Thêm 500.000 người tại châu Âu có thể thiệt mạng vì làn sóng Covid-19 mới
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 20/11 phát đi cảnh báo châu Âu có thể có thêm 500.000 người thiệt mạng vì Covid-19 từ nay đến tháng 3/2022 nếu như các biện pháp khẩn cấp không được áp dụng ngay lập tức nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm đang gia tăng mạnh tại châu lục này.
Phát biểu trên kênh truyền hình Anh BBC ngày 20/11, ông Hans Kluge, Giám đốc Văn phòng châu Âu của WHO, cảnh báo hiện Covid-19 đã quay trở lại là nguyên nhân tử vong hàng đầu tại châu Âu và với làn sóng lây nhiễm đang gia tăng rất mạnh tại hầu hết các nước châu Âu hiện nay, 500.000 người nữa có thể thiệt mạng vì Covid-19 tại châu Âu từ nay đến tháng 3/2022 nếu như các biện pháp khẩn cấp không được áp dụng ngay lập tức.
Trong tuần qua, số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày tại nhiều nước châu Âu đã phá các kỷ lục từ đầu đại dịch, như 65.000 ca mắc/ngày tại Đức. Trước các diễn biến này, một số nước châu Âu đã phải áp dụng trở lại biện pháp hạn chế nghiêm khắc.
Từ ngày 22/11, Áo trở thành nước châu Âu đầu tiên từ mùa Hè 2021 phải tái phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn Covid-19. Trước đó, Hà Lan đã ra lệnh áp dụng việc bán phong tỏa trong vòng 3 tuần, gây ra các cuộc biểu tình bạo động khi những người chống phong tỏa đụng độ với lực lượng cảnh sát.
Hiện tại, kịch bản tái phong tỏa toàn quốc cũng đang được một số nước khác cân nhắc. Tại Đức, nơi có số ca nhiễm hàng ngày cao nhất châu Âu hiện nay, hầu hết các bang đều đã áp dụng các biện pháp hạn chế, như tiêm vắc-xin bắt buộc với nhân viên y tế, đóng cửa các chợ Giáng sinh truyền thống, yêu cầu người lao động làm việc từ xa.
Quyền Bộ trưởng Y tế Đức, Jens Spahn khẳng định, nước Đức đang trong tình trạng khẩn cấp quốc gia và việc phong tỏa toàn quốc đang được xem xét nghiêm túc khi hệ thống bệnh viện bắt đầu có dấu hiệu quá tải. Ông Jens Spahn cũng thừa nhận, lần đầu tiên từ đầu đại dịch, nước Đức phải lên kế hoạch vận chuyển bệnh nhân trên toàn quốc, thậm chí sang các nước láng giềng nhằm giảm tải cho các bệnh viện.
Giáo sư Lothar Wieler, Giám đốc Viện Robert Koch, cơ quan kiểm soát dịch bệnh liên bang Đức, nhận xét, nước Đức thời gian qua đã có những ngày ghi nhận từ 200-300 ca tử vong vì Covid-19 và tình hình sẽ còn xấu đi trong thời gian tới, trước khi các biện pháp chống dịch cao nhất mang lại tác dụng.
“Bây giờ không còn là câu chuyện của những ổ dịch đơn lẻ nữa mà toàn bộ nước Đức đã trở thành một ổ dịch lớn. Đây là tình trạng khẩn cấp quốc gia và nước Đức cần phải kéo phanh khẩn cấp ngay lập tức. Hiện tại Đức đã ở trong giai đoạn áp dụng chiến lược kiểm soát Covid-19 ở cấp độ cao nhất, là giai đoạn 2, khi cả 3 chỉ số về số ca nhiễm, ca nhập viện và ca tử vong đều đã vượt quá ngưỡng cho phép”, ông Wieler nói./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận