Thị trường bất động sản: Quý IV bung hàng
Thị trường bất động sản đang phụ thuộc nhiều vào diễn biến dịch bệnh, song các thành viên thị trường vẫn kỳ vọng nguồn hàng sẽ bung mạnh trong quý cuối năm nay để đón đầu cơ hội phục hồi, khi dịch được kiểm soát.
Cầu lớn
“Nguồn cung sẽ tăng mạnh vào giai đoạn cuối năm vì hiện tại, nhiều chủ đầu tư vẫn đang nắm giữ nguồn hàng và sẽ tận dụng giai đoạn cao điểm sức cầu để tung ra thị trường”. Đây là nhận định của ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận Tiếp thị dự án nhà ở, CBRE Việt Nam, khi trao đổi với phóng viên về diễn biến thị trường những tháng cuối năm.
Theo ông Kiệt, nguồn cung tăng sẽ thúc đẩy thanh khoản thị trường, qua đó mang lại kết quả tốt cho các chủ đầu tư trong quý cao điểm cuối năm.
Cũng theo chuyên gia này, mặc dù thị trường còn phụ thuộc nhiều vào kết quả chống dịch, nhưng do các chủ đầu tư đã có kinh nghiệm ứng phó từ các lần bùng phát dịch trước đó nên khả năng thị trường sẽ sôi động trở lại ngay khi dịch được khống chế.
Cùng góc nhìn, bà Lê Thu Hà, Tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển đầu tư Hà Nội (THM Land) cho rằng, bên cạnh chi phí đầu vào tăng, việc cầu vượt cung cũng là yếu tố khiến giá nhà tăng và thanh khoản vẫn có ngay trong cao điểm dịch bệnh.
“Chẳng hạn, tại dự án Xanh Villas do THM Land phân phối, năm ngoái, giá bán chỉ dao động quanh mức 15 triệu đồng/m2 mà vẫn khó giao dịch, thì năm nay, giá đã tăng lên gấp đôi nhưng vẫn cháy hàng. Thậm chí, các đơn vị phân phối phải cạnh tranh quyết liệt để có hàng bán, nhiều trường hợp đã phải trả lại tiền cọc cho khách hàng do cầu vượt cung quá nhiều”, bà Hà nêu dẫn chứng.
Chờ cung bùng nổ
Trong giai đoạn dịch bệnh, bên cạnh những doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn hàng, sẵn dự án cho mùa kinh doanh cao điểm quý cuối năm, thì cũng có doanh nghiệp đang gấp rút hoàn thiện thủ tục pháp lý để kịp đưa sản phẩm ra thị trường trong những tháng cuối năm.
Dự kiến trong tháng 9 này, hoặc muộn nhất là quý IV/2021, chúng tôi sẽ cho ra mắt một dự án nhà ở theo phong cách resort living (sống nghỉ dưỡng) ở Quảng Ninh. Dự án có quy mô 10 ha với khoảng 300 sản phẩm biệt thự, liền kề, mật độ xây dựng chỉ khoảng 30%, không gian còn lại dành cho các hạng mục về cảnh quan, tiện ích. Hiện tại, dự án này thu hút sự quan tâm khá lớn từ khách hàng, qua đó cho thấy nhu cầu cao về nhà ở nói chung, bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng. Bà Lê Thu Hà, Tổng giám đốc THM Land
Trao đổi với phóng viên, đại diện một chủ đầu tư tầm trung ở Hải Dương cho biết, doanh nghiệp này đang tập trung hoàn thiện pháp lý cho các dự án để có thể đưa sản phẩm ra thị trường ngay sau khi dịch được khống chế.
Đánh giá về thị trường bất động sản Hải Dương, vị này cho hay, do khu vực trung tâm thành phố đã gần như bão hòa bởi sự xuất hiện của nhiều chủ đầu tư như Nam Cường, Thành Đông, New Land…, nên doanh nghiệp chủ yếu phát triển các dự án cỡ vừa ở trung tâm các huyện, tập trung vào các sản phẩm nhà phố, đất nền phân lô hướng tới nhu cầu thực của khách hàng.
Cũng chia sẻ kế hoạch quay trở lại thị trường sau dịch, ông Đoàn Ngọc Duy, Giám đốc khối Marketing và kinh doanh Cát Tường Group cho biết, Công ty đang thực hiện đồng thời nhiều giải pháp, trong đó một mặt tập trung triển khai các dự án trọng điểm, mặt khác thay đổi chính sách bán hàng phù hợp hơn với khách hàng có nhu cầu ở thực để kích cầu.
“Cát Tường Group đang đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện cũng như hoạt động truyền thông, bán hàng tại nhiều dự án như Taka Garden Riverside Homes (tỉnh Long An), Khu đô thị Cát Tường Western Pearl (tỉnh Hậu Giang), Khu đô thị phức hợp Cát Tường Phú Hưng (tỉnh Bình Phước).Ngoài ra, với một số dự án, Cát Tường Group sẽ áp dụng chính sách thanh toán linh hoạt để hỗ trợ khách hàng”, ông Duy thông tin.
Còn theo bà Lê Thu Hà, nắm bắt được điểm rơi thị trường, THM Land tiếp tục đẩy mạnh phân phối các dự án đang được quan tâm như Green Bay (TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) khi dự án này đã đủ điều kiện bàn giao, trong đó có nhiều nhà đầu tư là khách hàng hiện hữu của THM Land.
“Trong giai đoạn dịch bệnh, THM Land đã tăng cường các hoạt động tiếp thị, bán hàng online và bước đầu thu được kết quả khả quan”, bà Hà chia sẻ thêm.
Sẽ hình thành mặt bằng giá mới?
Đánh giá xu hướng thị trường thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Đại Việt Group cho rằng, về cơ bản sẽ chỉ có tốt lên, bởi hiện đã ở mức xấu nhất và khó có thể “đi xuống” thêm nữa.
Về diễn biến giá, theo ông Quốc Anh, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đã rút tiền khỏi ngân hàng để đầu tư vào bất động sản nhằm thu được lợi tức cao hơn so với gửi tiết kiệm, tức là nhà đầu tư dùng “tiền túi”, hạn chế đòn bẩy nên khó có câu chuyện hình thành mặt bằng giá mới thấp hơn do áp lực mua - bán.
Còn theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, dịch bệnh có thể được kiểm soát sớm hoặc muộn, nhưng xu hướng tăng giá đã, đang và sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới khi các loại chi phí đầu vào như chi phí đầu tư, nguyên vật liệu, lãi vay, chi phí tài chính… đều tăng và được tính vào giá bán sản phẩm.
“Trong một vài năm tới, tại khu vực TP.HCM, mức giá sẽ tăng cao ở phân khúc căn hộ hạng sang, trung bình khoảng 6-9%/năm, phân khúc cao cấp từ 4-5%/năm. Trong khi đó, phân khúc tầm trung sẽ có mức tăng thấp hơn, dao động 2-3%/năm, riêng phân khúc căn hộ bình dân có khả năng không còn nguồn cung”, ông Kiệt dự báo.
Đối với thị trường thứ cấp, ông Kiệt đánh giá, hiện tại, do dịch bệnh diễn biến phức tạp kéo dài nên không ít nhà đầu tư dùng vốn vay ngân hàng chịu áp lực trả nợ chấp nhận giảm lợi nhuận đầu tư để bán ra. Đây là cơ hội để người mua tìm kiếm các căn hộ có mức giá thấp hơn so với thời gian trước từ 5-10%.
“Tóm lại, mặt bằng giá mới có thể chưa hình thành, nhưng giá nhà sẽ vẫn tăng trong thời gian tới”, ông Kiệt nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận