Thị trường 24/5: Một tập đoàn Singapore đầu tư mảng năng lượng tái tạo Việt Nam
Thị trường Việt Nam khởi động tuần mới với 3 thông tin mới nhất trong ngày hôm nay thứ Hai ngày 24/5. Tập đoàn SP (SP Group) – công ty vận hành lưới điện quốc gia của Singapore muốn mua 49% cổ phần công ty năng lượng của Bamboo Capital . Cán cân thương mại thâm hụt gần 2 tỷ USD trong nửa đầu tháng 5. Trung Quốc siết chặt quản lý viễn cảnh u ám của bitcoin trong thời gian tới. Cùng theo dõi nội dung chi tiết dưới đây.
1. Tập đoàn SP (SP Group), một công ty công ty vận hành lưới điện quốc gia của Singapore muốn mua 49% cổ phần công ty năng lượng của Bamboo Capital
Ngày 24/5, Tập đoàn SP (SP Group), một công ty công ty vận hành lưới điện quốc gia của Singapore đã ký biên bản ghi nhớ về việc nhận chuyển nhượng 49% cổ phần của CTCP Skylar (Skylar) từ BCG Energy, thành viên của Tập đoàn Bamboo Capital (HM:BCG).
Trước đó vào tháng 12/2020, SP Group đã tiến vào thị trường Việt Nam thông qua việc thành lập văn phòng tại TP HCM (HM:HCM). Đây là công ty sở hữu và vận hành các doanh nghiệp lưới truyền tải và phân phối điện và khí đốt ở Singapore và Australia, và cung cấp các giải pháp năng lượng bền vững ở Singapore và Trung Quốc. SP Group đang thiết lập vị thế của mình là một công ty cung cấp giải pháp năng lượng bền vững hàng đầu ở châu Á - Thái Bình Dương.
Về Skylar, đây là công ty chuyên về năng lượng mặt trời áp mái thuộc BCG Energy, hiện có 61,1MW công suất năng lượng mặt trời áp mái đặt tại 14 tỉnh thành khắp Việt Nam, riêng năm 2020 Skylar đã lắp đặt gần 50 MW năng lượng mặt trời áp mái.
Lần gần đây nhất vào tháng 4/2021, BCG Energy huy động số tiền lên đến 1.000 tỷ đồng trái phiếu cho dự án năng lượng tái tạo.
Trong giai đoạn 2021 - 2022, Skylar dự kiến sẽ tiếp tục triển khai thêm 250 MWp điện mặt trời áp mái tại các nhà máy, khu công nghiệp Việt Nam.
2. Cán cân thương mại thâm hụt gần 2 tỷ USD trong nửa đầu tháng 5
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến 15/5, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 117 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương tăng gần 27,6 tỷ USD. Trong đó, một số nhóm hàng tăng mạnh như máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng tăng gần 77%, tương đương 5,8 tỷ USD. Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng hơn 30%, tương đương hơn 4,1 tỷ USD. Điện thoại các loại & linh kiện tăng hơn 21%, tương đương hơn 3,5 tỷ USD so với cùng kỳ 2020.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp FDI trong nửa đầu tháng 5 đạt 8,7 tỷ USD, giảm hơn 14%, tương đương hơn 1,4 tỷ USD so với kỳ hai tháng trước. Tính đến hết ngày 15/5, tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI đạt hơn 87 tỷ USD, tăng hơn 37%, tương đương gần 23,6 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm gần 75% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu hơn 13,8 tỷ USD trong nửa đầu tháng 5, tăng 0,5%, tương đương 73 triệu USD so với nửa cuối tháng 4. Việc nhập khẩu tăng tập trung chủ yếu ở một số mặt hàng như máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng tăng gần 10%, tương đương 188 triệu USD. Vải tăng gần 8% tương đương 56 triệu USD. Trong khi đó, một số nhóm mặt hàng ghi nhận kim ngạch nhập khẩu giảm như hạt điều giảm gần 51%, tương đương 168 triệu USD. Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm gần 5%, tương đương 137 triệu USD. Dầu thô giảm hơn 49%, tương đương 126 triệu USD.
Tính từ đầu năm đến 15/5, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đạt gần 117,2 tỷ USD, tăng 34%, tương đương gần 39 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp FDI nửa đầu tháng 5 đạt gần 8,9 tỷ USD, giảm 1,1%, tương đương 103 triệu USD so với kỳ 2 tháng 4. Tổng kim ngạch nhập khẩu tính đến 15/5 của khu vực này đạt gần 76,5 tỷ USD, tăng gần 37%, tương đương gần 21 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 65,3% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Nhìn chung, cán cân thương mại thâm hụt 1,93 tỷ USD trong nửa đầu tháng 5 và thâm hụt 353 triệu USD tính từ đầu năm đến 15/5.
3. Trung Quốc siết chặt quản lý viễn cảnh u ám của bitcoin trong thời gian tới
Trung Quốc hiện đang là 'thiên đường' của thợ đào bitcoin song viễn cảnh u ám đang đợi chờ trong tương lai rất gần. Mỏ đào bitcoin của Patrick Li – ở khu tự trị Nội Mông – từng ngập tràn tiếng ồn từ hàng dài máy tính hoạt động hết công suất để giải những thuật toán phức tạp vốn rất cần thiết để duy trì vận hành đồng tiền mã hoá lớn nhất thế giới.
Vào cuối năm ngoái, chính phủ Trung Quốc phạt Nội Mông vì không đạt được mục tiêu giảm thiểu lượng phát thải từ tiêu thụ điện. Kết quả là, vào tháng 3 năm nay, Nội Mông quyết định cấm các ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng, bao gồm cả các mỏ đào bitcoin.
Lệnh cấm khiến cộng đồng đào bitcoin ở Trung Quốc không khỏi mông lung với câu hỏi liệu họ còn có thể hoạt động tại quốc gia này trong bao lâu, nhất là trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa mục tiêu đạt trạng thái trung hoà carbon là một mục tiêu chính của chính phủ. Bên cạnh đó, ở thời điểm hiện tại, số phận của bitcoin ở Trung Quốc cũng chưa rõ ràng. Vào tháng 4, ngân hàng trung ương Trung Quốc, nói với truyền thông nước này rằng giới chức vẫn đang quyết định các biện pháp quản lý áp dụng đối với tiền ảo.
Diễn biến của bitcoin tại Trung Quốc hoàn toàn có thể lan rộng trên toàn cầu. Do tỷ trọng năng lực xử lý thuật toán (hash rate) của Trung quốc chiếm tới 69,3% trong giai đoạn 4 tháng đầu năm 2021, theo báo cáo Chỉ số Tiêu thụ điện năng cho Bitcoin của Cambridge (CBECI). Một tai nạn chết người vào tháng 4 khiến giới chức ở khu tự trị Tân Cương phải đóng cửa hầm mỏ để kiểm tra an toàn, gây gián đoạn điện năng cung cấp tới các mỏ đào bitcoin. Kết quả là hash rate trên toàn cầu đã giảm tới 30%. Đây là một ví dụ nhắc nhở về vai trò trọng yếu của Trung Quốc trong "cuộc chơi" bitcoin.
Chính phủ trung ương Trung Quốc từ lâu luôn tỏ thái độ hoài nghi với tiền mã hoá. Năm 2013, ngân hàng trung ương Trung Quốc cấm các định chế tài chính sử dụng hoặc giao dịch bitcoin và các đồng tiền tương tự. "Hiện tại, đồng tiền ảo duy nhất được công nhận là đồng nhân dân tệ số được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vận hành", ông Huang Zhen, giám đốc Viện luật tài chính tại Đại học Tài chính và Kinh tế trung ương, nhận định.
Giữa tháng 5, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra dấu hiệu đầu tiên về những gì sắp tới đối với các mỏ đào bitcoin. Tân Cương nằm trong số 7 khu vực cấp tỉnh bị khiển trách vì không kiểm soát được mức độ sử dụng năng lượng trong quý đầu năm. Chính phủ kêu gọi các tỉnh này "kiên quyết loạt bỏ các dự án không đạt chuẩn, tiêu tốn nhiều năng lượng và gây ra nhiều khí thải" – đây cũng là những thông báo mà Nội Mông nhận được hồi năm ngoái. Nhiều thợ đào dồn hết hy vọng ở hai tỉnh tây nam Trung Quốc vốn có lợi thế về thuỷ điện: Tứ Xuyên và Vân Nam. Thiếu hạ tầng để truyền tải điện khoảng cách xa, cách địa phương này thường phải "kìm hãm" năng lực sản xuất điện của mình. Điều này thu hút nhiều ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều năng lượng, từ các nhà máy hoá chất, nhôm cho tới mỏ đào tiền số. Dù vậy, các mỏ đào ở Tứ Xuyên cũng đang phải chịu sự giám sát. Nhiều nhà vận hành các đập phát điện nhỏ trong khu vực đã ký hợp đồng cung cấp điện giá rẻ trực tiếp cho các doanh nghiệp tiền điện tử.
Bên cạnh đó, giá điện ở Tứ Xuyên cũng ngày một tăng. Dù quan điểm của chính phủ là chưa rõ ràng, tiềm năng lợi nhuận khiến nhiều người đổ xô đi đào bitcoin. Theo trung tâm giao dịch điện Tứ Xuyên, giá điện năm nay cao hơn năm ngoái 16%.
Nhiều người trong ngành nói rằng việc các mỏ đào bitcoin tiêu thụ lượng thuỷ điện dư thừa của Tứ Xuyên thực tế lại là một hành động thân thiện với môi trường. Dù vậy, câu hỏi đặt ra là liệu lập luận này còn đúng hay không khi ngày càng có nhiều mỏ đào vận hành ở đây cả năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận