Thép là cú sốc hàng hóa lớn khác từ xung đột ở Ukraine
Hôm thứ Ba (29/3), Chủ tịch Liên đoàn Sắt thép Nhật Bản Eiji Hashimoto cho biết, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine - hai nước xuất khẩu lớn các sản phẩm thép - sẽ có tác động rất lớn đến nhu cầu và thương mại thép toàn cầu.
Chủ tịch Liên đoàn Sắt thép Nhật Bản Eiji Hashimoto cho biết, việc đồng yên giảm mạnh so với đồng đô la Mỹ đã đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với các nhà sản xuất Nhật Bản khi một số ngành công nghiệp không vượt qua được áp lực giảm phát để chuyển sang chi phí gia tăng.
Thế giới hiện đang tập trung vào tác động của căng thẳng địa chính trị đối với thị trường năng lượng toàn cầu và câu chuyện xung quanh giá dầu tăng cao đã phủ sóng trên các mặt báo. Nhưng bên cạnh dầu mỏ, thép là nền tảng của nền kinh tế hiện đại, là hàng hóa phổ biến làm nền tảng cho thế giới, là vật liệu quan trọng trong mọi thứ, từ những tòa nhà chọc trời, ô tô đến máy giặt và đường sắt.
Giờ đây, xung đột của giữa Ukraine và Nga có nguy cơ biến thép thành một mặt hàng xa xỉ. Giá thép đã tăng mạnh trở lại và sự phục hồi sẽ được cảm nhận ở khắp mọi nơi, làm tăng thêm áp lực lạm phát trên toàn cầu.
Đối với các ngân hàng trung ương, sự bùng nổ giá thép là một vấn đề lạm phát đau đầu khác. Trong khi đó, các chính phủ châu Âu có thể phải vật lộn với cả việc tăng giá và mối đe dọa về tình trạng thiếu hụt tiềm năng trong mùa hè này. Thép thanh vằn, các thanh dài và tôn được sử dụng để gia cố bê tông trong mọi dự án xây dựng có thể sẽ sớm bị hạn chế trong việc cung cấp.
Liên minh châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số hoạt động bán thép của Nga và đã nhắm vào hầu hết các nhà tài phiệt của nước này, những người sở hữu các khối lớn trong ngành thép Nga. Trong khi đó, căng thẳng địa chính trị đã làm ngừng sản xuất thép của Ukraine.
Một lý do khiến giá tăng đột biến là do quy mô tuyệt đối của ngành thép Nga và Ukraine. Nga là nhà xuất khẩu thép lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản, trong khi Ukraine là nước lớn thứ tám.
Colin Richardson, người đứng đầu bộ phận thép của Cơ quan Báo giá hàng hóa Argus tính toán rằng, Nga và Ukraine cùng chiếm khoảng 1/3 lượng thép nhập khẩu của EU, hoặc gần 10% nhu cầu nội địa của khu vực. Và Nga, Belarus và Ukraine cùng chiếm khoảng 60% tổng lượng thép thanh nhập khẩu của EU.
Nhà phân tích Kaye Ayub tại công ty tư vấn MEPS International cho biết: "Có vẻ như giá thép sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn. Chúng tôi dự báo rằng giá sẽ tăng trở lại vào cuối tháng này và sang tháng 4. Nguồn cung đã bị gián đoạn hàng loạt ở châu Âu, và điều đó sẽ mất khá nhiều thời gian để giải quyết”.
Mặc dù các quốc gia phương Tây không nhắm mục tiêu cụ thể vào các công ty thép của Nga bằng lệnh trừng phạt, nhưng các vấn đề hậu cần và tác động trực tiếp của lệnh trừng phạt đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh và các chuyến hàng.
Lĩnh vực thép của phương Tây đã phải vật lộn với chi phí năng lượng cao khi xung đột của Nga và Ukraine diễn ra vào cuối tháng 2 đã thúc đẩy một đợt tăng đột biến khác của giá dầu và khí đốt, khiến giá điện tăng cao hơn.
Sau khi xung đột nổ ra, các nhà sản xuất thép ở Tây Ban Nha như ArcelorMittal và nhà sản xuất thép không gỉ Acerinox đã cắt giảm sản lượng, trong khi Lech-Stahlwerke của Đức ngừng sản suất ở Bavaria.
Theo nhà phân tích Michael Widmer của Bank of America, tác động đầy đủ của cuộc xung đột vẫn chưa được thể hiện trong dữ liệu sản xuất, nhưng sản lượng thép của châu Âu trong tháng 1 đã giảm xuống mức thấp nhất theo mùa kể từ năm 2009.
Dữ liệu từ Hiệp hội Thép Thế giới cho thấy, sản lượng thép thô trong tháng 2 ở Liên minh châu Âu giảm 2,2% so với tháng trước và các nơi khác ở châu Âu giảm 4,8%.
Ngoài ra, sản lượng thép thô toàn cầu giảm 5,7% trong tháng 2.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận