24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Hà
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thị trường bất động sản công nghiệp và văn phòng Đông Nam Á nở rộ, Việt Nam cần làm gì?

Khu vực Đông Nam Á đang trở thành điểm nóng đầu, thu hút sự quan tâm và nguồn lớn từ các doanh nghiệp quốc tế. Hưởng lợi từ xu hướng này, bất động sản công nghiệp và văn phòng cần nhiều sự thay đổi để bắt kịp nhu cầu của khách hàng.

Khu vực Đông Nam Á được đánh giá là đang trên đà đạt mức tăng trưởng kinh tế đáng kể vào năm 2024, với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình là 4,6%. Giới đầu tư gọi đây là thị trường mang lại cơ hội to lớn không thể bỏ qua.

“Khu vực này có nền tảng dân số trẻ hơn 600 triệu người, sở hữu thêm vị trí chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Wong Xian Yang, Trưởng phòng Nghiên cứu Cushman & Wakefield Singapore và Đông Nam Á nhận định.

Nơi 'đại bàng' về xây tổ

Theo Cushman & Wakefield, thời gian qua Đông Nam Á đã trở thành một khu vực sôi động với nhiều hoạt động đầu tư quan trọng được tiến hành. Sự tăng trưởng ​​được thể hiện rõ nét trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ chia sẻ, trung tâm dữ liệu, nghiên cứu và phát triển và kỹ thuật.

Một hoạt động đầu tư tiêu biểu có thể kể đến như việc các công ty Trung Quốc nằm trong chiến lược Trung Quốc + 1, đang bắt đầu sản xuất xe điện tại Thái Lan. BYD, SAIC Motor và Great Wall Motor nằm trong số những công ty đang lên kế hoạch hoặc đã bắt đầu sản xuất.

Thị trường bất động sản công nghiệp và văn phòng Đông Nam Á nở rộ, Việt Nam cần làm gì?

Khu vực Đông nam Á được kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ.

Singapore cũng là cái tên nổi bật tại khu vực Đông Nam Á thu hút nhiều tập đoàn đa quốc gia. Mới nhất, cuối năm 2023 Hyundai khánh thành nhà máy sản xuất xe điện công nghệ cao tại nước này. Nhà máy đóng vai trò nòng cốt trong chiến lược điện khí hóa của hãng. Một nửa nhiệm vụ tại trung tâm đổi mới của tập đoàn ô tô Hyundai Singapore sẽ được thực hiện bởi 200 robot và sử dụng các phương pháp sản xuất mới thay thế băng chuyền truyền thống.

Trước đó, từ năm 2018, Dyson đã chọn Nhà máy điện St James ở Singapore làm địa điểm đặt trụ sở toàn cầu mới. Năm 2023, hãng logistics DB Schenker của Đức cũng đã mở nhà kho RedLion 2 tại Singapore với khoản đầu tư kỷ lục hơn 100 triệu euro.

Tại Việt Nam, cuối năm 2022, Samsung Electronics đã khai trương một trung tâm nghiên cứu và phát triển trị giá 220 triệu USD tại Hà Nội, nhằm mục đích đưa Việt Nam trở thành cơ sở chiến lược toàn cầu quan trọng. Tập đoàn này đánh giá Việt Nam là một lựa chọn thay thế hấp dẫn cho Trung Quốc với năng lực sản xuất điện thoại thông minh đáng kể.

Việt Nam đang trở thành điểm nóng đầu tư đối với ngành công nghiệp bán dẫn. Ngoài Samsung, nhiều ông lớn trong ngành bán dẫn như Qualcomm, Infineon, Amkor cũng đã đầu tư nhiều dự án xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp có giá trị lên tới tỷ USD. Dự báo đến cuối năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của nhiều doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Theo Cushman & Wakefield, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư đồng nghĩa với việc cơ hội nở rộ cho thị trường bất động sản Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, đặc biệt là ở phân khúc văn phòng và công nghiệp.

Với bất động sản văn phòng, triển vọng được thúc đẩy bởi nhu cầu từ các ngành công nghệ và tài chính. Trong khi bất động sản công nghiệp phát triển mạnh nhờ các yếu tố như sản xuất, hoạt động thương mại điện tử và nhu cầu ngày càng tăng về kho hàng hiện đại để hỗ trợ chuỗi cung ứng đang phát triển.

Đại diện từ một khách hàng của Cushman & Wakefield thuộc mảng thương mại điện tử toàn cầu cho biết, có rất nhiều sự tăng trưởng và đầu tư đang diễn ra ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Việt Nam, Bangkok và Malaysia. 80% doanh số bán lẻ vẫn được thực hiện tại các cửa hàng truyền thống, thể hiện tiềm năng tăng trưởng rất lớn cho thương mại điện tử ở khu vực này.

Khách hàng ngày càng khó tính

Tuy sở hữu nhiều lợi thế, bất động sản công nghiệp và văn phòng nhưng theo các chuyên gia, Việt Nam cần nhiều sự thay đổi để bắt kịp nhu cầu của các khách hàng.

Thị trường bất động sản công nghiệp và văn phòng Đông Nam Á nở rộ, Việt Nam cần làm gì?

Triển vọng bất động sản tại một số thành phố thuộc khu vực Đông Nam Á cho thấy bất động sản công nghiệp tiếp tục toả sáng.

Theo nghiên cứu từ Cushman & Wakefield, các yếu tố như chứng nhận công trình xanh, hướng tới chất lượng và cân nhắc về tính bền vững đang trở thành yếu tố quyết định chính cho các doanh nghiệp muốn mở rộng sự hiện diện của họ trong khu vực Đông Nam Á.

Một trong những lãnh đạo bộ phận bất động sản của một công ty công nghệ nổi tiếng chia sẻ rằng tính bền vững là điều bắt buộc trong kinh doanh và nhiều công ty đã đưa ra cam kết về vấn đề này. Các doanh nghiệp đang xem xét toàn bộ hệ sinh thái và mức độ nơi làm việc có thể hỗ trợ, cũng như nâng cao trải nghiệm của nhân viên.

“Khách thuê đang có xu hướng di dời để tăng chất lượng không gian văn phòng cho người lao động. Bên cạnh đó, các tập đoàn đa quốc gia cũng đang cố gắng hiện đại hóa không gian văn phòng để hợp với phong cách làm việc thời đại mới”, vị này cho biết.

Một xu hướng đáng chú ý trên khắp Đông Nam Á là nhu cầu thuê văn phòng hạng A với các tính năng ESG như bố trí văn phòng không cột để nhân viên di chuyển linh hoạt và làm việc năng suất, thiết kế bền vững để giảm tiêu thụ năng lượng, hệ thống tòa nhà tích hợp giám sát điều kiện môi trường, cơ sở hạ tầng cáp quang, hệ thống di động phủ sóng, hệ thống tái chế và thu hoạch nước mưa.

Với ngành bán dẫn, một số yêu cầu cơ bản từ các doanh nghiệp bao gồm: Nguồn điện ổn định, internet tốc độ cao và hệ thống xử lý nước hiệu quả. Từ đó đặt ra yêu cầu về nâng cấp chất lượng và hệ thống nhà xưởng đối với các chủ đầu tư tại Việt Nam.

Theo ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao Bộ phận cho thuê Công nghiệp Savills, để đón dòng vốn vào ngành công nghiệp bán dẫn và bất động sản công nghiệp, các địa phương, doanh nghiệp cần hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, hạ tầng và nhân lực để có thể đáp ứng một cách tốt nhất những nhu cầu khắt khe của ngành công nghiệp đặc thù này.

Chính phủ và các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ để phát huy những tiềm năng hiện có, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực.

Với những nỗ lực này, Việt Nam có thể trở thành một trong những trung tâm sản xuất bán dẫn quan trọng trên thế giới, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả