24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Cao Vũ Lương
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thi hành án đối với pháp nhân thương mại

Nghị định thi hành án đối với pháp nhân thương mại sẽ góp phần tạo nên hành lang pháp lý vững chắc hơn trong hoạt động quản lý và xử lý các vi phạm của pháp nhân thương mại.

Đó là ý kiến của Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thực hiện cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại vẫn đang được tiếp tục mang ra lấy ý kiến.

- Ông có đánh giá như thế nào về những thay đổi của Dự thảo lần này?

Thời gian vừa qua, khá nhiều vụ việc liên quan đến các vi phạm của pháp nhân thương mại trong hoạt động kinh doanh và các giao dịch, đặc biệt có những trường hợp đã ra quyết định thi hành án nhưng vẫn không nghiêm túc tuân thủ. Nhằm triển khai thực hiện Luật Thi hành án hình sự năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020), Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại vừa được Bộ Công an gửi sang Bộ Tư pháp để thẩm định. Nghị định này sẽ góp phần tạo nên hành lang pháp lý vững chắc hơn trong hoạt động quản lý và xử lý các vi phạm của pháp nhân thương mại.

Theo đó, Nghị định này quy định về nguyên tắc, biện pháp, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành hình phạt, biện pháp tư pháp theo quy định tại khoản 1 Điều 158 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đối với pháp nhân thương mại chấp hành án và bảo đảm thi hành quyết định cưỡng chế.

Đối tượng áp dụng là pháp nhân thương mại không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Ngoài ra, Nghị định còn áp dụng với Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến thi hành cưỡng chế. Tuy nhiên, trong Dự thảo nghị định vẫn còn một số quy định còn chưa rõ ràng, quy định chung chung, khó áp dụng trong thực tế và do đó cần tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện Nghị định này.

- Dự thảo đã đưa ra được 03 biện pháp cưỡng chế quan trọng đối với pháp nhân thương mại bị xử lý hình sự mà không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ bản án, quyết định của Toà án, gồm: Phong toả tài khoản; Kê biên tài sản; Tạm giữ hoặc thu hồi tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, con dấu của pháp nhân thương mại. Ông có ý kiến gì về các biện pháp cưỡng chế này?

Việc đưa ra các biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân thương mại bị xử lý hình sự rõ ràng sẽ mang tính răn đe cao hơn.

Trên thực tế, việc các doanh nghiệp không chấp hành nghiêm túc quyết định của bản án không phải là hiếm. Nhiều trường hợp pháp nhân thương mại bị yêu cầu dừng hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn tiến hành buôn bán chui, trường hợp này pháp luật vẫn chưa bao quát hết.

Bên cạnh đó, việc thi hành hình phạt đối với pháp nhân thương mại sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực với các bên liên quan, như bảo đảm quyền lợi của người lao động, thanh toán các khoản nợ cho các bên liên quan, … thì được giải quyết như thế nào? Rõ ràng dự thảo cần bổ sung lấy thêm nhiều ý kiến để hoàn thiện hơn.

- Mới đây, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi bổ sung biện pháp thông báo và yêu cầu dừng giao dịch với pháp nhân thương mại thi hành án đến tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Đánh giá của ông như thế nào về kiến nghị trên?

Việc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra kiến nghị sửa đổi bổ sung biện pháp thông báo và yêu cầu dừng giao dịch với pháp nhân thương mại thi hành án đến tổ chức, cá nhân khác có liên quan là cần thiết. Điều này đảm bảo hiệu lực, hiệu quả và tính minh bạch của các doanh nghiệp bị cưỡng chế, ngoài ba biện pháp nêu trên.

Trong nhiều trường hợp, pháp nhân thương mại tiếp tục thực hiện những hoạt động đã bị cấm trong bản án của Toà án, trong đó có những hoạt động cần có giao dịch với các tổ chức, cá nhân khác. Khi đó, cơ quan thi hành án hình sự cần có biện pháp thông báo đến cho các tổ chức, cá nhân đang giao dịch với pháp nhân thương mại và yêu cầu các tổ chức, cá nhân này dừng các giao dịch trên.

Việc thực hiện biện pháp này sẽ ngăn chặn được tận cùng vấn đề, thực thi hiệu quả các biện pháp cưỡng chế và bảo vệ các cá nhân, tổ chức liên quan.

- Xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả