Thêm những thứ 'vứt đi' ở Việt Nam, giá đắt chễm chệ trong siêu thị nước ngoài
Lõi ngô, lá chuối, hạt vải... ở Việt Nam bỏ đi nhưng sang tới nước ngoài rất có giá trị và được bán với giá cao.
Hạt vải
Vải thiều là loại hoa quả phổ biến ở Việt Nam với mức giá từ 20.000-30.000 đồng/kg khi vào chính vụ.
Tháng 6 vừa qua, 2 tấn vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đã được xuất khẩu sang Nhật thành công. Trong siêu thị Nhật, những trái vải to và đẹp đẽ nhất sẽ được đóng hộp sang chảnh như nhân sâm Hàn Quốc, thường thì sẽ là đồ biếu tặng vì bên Nhật có truyền thống biếu hoa quả đắt tiền. Những quả xấu mã hơn thì được đóng trong hộp, túi bóng và có giá niêm yết sẵn. Ước chừng 1kg vải thiều Việt Nam được bán tại Nhật có giá lên đến hơn 500.000 đồng.
Không chỉ gây sốc về mức giá cao đối với quả vải mà hạt vải cũng được đóng gói trên các shop online ở Nhật với giá quy ra tiền Việt khoảng 140.000 đồng/5 hạt vải.
Thông tin này khiến dân mạng kinh ngạc, hóa ra suốt những năm tháng qua, những ai ăn vải thường xuyên đều cảm thấy tiếc nuối vì đã vứt cả núi hạt ra bãi rác. Có lẽ vì ở Nhật không trồng được vải nên những chiếc hạt nhỏ nhỏ xinh xinh này mới được bán như mặt hàng quý hiếm vậy.
Một người Việt Nam đang làm việc ở Nhật chia sẻ: "Với giá 1 hạt vải khô bán ở Nhật thì có thể mua được cả cân vải ở Việt Nam. Nếu mình ở nhà đi nhặt hạt vải vứt đi để bán giá như ở Nhật thì chắc giàu to".
Lõi ngô
Ở Việt Nam chắc hẳn ai cũng không còn xa lạ với lõi ngô, còn gọi là cùi ngô. Sau khi ăn xong hạt, hầu hết mọi người thẳng tay vứt lõi ngô đi vì nghĩ chúng giờ trở thành đồ vô dụng. Ở quê, lõi ngô còn được một số gia đình giữ lại cho bò ăn hoặc phơi khô để làm củi đun nấu.
Ở nước ngoài, các lõi ngô được đóng gói để bán với giá hơn 40.000 đồng/túi. Những lõi ngô này được tách hạt bằng tay hoặc bằng dụng cụ đảm bảo vệ sinh, giữ sạch sẽ có thể đun nước để uống. Mỗi túi lõi ngô được đóng 4-5 cái.
Theo thông tin từ Naver, người Hàn Quốc thường mua lõi ngô về để đun nước uống giống như hãm trà vậy. Cũng theo Viện nghiên cứu ngô, đồ vật mà bạn từng xem là "phế phẩm" này lại có công dụng chống vàng da, chống phù, lợi tiểu và các chứng chảy máu.
Lá chuối
Ở Việt Nam, cây chuối dễ trồng ở khắp các vùng nông thôn. Quả chuối là thứ có giá trị nhất, còn lá chuối và thân chuối thì rẻ hều.
Lá chuối được sử dụng với mục đích chính là làm nguyên liệu gói một số loại bánh truyền thống như bánh chưng, bánh tét, bánh giò,… hay để gói xôi. Lượng lá chuối ở Việt Nam luôn ổn định quanh năm, giá thành rẻ và thường chỉ tăng cao nhất vào thời điểm cận Tết. Thậm chí, có không ít nhà vườn còn thẳng tay phá bỏ bớt lá chuối đi chỉ thu hoạch hoa chuối, quả chuối hoặc thân chuối sử dụng làm thức ăn cho một số loại động vật.
Lá chuối Việt Nam dùng để xuất khẩu phải là những chiếc lá có bề ngang rộng 30cm, lá liền mảnh không rách. Sau khi xử lý sát trùng kỹ, lá chuối được đóng gói rồi cho vào container. Tuy nhiên, chỉ có lá chuối tây mới có thể sử dụng và xuất khẩu. Lá chuối khá giòn nên trước khi trở thành bao bì, lá gói bánh, phải biết canh chọn lá đúng tuổi, hái về phơi nắng vừa đủ độ héo để lá mềm mà không mất đi màu xanh.
Lá tía tô
Lá tía tô là loại lá gia vị rất phổ biến của Việt Nam. Tại Việt Nam, lá tía tô được bán rất rẻ. Chỉ với 1 nghìn đồng, bạn có thể mua một nắm lá tía tô ngoài chợ cóc.
Tuy nhiên, ở nước Nhật, tía tô lại là 1 trong 7 loại gia vị thiết yếu, rất được coi trọng. Tía tô cũng là nguyên liệu quan trọng nhất của món dưa mận umeboshi (một món dưa muối rất phổ biến trong ẩm thực người Nhật) hoặc được dùng gói xung quanh sushi…Không phải bán theo bó như ở Việt Nam, tía tô tại Nhật được bán theo lá. Một gói lá tía tô sấy như trên được bán giá 16 USD, tương đương 363.000 đồng. Tính ra 1 lá là 700 đồng.
Năm 2019, một công ty tại Bắc Ninh lại có thể trồng cây tía tô và xuất khẩu sang Nhật Bản với giá 700 đồng/lá, thu về hàng tỷ đồng/năm. Để xuất khẩu được lá tía tô trên, công ty đã khảo sát địa điểm, nguồn nước, chất đất, xây nhà kính và áp dụng quy trình sản xuất nghiêm ngặt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận