. Điều đó tạo ra tiền đề cho sự phát triển thị trường bất động sản nói chung và thị trường bất động nghỉ dưỡng nói riêng”, nhà báo Lê Xuân Sơn nói.

“Thị trường có nhiều dấu hiệu tốt nhờ vào sự phục hồi kinh tế. Trong đó, GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%; FTA là cơ sở thu hút vốn đầu tư nước ngoài, gia tăng xuất nhập khẩu; gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng của Chính phủ hỗ trợ và phục hồi kinh tế sau đại dịch. Đặc biệt, định hướng phát triển du lịch của Nhà nước hướng đến mục tiêu đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế năm 2025 và ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế đến năm 2030”, ông Thắng nói.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, khoảng 80-90% thị trường BĐS nghỉ dưỡng nằm ở khu vực ven biển, hải đảo. Do đó các tỉnh, thành ven biển có lợi thế lớn để phát triển loại hình này. Hiện nay, thị trường BĐS nghỉ dưỡng đang dần được định hình lại, các chủ đầu tư tương tác, gắn bó quyền lợi của mình với khách hàng tốt hơn trước. Văn hóa kinh doanh này sẽ thống lĩnh trên thị trường BĐS nghỉ dưỡng bởi đây là “con gà đẻ trứng vàng”, khi chúng ta thu hút đông đảo khách du lịch trở lại. “Chúng tôi rất kỳ vọng BĐS và ngành du lịch Việt Nam sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. BĐS Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển một cách lành mạnh, bền vững. Điều này sẽ có lợi cho cả chủ đầu tư, khách hàng”, ông Châu bày tỏ.

6 tháng cuối năm sẽ tăng nhẹ

Theo ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam, dù còn nhiều thách thức nhưng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng 6 tháng cuối năm cũng sẽ rất tích cực, nguồn cung lĩnh vực này vẫn sẽ tăng nhẹ so với 6 tháng đầu năm, tập trung vào một số thị trường như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu và Phú Quốc. “Giá bán sơ cấp tiếp tục tăng do chi phí đầu vào tăng”, ông Thắng dự báo.

Thị trường BĐS nghỉ dưỡng: Nhiều dấu hiệu tốt nhờ sự phục hồi kinh tế ảnh 3

Ông Võ Hồng Thắng dự báo, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng 6 tháng cuối năm cũng sẽ rất tích cực

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực BĐS, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, tình hình phát triển kinh tế xã hội trong 6 tháng đầu năm 2022 đang trên đà phục hồi tốt. Cùng với đó, thị trường BĐS cũng đang có nhiều dấu hiệu hồi phục về nhiều mặt. “Đó là lượng giao dịch BĐS tăng dần từ quý 1 sang quý 2; các sản phẩm BĐS không phát sinh hàng tồn kho; dòng vốn cho đầu tư BĐS ổn định”, ông Dũng nói.

Ông Dũng khẳng định, không có chuyện Ngân hàng Nhà nước dừng hay siết dòng vốn đối với BĐS, mà chỉ có kiểm soát lại nguồn vốn tín dụng dành cho BĐS để đảm bảo đúng đối tượng và an toàn. Về trái phiếu, các doanh nghiệp trong quý 2 vẫn tiếp tục phát hành trái phiếu để đầu tư. Nguồn vốn FDI dành cho BĐS là điểm sáng trong giai đoạn hiện nay.

Cần tháo điểm nghẽn

Bàn về pháp lý, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, với mục tiêu tạo thị trường BĐS an toàn, lành mạnh và bền vững, Chính phủ đã xây dựng hệ sinh thái BĐS đồng bộ với các thị trường khác. Theo đó, vấn đề bao trùm của Nghị quyết 18 của Trung ương là đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 để đồng bộ với các luật khác có liên quan, tạo tiền đề định hướng sự phát triển của thị trường BĐS. Cùng với đó, mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng sự đồng bộ của cả hệ thống pháp luật.

Theo ông Châu, có 3 luật phải sửa đổi toàn diện trong thời gian tới là Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Quy hoạch đô thị. Tính chính danh của BĐS du lịch đã được quy định trong các văn bản là đã có nhưng cần phải hoàn thiện.

Để bảo đảm an toàn cho cán bộ công chức trong thực thi công vụ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ đầu tư và khách hàng, ông Châu cho rằng cần thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương. Theo đó, phải sửa đổi, hoàn thiện Luật Đất đai 2013, đồng thời phải xây dựng đồng bộ, hoàn thiện hệ thống pháp luật. “BĐS du lịch có tiềm năng cực kỳ lớn. Sau khi chuẩn hóa các hành lang pháp lý sẽ định hướng cho sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường BĐS du lịch”, ông Châu nói.

Là người tư vấn cho các nhà đầu tư BĐS, Luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng, với sự phát triển nhanh của sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng, trong khi về mặt luật pháp chưa rõ ràng, nó đã để lại không ít các tranh chấp phát sinh giữa chủ đầu tư dự án và những người mua lại dự án. Thực tế cho thấy, để có thể kinh doanh được sản phẩm này, người mua được cấp sổ thì bản thân sản phẩm đang phải chịu sự điều chỉnh của rất nhiều luật gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Du lịch… Mấu chốt là các văn bản luật này “chưa đặt được tên”, để từ đó có thể ghi “giấy khai sinh” cho chúng. Nó đang được các địa phương tạm gọi là đất ở không hình thành đơn vị ở. Vì vậy, chúng ta cần phải luật hóa được vấn đề này.

“Vấn đề ở đây chính là người mua thứ cấp vẫn muốn có thuộc tính sở hữu, mà chỉ có việc sửa luật thì mới đảm bảo được thuộc tính này. Để làm được việc này, cần bổ sung khái niệm “đất ở nông thôn không hình thành đơn vị ở” vào điểm A khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai năm 2013; cần đưa thêm khái niệm vào Điều 3 của Luật nhà ở 2014; cần bổ sung khái niệm “nhà ở không hình thành đơn vị ở” vào Điều 5 của Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 để thuộc diện là các bất động sản đưa vào kinh doanh”, luật sư Phát nói.

Ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản đánh giá, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư băn khoăn về tính pháp lý của BĐS du lịch nghỉ dưỡng nhưng điều này chỉ ở giai đoạn đầu. “Tôi khẳng định đến thời điểm này, định danh địa vị pháp lý của bất động sản nghỉ dưỡng đã rất rõ ràng. Các nhà đầu tư đã hiểu rất rõ về nhận thức pháp luật, đầu tư nên không còn băn khoăn nữa”, ông Dũng khẳng định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại