Thêm dấu mốc buồn của Covid-19
Số người tử vong trên toàn cầu vì Covid-19 đã vượt mốc 4 triệu người và con số sẽ chưa dừng lại khi nhiều nơi đang đối diện với thách thức lớn nhất là thiếu vắc xin.
Reuters hôm qua đưa tin số người chết vì liên quan đến Covid-19 đã chính thức vượt qua cột mốc 4 triệu.
Theo phân tích, số ca tử vong vì Covid-19 chạm mốc 2 triệu đầu tiên sau hơn một năm nhưng 2 triệu ca tử vong kế tiếp được ghi nhận chỉ trong 166 ngày. Tốp 5 nước có số người tử vong nhiều nhất lần lượt là Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Nga và Mexico, chiếm khoảng 50% số ca tử vong toàn cầu.
Thế giới đã có 4 triệu người tử vong vì Covid-19, một nửa là trong năm nay
Theo giới chuyên gia y tế, con số tử vong trên thực tế có thể còn cao hơn vì có những trường hợp không được thống kê đầy đủ.
Mỹ chi tiền nghiên cứu thuốc trị Covid-19
Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn hàng đầu của Nhà Trắng về đại dịch Covid-19, hôm qua thông báo chính quyền Mỹ sẽ đầu tư 3,2 tỉ USD để đẩy nhanh nghiên cứu, phát triển thuốc chống vi rút nhằm điều trị cho bệnh nhân Covid-19 và các vi rút nguy hiểm khác có thể trở thành đại dịch trong tương lai.
Theo AP, các loại thuốc hiện nay hầu hết chỉ giúp ngăn ngừa nguy cơ nhập viện của bệnh nhân và rút ngắn thời gian hồi phục, trong khi các chuyên gia y tế kêu gọi phát triển loại thuốc để bệnh nhân tự dùng để ngăn bệnh ngay khi xuất hiện triệu chứng.
Trong bối cảnh đó, sự lây lan của các biến chủng nguy hiểm hơn đang là thách thức đối với nhiều nước. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo biến chủng Delta được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ giờ đã hiện diện tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Biến chủng này có khả năng lây nhiễm cao và dễ dàng xâm nhập vào tế bào hơn các biến chủng khác. Chuyên gia kỹ thuật Maria Van Kerkhove của WHO cảnh báo biến chủng Delta có thể sẽ khiến hệ thống y tế của nhiều nước lâm vào cảnh quá tải.
Trước tình hình đó, giới chuyên gia nhấn mạnh chìa khóa để ngăn chặn vi rút lây lan chính là tiêm chủng. Tuy nhiên, đó cũng được coi là thách thức lớn nhất hiện nay của các nước khi nguồn cung vắc xin không đủ nhu cầu.
Theo dữ liệu của Đại học Oxford (Anh), hơn 2,5 tỉ liều vắc xin Covid-19 đã được tiêm trên toàn cầu. Tuy nhiên, có sự chênh lệch lớn khi 86% số vắc xin được tiêm tại các nước thu nhập cao và trung bình cao trong khi chỉ 0,3% số liều được tiêm tại các nước thu nhập thấp.
Tại hội nghị thượng đỉnh gần đây, nhóm G7 đã cam kết sẽ cung cấp 1 tỉ liều vắc xin cho thế giới tính đến năm sau, tăng thêm 870 triệu liều so với 130 triệu liều được cam kết hồi tháng 2.
Tuy nhiên, WHO cho rằng con số này là thấp hơn rất nhiều so với mức 11 tỉ liều cần thiết để giúp 70% dân số toàn cầu được tiêm vắc xin tính đến giữa năm 2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận