24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trọng Vinh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thép Nam Kim: Bán con vì quá tham vọng mảng tôn mạ?

HĐQT Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG) vừa thông qua nghị quyết về việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH Một thành viên Nam Kim Corea cho công ty Chinasia Textile Limited.

Đối tác này có địa chỉ tại Hong Kong; mã số công ty 256617 cấp bởi Cơ quan Đăng ký Doanh nghiệp của Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc). Sau khi chuyển nhượng, Thép Nam Kim không còn là chủ sở hữu đối với Nam Kim Corea. Ông Phạm Mạnh Hùng – thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Thép Nam Kim được giao tiến hành thương thảo và ký kết hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp tại Nam Kim Corea.

Thua lỗ kỷ lục

Nam Kim Corea được thành lập ngày 17/7/2017 có trụ sở chính tại Thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ban đầu công ty này có tên Công ty cổ phần Nam Kim Corea do Thép Nam Kim sở hữu 26,24%.Ngày 12/9/2018, HĐQT Thép Nam Kim thông qua việc mua lại phần vốn góp của các cổ đông CTCP Nam Kim Corea, sau đó chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Nam Kim Corea. Theo giấy đăng kí kinh doanh thay đổi ngày 11/10/2018, Nam Kim Corea có vốn điều lệ 91,45 tỉ đồng do Thép Nam Kim sở hữu 100%, người đại diện theo pháp luật là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc công ty – ông Hồ Minh Quang. Ông Quang cũng là Chủ tịch HĐQT của Thép Nam Kim.

Quí I vừa qua, Thép Nam Kim (mã: NKG) lỗ sau thuế 101,6 tỉ đồng - là doanh nghiệp lỗ lớn nhất trên sàn HOSE cũng như toàn thị trường chứng khoán Việt Nam.Quí IV/2018, Thép Nam Kim cũng lỗ ròng tới 173 tỉ đồng. Đây là hai quí thua lỗ đầu tiên của Thép Nam Kim kể từ khi doanh nghiệp này niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán năm 2012.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí IV/2018 được công bố mới đây, NKG đạt doanh thu thuần gần 3.463 tỉ đồng, tăng 4,2% so với quí IV/2017. Giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn với tốc độ 15% khiến cho lợi nhuận gộp giảm 94% còn 20 tỉ đồng. Chi phí bán hàng tăng 32,5% lên gần 91 tỉ đồng, chi phí quản lí doanh nghiệp giảm 8,5% còn 19,4 tỉ đồng. Kết quả, Thép Nam Kim lỗ trước thuế gần 187 tỉ đồng và lỗ sau thuế hơn 173 tỉ đồng, trong khi cùng kì 2017 công ty lãi trước thuế và sau thuế lần lượt gần 163 và 151 tỉ đồng. Nói về số lỗ trăm tỉ này, công ty giải trình ngắn gọn “giá nguyên vật liệu biến động lớn ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh”.

Lũy kế cả năm Nam Kim đạt lợi nhuận ròng 57 tỉ đồng, giảm 92% so với năm 2017. Trong khi đó, đại hội cổ đông đặt mục tiêu lãi ròng 750 tỉ đồng, tăng trưởng 6%. Doanh thu thuần lũy kế đạt 14.812 tỉ đồng, tăng 17% so với thực hiện 2017, không đạt kế hoạch 17.000 tỉ đồng đặt ra từ đầu năm. Tổng tài sản của công ty thời điểm cuối năm 2018 là gần 8.122 tỉ đồng, giảm hơn 2.050 tỉ đồng so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu 2.971 tỉ đồng, bằng 36,6% tổng tài sản. Giá trị vay và nợ thuê tài chính là 4.426 tỉ đồng, chiếm 86% tổng nợ phải trả và bằng 54,5% tổng tài sản. Giá trị hàng tồn kho cuối năm giảm mạnh gần 41% so với đầu năm, xuống còn 2.421 tỉ đồng.

Nợ vay tăng cao

Tham vọng mở rộng thị phần và nhảy sang mảng tôn mạ của Nam Kim được thể hiện bằng việc đầu tư các dự án mới như Nhà máy Nam Kim 3, Nhà máy Ống thép Nam Kim (Long An). Trong năm 2018, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư Dự án Nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 2.200 tỷ đồng và giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 4.700 tỷ đồng..

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, Công ty cho biết, việc đầu tư các nhà máy chỉ sử dụng 30% vốn tự có, còn lại 70% là đi vay. Tại thời điểm cuối năm 2017, tổng vay nợ ngắn hạn và dài hạn của Nam Kim là 6.180 tỷ dồng, gấp 2,1 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, vay nợ ngắn hạn là 5.556 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả của Nam Kim là 7.233 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2016 và chiếm 72% tổng tài sản. Trong khi đó, chỉ số này của các doanh nghiệp cùng ngành đều thấp hơn nhiều, như Pomina (56%), Hòa Phát (39%), Thép Việt Ý (63%).

Với những dự án mới trong năm 2018, khả năng nợ vay của Nam Kim sẽ tiếp tục tăng. Nhằm giảm bớt áp lực nợ vay, Công ty đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ thêm 30 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ năm 2017 cho biết, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 1.440 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính (chủ yếu là hoạt động vay nợ) dương 2.815 tỷ đồng. Điều này là hợp lý với một doanh nghiệp đang cần một lượng vốn lớn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm tới 1.456 tỷ đồng. Mặc dù lợi nhuận ròng năm 2017 lên tới hơn 700 tỷ đồng nhưng gần như dồn hết vào hàng tồn kho và bán chịu cho khách hàng. Trước đó, trong giai đoạn 2014 - 2016, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Nam Kim luôn dương. Nếu dòng tiền này không được cải thiện trong thời gian tới thì sẽ gây thêm áp lực nợ vay cho Nam Kim.

Tại thời điểm cuối năm 2017, hàng tồn kho của Nam Kim lên tới 4.090 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với con số 2.032 tỷ đồng đầu năm. Đáng chú ý hơn là tồn kho thành phẩm tăng từ 667,7 tỷ đồng lên 1.530 tỷ đồng (tăng 2,29 lần). Ngoài ra, hàng tồn nguyên vật liệu tăng từ 1.314 tỷ đồng lên 1.530 tỷ đồng và xuất hiện thêm hàng đang đi trên đường là 729,5 tỷ đồng. Với kết quả như vậy, vòng quay hàng tồn kho của Nam Kim năm 2017 giảm từ 5,07 xuống còn 3,67 vòng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả