Thép Việt lại chiến thắng tại Úc
Giá tăng phi mã từ đầu năm, các nhà sản xuất Thép Việt Nam tiếp tục có một năm thắng lợi với tuyên bố trắng án của ADC (Ủy Ban chống bán phá giá thép Úc) trong vụ kiện khởi xướng bởi Công ty Thép Orrcon (thuộc tập đoàn Bluescope)
Vào ngày 31 tháng 03 năm 2020, Dale Seymour, Ủy viên Hội đồng chống bán phá giá khởi xướng vụ điều tra về chống bán phá giá và trợ cấp đối với sản phẩm Ống thép chính xác xuất khẩu tới Australia từ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam và Đài Loan do nguyên đơn là Công ty Orrcon Manufacturing Pty Ltd (Orconn). Hiệp hội Thép Việt nam (VSA) cho hay vụ kiện gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp Thép trong nước sản xuất và xuất khẩu lớn đi Úc trong bối cảnh dịch Covid-19 và thị trường thế giới nhiều biến động. Tại thời điểm đó hai nhà xuất khẩu lớn nhất về ống thép này là Công ty TNHH Công nghiệp Chính Đại (CDI) và Công ty SeAH Việt Nam.
Trong quá trình gấp rút để hoàn thiện bản câu hỏi thông tin, doanh nghiệp đã chủ động cung cấp tài liệu, hồ sơ, trích xuất dữ liệu từ hệ thống ERP Công ty, tham gia nhiều buổi thẩm tra kéo dài gần 15 tháng để chứng minh giá sản phẩm thép xuất khẩu từ Việt nam sang Úc là chính xác và hoàn toàn cạnh tranh lành mạnh với thị trường Úc. Bên cạnh đó, trên cơ sở dữ liệu ngành sản xuất ống thép Việt Nam do VSA cung cấp, các công ty cũng nhận được sự hỗ trợ bởi phía các Bộ ngành liên quan trong việc giải trình các cáo buộc về tình hình thị trường đặc biệt (PMS). Qua đó, ADC cho rằng không có bằng chứng cho thấy có sự khác biệt về giá nguyên liệu giữa Việt Nam và các nước ASEAN khác; và không có sự tác động của Chính phủ Việt Nam dẫn tới sự bóp méo giá trị thông thường. Chính vì vậy, ADC kết luận không tồn tại PMS tại Việt Nam trong giai đoạn điều tra và quyết định không áp dụng biện pháp ký quỹ thuế CBPG tạm thời đối với các nhà xuất khẩu sản phẩm ống thép chính xác của Việt Nam.
Ngày 01 tháng 06 năm 2021, chiếu theo Bản tường trình về các Thông tin Thiết yếu số 550 (Statement of Essential Facts No. 550) và tuân theo mục 269TD(1) của Luật Hải Quan 1901 (Custom Act 1901), Cơ quan điều tra Australia đã kết luận, không có sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam với các sản phẩm xuất khẩu sang nước này. Ngược lại Trung Quốc và Hàn Quốc phải đối mặt với thuế chống bán phá giá tương đối cao.
Công ty Đại Liên đối diện mức thuế 9%, mức thuế áp 51.6% đối với các nhà xuất khẩu còn lại của Trung Quốc. Các nhà xuất khẩu thép Hàn Quốc chịu 6.2% mức thuế áp. Mức thuế này có hiệu lực với các sản phẩm được xuất khẩu ngay sau ngày 02 tháng 06 năm 2021.
ADC đã sử dụng phương pháp so sánh giá tại thị trường nội địa và giá xuất khẩu để xác định biên độ phá giá. Qua đó xác định các doanh nghiệp Việt Nam bán giá cao hơn từ 6.5 - 12% trở lên so với thị trường nội địa, các doanh nghiệp của Đài Loan bán giá cao hơn từ 8.6% nên không bị áp thuế chống bán phá giá. Theo đó, Chính phủ Úc quyết định chấm dứt cuộc điều tra Ống thép do biên độ bán phá giá của tất cả các nhà xuất khẩu Việt Nam không cho thấy thiệt hại đối với ngành sản xuất Ống thép của Australia.
Đáng chú ý, đây là lần hiếm hoi thuế áp lên sản phẩm Thép của Việt Nam bằng 0%. Phán quyết cuối cùng được đưa ra vào đêm ngày 01/06/2021 đem lại chiến thắng có ý nghĩa khích lệ rất lớn với các doanh nghiệp ngành thép nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung. Thành công này không thể có được nếu không có sự hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời của đại diện các cơ quan Nhà Nước (Chính phủ Việt Nam) do Cục phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương) làm đầu mối chủ trì triển khai, Hiệp hội Thép Việt Nam và sự đoàn kết của các doanh nghiệp Thép Việt Nam, TGĐ Công ty Thép Chính Đại Đồng Văn Bột cho hay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận