Thi công đường hầm đường sắt Nhổn – ga Hà Nội: Cần sớm giải quyết nguyện vọng của người dân
Được kỳ vọng trở thành giải pháp xanh, góp phần giảm áp lực giao thông, ô nhiễm đô thị và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân khu vực phía Tây Hà Nội, dự án xây dựng tuyến metro số 3 đoạn từ Nhổn - ga Hà Nội đang trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của người dân.
Giải quyết những vướng mắc
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km có 12 ga, trong đó có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, đi qua các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm. Thành phố Hà Nội dự kiến khai thác thương mại đoạn tuyến trên cao dài 8km từ Nhổn đến Cầu Giấy vào nửa cuối năm 2021.
Đoạn đi ngầm của tuyến đường sắt này dài 4,5km còn lại sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm 2022. Dự án có tổng mức đầu tư 1,176 tỉ Euro, từ nguồn vốn vay ODA Ngân hàng Đầu tư Châu Âu, Chính phủ Pháp, Ngân hàng phát triển Châu Á và vốn đối ứng trong nước.
Được biết, đây là một trong những dự án Metro đầu tiên ở Hà Nội nên các quy trình liên quan đến quá trình thử nghiệm, căn chỉnh, nghiệm thu, bàn giao các thủ tục hành chính còn nhiều điểm mới, nên từ giai đoạn trước, UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội xây dựng các đề cương cụ thể chi tiết cho từng việc, đặc biệt là với công tác thử nghiệm, căn chỉnh, nghiệm thu, bàn giao, phối hợp các cơ quan quản lý chuyên ngành Chính phủ Việt Nam để đảm bảo các quy định của pháp luật và yêu cầu, tiêu chuẩn của dự án.
Chỉ cách công trường thi công dự án tuyến đường metro Nhổn - ga Hà Nội khoảng 3m, gia đình bà Nguyễn Thị Bích (SN 1969, số 431 Kim Mã) chia sẻ, sau khi công trình tiến hành thi công ở đoạn đào ngầm nhà ga S9 (Kim Mã), nhà bà Bích có hiện tượng bị xô nghiêng, trần nhà có biểu hiện nứt. Dự án đã tác động, ảnh hưởng sâu tới nhiều hộ dân đang sinh sống trong ngõ.
Nhiều chuyên gia thuộc dự án đã đến đây đo đo độ rung chấn, khảo sát và kết luận hiện ngôi nhà đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo đó, căn nhà 4 tầng của bà Bích đều bị ảnh hưởng, trong đó tầng hầm là bị nặng nhất. Công trường thi công ngay trước cửa nhà, dù thường xuyên bị ảnh hưởng tiếng ồn, nhưng phần lớn người dân ở đây vẫn ủng hộ, chấp nhận để dự án có thể hoàn thành tiến độ thi công. Nhưng vấn đề ở đây là trong quá trình thi công đoạn đào ngầm tại nhà ga S9 đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều kết cấu nhà ở, các công trình đứt gãy, xô nghiêng khiến người dân sinh sống tại đây rất lo lắng.
Nhiều lần bà Bích đã làm đơn lên các cấp, chính quyền trình bày tình trạng nhà ở đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Phía bên dự án cũng đã thường xuyên cử người đến đo đạc và kiểm tra nhưng vẫn chưa có một biện pháp nào để bảo vệ người dân. Được biết, nhiều người dân tại đây đã viết đơn, đề xuất nguyện vọng về việc nên bố trí chỗ ở mới tương ứng với chỗ ở cũ để đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống.
Cần đảm bảo các quy chuẩn an toàn
Sinh sống lâu năm trên tuyến phố Quốc Tử Giám, nơi đang triển khai dự án tuyến đường sắt metro Nhổn- ga Hà Nội, ông Vũ Ngọc Tiến (SN 1956) thông tin: “Từ khi dự án triển khai, ngày nào nhà tôi cũng có người đến đo đạc độ lún, rung chấn. Hiện nhà tôi đã có biểu hiện bị xô nghiêng, bằng mắt thường cũng có thể nhìn thấy. Nhiều hộ dân dọc theo tuyến phố gần như nhà nào cũng bị ảnh hưởng. Nhiều chuyên gia đến đo đạc xong chỉ bảo nghiêng bao nhiêu độ đấy thôi, còn về phương án đền bù chúng tôi vẫn chưa được thông tin cụ thể. Vì lo sợ ngôi nhà sẽ xô nghiêng theo thời gian, gia đình tôi phải gia cố thêm các cọc sắt để chống đỡ”.
Nói về nguyện vọng, bà Nguyễn Thu Trang (SN 1973, số nhà 26 Quốc Tử Giám) cho rằng: Từ khi dự án triển khai đến nay vẫn chưa diễn ra cuộc họp, trao đổi nào về việc đền bù, hỗ trợ những nhà dân bị ảnh hưởng. Nguyện vọng của người dân lại đây mong muốn phía bên ban quản lý dự án sớm thu xếp, trao đổi với người dân để đưa ra các quy chuẩn xây dựng an toàn. Nếu có những tình trạng nhà ở bị hư hỏng nặng, gây nguy hiểm thì phải có chính sách bồi thường kịp thời, hợp tình hợp lý.
Cùng ý kiến, bà Huỳnh Khánh Vân (SN 1958, số 54A Quốc Tử Giám) cho biết: “Từ ngày công trình thi công, nhà tôi đã bị nứt gãy nhiều mảng tường, trời mưa xuống thì dột nước. Vì thấy nguy hiểm quá nên gia đình tôi phải cho các cháu chuyển đi nơi khác sinh sống. Phía bên dự án chỉ mới hỗ trợ gia đình trát lại bờ rào trước cửa. Còn về chính sách đến bù hợp lý để gia đình có thể sửa lại nhà ở thì chưa có thông báo gì”.
Trong khi đó trao đổi với PV Báo Lao Động, Phó trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội - ông Lê Trung Hiếu cho hay, trước khi đào hầm, nhà thầu đã phân tích vùng ảnh hưởng khi thiết kế để tiến hành khảo sát "điều kiện tình trạng tòa nhà" (BCS) cho toàn bộ các nhà nằm trong vùng ảnh hưởng. Từ kết quả BCS, nhà thầu có phân tích đánh giá rủi ro (BRA) cho các tòa nhà khi thi công.
Dựa trên báo cáo BRA, nhà thầu thiết kế lắp đặt các thiết bị quan trắc cho các tòa nhà và mặt đất, bao gồm: Quan trắc lún, nghiêng, khe nứt (nếu có), mực nước ngầm... Các thiết bị này sẽ được lắp đặt trước khi thi công và sẽ được quan trắc trong suốt quá trình thi công nhằm cảnh báo bất thường (nếu có).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận