Thị trường ảm đạm trước thềm công bố chỉ số CPI Mỹ
Thị trường hàng hóa trong phiên 12/07 biến động giảm mạnh trước thềm công bố chỉ số CPI và CPI lõi tháng 6 của Mỹ, và do ảnh hưởng tiêu cực từ tâm lí suy thoái kinh tế.
Diễn biến thị trường ngày 13/07/2022
Việc đồng EUR tiến đến gần như ngang bằng đồng USD trong phiên hôm qua cho thấy đánh giá của thị trường đối với nền kinh tế Châu Âu đang ở trên bờ vực nguy hiểm. Các yếu tố kinh tế vĩ mô này đã tạo sức ép nặng nề lên giá dầu thô. Ngoài ra, các mặt hàng nông sản cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực khi báo cáo Cung Cầu WASDE tháng 7 cho thấy các con số tồn kho tăng cho cả niên vụ 2021/22 và 2022/23.
Tin tức chung
1. Chứng khoán Mỹ sụt giảm vào thứ Ba khi những lo lắng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu làm giảm ham muốn của nhà đầu tư đối với tài sản rủi ro và thị trường đang chuẩn bị cho chỉ số lạm phát CPI tháng Sáu. CPI bao gồm thực phẩm và năng lượng, dự kiến sẽ tăng lên 8.8% từ mức 8.6% của tháng 5, theo ước tính từ Dow Jones. Theo đó, chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones giảm 192,51 điểm, tương đương 0.62%, trong khi S&P 500 giảm 0.92%, và Nasdaq Composite giảm 0.95%.
2. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong năm nay và năm tới, đồng thời nâng ước tính tỷ lệ thất nghiệp đến năm 2025, cảnh báo rằng lạm phát gia tăng trên diện rộng gây ra “rủi ro hệ thống” cho cả đất nước và nền kinh tế toàn cầu. Cụ thể, GDP Mỹ được dự kiến sẽ tăng 2.3%, thấp hơn mức 2.9% mà công ty Sdự đoán vào tháng trước.
3. Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có một cuộc điện đàm ngày 11/7, nhằm thảo luận về các nỗ lực phối hợp vận chuyển ngũ cốc từ Biển Đen. Vòng đàm phán mới giữa Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc về xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine sẽ diễn ra vào ngày 13/7, theo hãng thông tấn Interfax dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga. Các cuộc đàm phán về việc mở lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine vẫn tiếp tục được diễn ra mà chưa đi đến kết luận nào.
4. Đồng euro (EUR) có giá trị tương đương với USD lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ. Đây là kết quả của việc đồng euro giảm khoảng 20% trong 14 tháng do nền kinh tế kém khả quan tại châu Âu. Lần cuối đồng euro giảm xuống dưới 0.9 USD là vào năm 2000, một năm sau khi Liên minh châu Âu hình thành và thống nhất đồng tiền chung.
Lịch sự kiện
Ngô
Chính phủ Argentina đã tăng hạn ngạch xuất khẩu ngô thêm 6 triệu tấn cho vụ ngô 2021/22 mới thu hoạch, theo một tài liệu chính thức được công bố hôm thứ Ba, so với mức hạn ngạch 30 triệu tấn được đặt vào tháng 5. Đây là một phần của nỗ lực cân bằng nguồn cung trong nước và xuất khẩu.
Báo cáo CASDE uớc tính sản lượng và nhập khẩu ngô tại Trung Quốc cho niên vụ 2022/23 ổn định lần lượt ở mức 272.56 triệu tấn và 18 triệu tấn. Nhập khẩu và sản xuất ngô trong niên vụ 2021/22 không đổi ở mức 20 triệu tấn và 272.55 triệu tấn.
Lúa mì
Theo dữ liệu của EC, các nước vùng Biển Đen cho thấy mức xuất khẩu lúa mì cao hơn mọi năm. Sản lượng lúa mì của Romania đạt 11 triệu tấn, tăng 42% so với niên vụ trước. Nước này cũng xuất khẩu 6.38 triệu tấn lúa mì trong niên vụ 2021/22, gấp đôi xuất khẩu năm ngoái (3.2 triệu tấn).
Xuất khẩu lúa mì tại Bulgaria niên vụ 2021/22 đạt 3.27 triệu tấn, đánh dấu mức tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái (1.4 triệu tấn), theo EC.
Các nguồn tin thương mại cho biết chất lượng lúa mì trong vụ thu hoạch tại Nga thấp hơn so với dự kiến. Theo dữ liệu chính thức từ chính phủ, hiện Nga đã hoàn thành thu hoạch lúa mì trên 9% diện tích kế hoạch, với sản lượng thu hoạch đạt 11.6 triệu tấn trên 2.7 triệu ha tính đến ngày 11/7, tăng đáng kể so với tuần trước (2 triệu tấn).
Bộ Nông nghiệp Pháp dự báo sản lượng lúa mì trong năm của nước này đạt mức 32.9 triệu tấn, giảm 7.2% so với năm ngoái và thấp hơn 5.9% so với mức trung bình 5 năm. Sản lượng và diện tích trồng hầu như giảm ở một số vùng do hạn hán, nắng nóng và lũ lụt.
Đậu tương
Xuất khẩu đậu tương của Brazil dự kiến sẽ đạt 7.9 triệu tấn trong tháng 7, tăng so với ước tính 6.5 triệu tấn trước đó và thấp hơn 0.1% so với cùng kì năm ngoái, theo báo cáo mới nhất từ hiệp hội các nhà xuất khẩu ngũ cốc Anec. Nếu đạt được khối lượng dự kiến, tổng lũy kế xuất khẩu năm 2022 của Brazil tính đến tháng 7 sẽ đạt 63 triệu tấn, so với 68.4 triệu tấn được xuất khẩu trong cùng kỳ năm ngoái.
Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc (MARA) giữ nguyên dự báo về nhu cầu và nhập khẩu đậu tương cho niên vụ mới ở mức 95.2 triệu tấn và 19.48 triệu tấn. Tiêu thụ đậu tương cho năm 2022/23 vẫn ở mức 112.87 triệu tấn, khiến cân bằng cung cầu cuối năm không đổi ở mức 1.66 triệu tấn.
Dầu thực vật
Theo cập nhật mới nhất của Báo cáo Cung Cầu WASDE, USDA đã cắt giảm dự báo nhập khẩu dầu đậu tương của Trung Quốc trong năm tiếp thị 2022/23 xuống còn 600.000 tấn, giảm 350,000 tấn so với ước tính trước đố. Dự kiến nhu cầu dầu đậu tương của Trung Quốc giảm đồng thời với việc xuất khẩu dầu đậu tương của Argentina giảm 180,000 tấn.
Tương tự, xuất khẩu dầu cọ của Malaysia cho năm tiếp thị 2021/22 được dự báo đạt 16.5 triệu tấn, giảm 320,000 tấn do nhu cầu yếu hơn từ Liên minh châu Âu
Trung Quốc giảm dự báo sản lượng dầu thực vật cho năm tiếp thị 2021/22 vì nhập khẩu các loại hạt có dầu giảm, theo bản cập nhật hàng tháng từ Báo cáo Ước tính Cung và Cầu Nông nghiệp của Trung Quốc (Casde). Nhập khẩu dầu cọ và dầu đậu tương dự kiến giảm còn 3.7 triệu tấn và 630,000 tấn.
Theo Hội đồng Dầu cọ Malaysia (MPOB), tồn kho dầu cọ tại nước này cuối tháng 6 tăng 8.76% so với tháng 5, đạt 1.655 triệu tấn. Sản lượng dầu cọ đạt 1.545 triệu tấn trong tháng 6, cao hơn 5.76% so với tháng 5.
Nhóm năng lượng
Khủng hoảng dầu mỏ ở Libya ngày càng gia tăng với nỗ lực xóa bỏ Hội đồng quản trị Công ty Dầu khí quốc gia (NOC). Theo trích dẫn của Bloomberg, chính phủ GNU đã kêu gọi giải tán hội đồng quản trị NOC và sa thải Sanalla khi những nỗ lực trước đó để sa thải Sanalla đã thất bại. Trong khi đó, các cuộc biểu tình đang nhấn chìm Libya, một số người trong số họ kêu gọi từ chức thủ tướng tạm quyền của Dbeibah. Đất nước hiện đang phải đối mặt với tình trạng mất điện liên tục khi cuộc khủng hoảng năng lượng diễn ra.
Giá dầu toàn cầu có thể tăng 40% lên khoảng 140 USD/thùng nếu đề xuất áp đặt giá trần với dầu của Nga không được thông qua, một quan chức cấp cao tại Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết. Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen sẽ thảo luận về việc thực hiện đề xuất này với Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki trong hôm nay.
OPEC dự báo nhu cầu dầu của thế giới sẽ tiếp tục tăng trong năm tới, nhưng với tốc độ chậm hơn so với năm 2022. Trong báo cáo hàng tháng, OPEC cho biết nhu cầu dầu thế giới dự kiến tăng 2.7 triệu thùng/ngày (bpd) vào năm 2023. Dự báo tăng trưởng năm nay không đổi ở mức 3.36 triệu thùng/ngày.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận