Thị trường bất động sản phía Nam bước vào chu kỳ phục hồi
Thị trường bất động sản phía Nam đang chứng kiến một loạt tín hiệu tích cực được xem là hệ quả từ những nỗ lực tháo gỡ khó khăn từ Chính phủ.
Theo số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM, doanh thu từ lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt trên 61.000 tỷ đồng trong Q1/2024, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhiều tín hiệu tích cực
Trong đó, kinh doanh bất động sản chiếm gần 23% tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ của thành phố, chỉ đứng sau lĩnh vực bán lẻ hàng hóa. Cũng trong giai đoạn này, TP.HCM ghi nhận 268 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới, bằng gần 1/3 so với 921 doanh nghiệp chào thị trường mới của cả nước.
Bất chấp những khó khăn còn tồn tại trong khi chờ đợi các luật mới liên quan tới bất động sản có hiệu lực, một số doanh nghiệp địa ốc đã báo cáo kế hoạch kinh doanh khả quan hơn trong năm 2024, thể hiện tín hiệu lạc quan vào sự phục hồi của thị trường.
Điển hình như Công ty CP đầu tư địa ốc No Va vừa công bố tờ trình về kế hoạch kinh doanh 2024. Trong đó, doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu 32.587 tỷ đồng, gấp gần 7 lần so với năm ngoái; mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 1.079 tỷ đồng, tăng 2,2 lần so với kết quả năm 2023.
Tương tự, Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt cũng công bố tờ trình đại hội cổ đông năm 2024, với kế hoạch đặt mục tiêu doanh thu là 2.892 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 880 tỷ đồng, tăng lần lượt 368% và 35,8% so với kết quả năm 2023.
Ông Bùi Quang Anh Vũ - Tổng giám đốc Phát Đạt chia sẻ, trong năm 2024, nhiệm vụ cao nhất của Phát Đạt sẽ tập trung vào chiến lược bán hàng hiệu quả để tạo ra dòng tiền nhanh nhất.
Theo các chuyên gia, thị trường địa ốc đang dần khởi sắc nhờ tác động của Chính phủ trong tháo gỡ các vấn đề liên quan tới pháp lý hay lãi suất. Nhờ đó, các doanh nghiệp hấp thụ được các “trợ lực” quan trọng để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
Bên cạnh những kế hoạch kinh doanh tích cực trong năm 2024, diễn biến sôi động hơn trên thị trường địa ốc phía Nam cũng được chứng minh qua việc hàng loạt chủ đầu tư ra mắt các sản phẩm nhằm nắm bắt nhu cầu của thị trường.
Đơn cử, Gamuda Land mới đây đã tổ chức lễ “kick-off” dự án Eaton Park. Theo ông Gim Teck Yew – Giám đốc khối Kinh doanh & Tiếp thị Gamuda Land (HCMC) chia sẻ: “Eaton Park là dự án cao cấp chủ chốt của Gamuda Land tại khu Đông TP.HCM. Là một phần trong chiến lược phát triển dự án QTP (Quick Turnaround Project – Dự án xoay vòng vốn nhanh) của chúng tôi để mở rộng quy mô kinh doanh tại Việt Nam.”
Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, một số chủ đầu tư "bung hàng" trong thời điểm này không chỉ không đưa ra giá bán quá cao, mà còn tăng mức chiết khấu ở mức tương đương với chi phí lãi vay ngân hàng, nhằm giảm giá bán cho người mua nhà. Đây được xem là biện pháp thích nghi với tình hình mới, giúp các doanh nghiệp địa ốc tự bảo vệ mình trong bối cảnh dòng vốn tắc nghẽn. Đồng thời mang lại cơ hội cho khách hàng trong việc tiếp cận nhà ở khi giá thực tế giảm đi.
Đẩy mạnh tái cơ cấu dòng sản phẩm
Mặc dù thị trường dần phục hồi và doanh thu bất động sản khởi sắc, song thiếu hụt nguồn cung dự án mới vẫn là thách thức lớn đối với thị trường bất động sản TP.HCM, đặc biệt là các sản phẩm thuộc phân khúc vừa túi tiền.
Theo báo cáo của Savills, trong Q1/2024, nguồn cung căn hộ sơ cấp tại TP.HCM sụt giảm 35% so với quý trước và giảm 28% so với cùng kỳ 2023, xuống còn 4.922 căn. Điều này xảy ra sau khi 9 dự án tạm ngưng bán hàng do chưa hoàn thiện các yêu cầu pháp lý hoặc điều chỉnh chính sách bán hàng. Ngoài ra, hai dự án bị trì hoãn mở bán, dẫn đến nguồn cung mới khiêm tốn ở mức 633 căn từ một dự án mới và 6 dự án giai đoạn tiếp theo, giảm 78% so với quý trước và giảm 61% so với cùng kỳ.
“Thị trường TP.HCM không có nguồn cung mới, do đó, giá vẫn đang neo ở mức cao như trước đây. Nhìn về triển vọng tương lai, vẫn thấy nguồn cung hạn chế. Đa số những dự án được mở bán thời gian tới, chủ đầu tư vẫn phải bán ở mức giá cao bởi họ tốn chi phí cơ hội, chí phí phát triển quỹ đất cao”, bà Giang cho biết.
Qua đó, bài toán lợi nhuận của chủ đầu tư được cho là nguyên nhân thứ hai. Theo Savills, tình trạng thiếu nhà ở giá vừa túi tiền là vấn đề không thể phủ nhận. Tuy nhiên, điều này không bất ngờ bởi nó không phải là lựa chọn tiềm năng cho các chủ đầu tư. "Quỹ đất để phát triển nhà ở tại cả hai thành phố (TP.HCM và Hà Nội) ngày càng khan hiếm và do đó trở nên đắt đỏ hơn, có nghĩa là chủ đầu tư phải theo đuổi mức giá bán cao hơn để có thể đạt được lợi nhuận", bà Giang cho biết.
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam đánh giá, thị trường bất động sản TP.HCM vẫn là trung tâm của phía Nam, nhu cầu sở hữu nhà ở tại đây vẫn rất lớn. Vấn đề lớn nhất mà thị trường đối mặt lúc này là thiếu hụt nguồn cung và sản phẩm phù hợp với túi tiền người mua nhà.
Để giải bài toán nguồn cung cho thị trường TP.HCM, cần đòi hỏi sự chung tay của nhiều bên cũng như sự hỗ trợ thiết thực từ các chính sách quản lý của cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp bất động sản cũng cần phải đẩy mạnh tái cơ cấu dòng sản phẩm, phát triển nhiều hơn nữa những dự án vừa túi tiền, loại hình đang có nhu cầu mua rất lớn nhưng lại không tìm được nguồn cung cho thị trường hiện nay.
Đồng quan điểm, để thúc đẩy phát triển nhà vừa túi tiền, VARS cho rằng, nếu cả thị trường cùng chung tay và các chính sách về nhà ở theo hướng kinh tế thị trường thì loại hình nhà ở vừa túi tiền sẽ phát triển. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư, mở rộng hạ tầng giao thông kết nối. Khi khoảng cách không còn là vấn đề thì xu hướng dịch chuyển từ khu vực trung tâm ra ven đô là tất yếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận