Thêm ngân hàng đua phí 0 đồng
Thay vì phải đẩy lãi suất huy động lên cao, nhiều ngân hàng đã hạ phí để thu hút tiền gửi không kỳ hạn cũng như áp dụng nhiều chính sách nằm khuyến khích khách hàng giao dịch online thay vì đến quầy.
Xu thế “phí 0 đồng” bắt đầu nở rộ sau khi Techcombank tiên phong áp dụng chính sách “Zero Fee” cho tất cả các giao dịch trực tuyến - Ảnh: HỮU THUẬN
Ngân hàngViệt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa áp dụng biểu phí mới từ hôm nay, 2-11, theo đó sẽ miễn phí chuyển khoản liên NH trên VPBank Online cho tài khoản VPSuper/ Dream VPSuper với 10 giao dịch đầu tiên bất kể số tiền chuyển.
Từ giao dịch thứ 11, VPBank tiếp tục miễn phí cho các tài khoản thanh toán có duy trì số dư từ 10 triệu đồng trở lên.
Nếu số dư trong tài khoản thanh toán dưới 10 triệu đồng ngân hàng sẽ áp dụng mức phí như cũ là 8.000 đồng/giao dịch với các món chuyển thường dưới 300 triệu đồng/lần. Với món tiền chuyển thường trên 300 triệu đồng, mức phí là 0,05% trên giá trị giao dịch, tối đa 1 triệu đồng. Nếu chuyển nhanh mức phí là 7.000 đồng/giao dịch.
Miễn phí với giao dịch online tuy nhiên từ 2-11 VPBank không còn miễn phí rút tiền ATM ngoại mạng cho khách hàng thông thường duy trì số dư từ mức 2 triệu đồng trở lên trong tài khoản thanh toán mà sẽ thu phí 3.000 đồng/giao dịch.
Với khách hàng trả lương qua VPBank, ngân hàng này cũng chỉ miễn phí rút tiền ATM ngoại mạng và miễn phí thông báo số dư quan tin nhắn nếu duy trì số dư trong tài khoản từ 2 triệu đồng. Trong khi quy định trước đây là duy trì mức 500.000 đồng. Dưới mức này ngân hàng chỉ miễn phí năm đầu tiên, từ năm thứ 2 trở đi sẽ phải trả phí.
Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital) cũng vừa thông báo miễn toàn bộ phí chuyển tiền trên Internet Banking, Mobile Banking với hạn mức giao dịch trong ngày lên đến 1,5 tỉ đồng trong 3 tháng nhằm khuyến khích khách hàng đã có thẻ tại ngân hàng này đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử.
Đây là hai ngân hàng mới vừa ban hành thêm chính sách miễn, giảm phí nhằm hướng khách hàng giao dịch online, qua đó thu hút thêm số sư tiền gửi không kỳ hạn.
Trước đó ngân hàng Quốc tế (VIB), SeABank cũng có các chính sách miễn phí dịch vụ cho khách hàng. Techcombank cũng tiên phong áp dụng chính sách "Zero Fee" cho tất cả các giao dịch trực tuyến qua F@st I-bank và F@st mobile.
Theo các chuyên gia, chính sách hạ giá, phí dịch vụ của các ngân hàng sẽ dần trở thành xu hướng vì việc khách hàng duy trì số dư không kỳ hạn sẽ giúp thanh khoản ngân hàng tốt hơn, nhất là trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước siết tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 40% và dự kiến giảm về mức 30% trong hai năm tới.
Tiền gửi không kỳ hạn được tính vào vốn ngắn hạn, ngân hàng chỉ phải trả lãi khoảng 0,1-0,5%/năm, trong khi nếu huy động có kỳ hạn, mức lãi thường là 4-5%/năm. Nguồn vốn không kỳ hạn càng lớn càng giúp ngân hàng giảm giá vốn, gia tăng biên lợi nhuận.
Từ đầu tháng 10, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) cũng giảm 13% đối với phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên NH 24/7, không thu phí dịch vụ chuyển khoản nội bộ, vấn tin, in sao kê… nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ thanh toán và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận