Thêm một sàn giao dịch tiền điện tử bị điều tra
Theo New York Times, sàn giao dịch crypto Kraken đang bị Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Hoa Kỳ (OFAC) điều tra vì cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran cũng như Syria và Cuba. Các khoản tiền phạt được cho chỉ là vấn đề thời gian.
Theo thông tin ban đầu nhận được, Kraken, một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới, đang bị nghi ngờ và bị điều tra liên bang vì những cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt Mỹ khi cho phép người dùng tại Iran và các nơi khác mua và bán token.
Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ tài chính Mỹ đã điều tra nền tảng này kể từ năm 2019 và dự kiến sẽ phạt tiền cảnh báo sàn giao dịch. Theo đó, công ty đã vi phạm các lệnh trừng phạt mà Hoa Kỳ áp đặt lên Iran vào năm 1979, cấm xuất khẩu hàng hóa hoặc dịch vụ cho người dân hoặc doanh nghiệp, tổ chức tại quốc gia đó.
Kraken sẽ là công ty tiền điện tử lớn nhất của Mỹ phải đối mặt với hành động cưỡng chế từ OFAC.
Hiện nay, chính phủ liên bang ngày càng thẳng tay đàn áp các công ty tiền điện tử trong bối cảnh thị trường tiền tệ kỹ thuật số ngày càng phát triển. Tether, một công ty stablecoin, đã bị Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai phạt tiền vì khai báo sai về khoản dự trữ của mình vào năm ngoái. Ngoài ra,Ishan Wahi, cựu nhân viên của Coinbase, sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất nước Mỹ, hiện đang lẩn trốn cũng phải đối mặt với các cáo buộc dân sự đến từ Uỷ ban chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC).
Lồng sắt bao phủ ngành công nghiệp này đang ngày càng siết chặt trong những tháng gần đây khi thị trường tiền điện tử rơi vào tình trạng suy thoái và một số công ty, như Voyager Digital và Celsius Network, đã sụp đổ.
Trước đây, Kraken, một công ty tư nhân trị giá 11 tỷ USD cho phép người dùng mua, bán hoặc nắm giữ các loại tiền điện tử khác nhau, cũng đã phải đối mặt với các hành động pháp lý. Năm ngoái, CFTC cũng đã phạt công ty 1,25 triệu USD.
Trong một cuộc trò chuyện nội bộ vào năm 2019, Jesse Powell, giám đốc điều hành của Kraken, nói rằng có khả năng anh sẽ vi phạm pháp luật trong trường hợp nếu công ty nhận được lợi ích nhiều hơn so với mức khung phạt. Công ty cũng đang giải quyết xung đột nội bộ về các vấn đề bao gồm chủng tộc và giới tính, mà ông Powell đã nêu ra.
Marco Santori, Giám đốc pháp lý của Kraken, cho biết công ty “không có bình luận gì”. Ông nói thêm, “Kraken hiện đang giám sát và tuân thủ chặt chẽ các luật trừng phạt và luôn báo cáo cho các cơ quan quản lý nếu xuất hiện những vấn đề tiềm ẩn”.
Một nữ phát ngôn viên Bộ Tài chính cho biết cơ quan này “không xác nhận hoặc bình luận về cuộc điều tra” và cam kết thực thi “các biện pháp trừng phạt nhằm bảo vệ an ninh quốc gia”.
Các biện pháp trừng phạt là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất mà Mỹ sử dụng nhằm gây tác động tiêu cực đến những nước mà quốc gia này không coi là đồng minh. Nhưng tiền điện tử là mối đe dọa tiềm tàng, có khả năng giúp nhiều quốc gia vượt qua rào cản trên vì tiền số không sử dụng hệ thống ngân hàng truyền thống, khiến chính phủ khó kiểm soát tiền hơn.
Vào tháng 10, Bộ Tài chính đã cảnh báo rằng tiền điện tử “có khả năng làm giảm hiệu quả các lệnh trừng phạt của Mỹ”. Cơ quan trên đã phát hành một bản báo cáo hướng dẫn tuân thủ dài 30 trang khuyến nghị các công ty tiền điện tử sử dụng các công cụ định vị địa lý nhằm kiểm soát vị trí người dùng.
“Vì tiền điện tử có thể được giao dịch mà không cần thông qua ngân hàng hoặc trung gian nên các sàn giao dịch phải chịu trách nhiệm tuân thủ quy định tài chính”, Hailey Lennon, luật sư tại Anderson Kill, người xử lý các vấn đề quy định trong tiền điện tử, cho biết.
Trong một vụ kiện vào tháng 11/2019 của một cựu nhân viên từ bộ phận tài chính, Nathan Peter Runyon đã cáo buộc công ty Kraken cho phép người dùng tại những quốc gia đang bị áp lệnh trừng phạt sử dụng và giao dịch tiền điện tử. Ông cho biết đã đưa vấn đề lên giám đốc tài chính và những người đứng đầu Kraken vào đầu năm 2019, (Vụ kiện đã được giải quyết vào năm ngoái.)
Cùng năm đó, OFAC đã bắt đầu điều tra Kraken, tập trung vào các tài khoản của công ty tại Iran. Ngoài ra, Kraken cũng cho phép người dùng mở tài khoản ở Syria và Cuba, hai quốc gia khác đang chịu lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ..
Vào năm 2020, O.F.A.C. đã phạt BitGo, một dịch vụ ví kỹ thuật số có văn phòng tại Palo Alto, California, hơn 98.000 USD vào năm 2020 vì 183 vi phạm lệnh trừng phạt. Năm ngoái, họ đã phạt BitPay, một công ty xử lý thanh toán tiền điện tử có trụ sở tại Atlanta, hơn 500.000 USD vì phạm phải 2.102 lệnh trừng phạt.
Bên cạnh đó, theo Coinbase, trong bản báo cáo tài chính năm 2021, họ đã đệ trình lên OFAC những giao dịch có thể đã vi phạm lệnh trừng phạt nhưng cơ quan này chưa có động thái nào.
Vào năm 2018, văn phòng tổng chưởng lý New York đã yêu cầu Kraken và 12 sàn giao dịch khác trả lời bảng câu hỏi về hoạt động tài chính công ty. Kraken từ chối trả lời và Powell gọi New York là “thù địch với kinh doanh” trên Twitter.
Năm nay, Powell là một trong những người có tiếng nói lớn nhất trong ngành tiền điện tử khi nhà sáng lập lên tiếng phản đối lệnh đóng cửa tài khoản tại Nga sau khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine nổ ra. Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số cá nhân và doanh nghiệp ở Nga, nhưng họ không yêu cầu các công ty tiền điện tử đóng cửa hoàn toàn quyền truy cập vào quốc gia này.
Ngoài ra, theo một bảng tính mà Powell đã đăng lên Slack nhằm giúp toàn công ty biết khách hàng đang ở đâu, hiện nay Kraken vẫn “bật đèn xanh” cho các tài khoản ở các quốc gia bị trừng phạt, chẳng hạn như Iran. Vị giám đốc cho biết dữ liệu đến từ thông tin cư trú được liệt kê trên “tài khoản đã xác minh”.
Theo bản báo cáo đó, Kraken có 1.522 người dùng cư trú tại Iran, 149 người tại Syria và 83 người tại Cuba. Công ty cũng có hơn 2,5 triệu người dùng cư trú tại Hoa Kỳ và hơn 500.000 người ở Anh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận