Thêm 1.500 khách hàng người Nhật Bản thành "nạn nhân" mất trắng 95 tỷ Yên trong các khoản đầu tư trái phiếu AT1 của Credit Suisse
Công ty liên doanh Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities của Nhật Bản đã bán khoảng 95 tỷ Yên (tương đương 712 triệu USD) trái phiếu AT1 của ngân hàng Credit Suisse cho khoảng 1.500 khách hàng Nhật Bản và các tập đoàn lớn.
Ngân hàng Morgan Stanley đã “bắt tay” với tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) để thành lập công ty liên doanh Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities. Tập đoàn tài chính MUFG nắm giữ 60% cổ phần trong liên doanh trên với Morgan Stanley.
Theo Nikkei Asia, công ty này của Nhật Bản đã bán khoảng 95 tỷ Yên (tương đương 712 triệu USD) trái phiếu AT1 của ngân hàng Credit Suisse cho các khách hàng Nhật Bản giàu có. Danh sách khoảng 1.500 tài khoản khách hàng của Mitsubishi UFJ Morgan Stanley nắm giữ trái phiếu AT1 của Credit Suisse phần lớn là người Nhật Bản và một vài tập đoàn. Sau vụ thâu tóm lại của UBS, họ đã “trắng tay” với toàn bộ khoản đầu tư vào trái phiếu AT1 này.
Công ty mẹ Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) đã phải tổ chức một cuộc họp để xác định mức độ lỗ của các khách hàng và nhận các thông tin phản hồi. Lượng trái phiếu AT1 mà các tài khoản của Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities đang nắm giữ chiếm 4% tổng trái phiếu AT1 do Credit Suisse phát hành.
Bên cạnh đó, các định chế tài chính khác của Nhật Bản cũng đã bán rất nhiều trái phiếu AT1 của Credit Suisse cho các nhà đầu tư nước này. Mizuho Securities của Nhật Bản đã bán hơn 4 tỷ yên trái phiếu AT1 của Credit Suisse. Daiwa Securities cũng bán vài trăm triệu yên trái phiếu AT1 của ngân hàng này.
SMBC Nikko Securities cũng được cho là đã bán vài trăm triệu yên trái phiếu AT1 của Credit Suisse. Trong khi đó, Nomura Securities cho biết họ không bán trái phiếu AT1 của ngân hàng này cho nhà đầu tư cá nhân nào.
Trước đó vào tháng 3/2023, Cơ quan Giám sát Thị trường Tài chính Thụy Sỹ (SFMSA) đã thông báo một hung tin tới các trái chủ của trái phiếu AT1 rằng “toàn bộ trái phiếu AT1 của Credit Suisse với tổng giá trị khoảng 16 tỷ Franc Thụy Sỹ (18 tỷ USD) sẽ được ghi giảm giá trị về 0”, khi họ khởi xướng thương vụ bán Credit Suisse cho UBS.
Sau đó Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) thông báo UBS sẽ mua lại Credit Suisse với giá 3 tỷ Franc Thụy Sỹ (khoảng 3,25 tỷ USD). Mức giá này thấp hơn khoảng 60% so với giá trị thị trường của Credit Suisse khi đóng cửa phiên giao dịch gần nhất. Các cổ đông của Credit Suisse được đổi 22,48 cổ phiếu ngân hàng này lấy 1 cổ phiếu UBS, còn trái chủ nắm giữ trái phiếu AT1 bị mất trắng.
Động thái này mâu thuẫn với hệ thống phân cấp trong phân chia tài sản thông thường khi một ngân hàng phá sản, theo đó các cổ đông xếp cuối hàng trong bất kỳ hình thức chi trả nào.
Tập đoàn tài chính MUFG đã trì hoãn đợt phát hành trái phiếu AT1 sau vụ giải cứu ngân hàng Credit Suisse của Thuỵ Sĩ. Lúc này giới đầu tư châu Á mới giật mình phát hiện trái phiếu AT1 của các ngân hàng châu Á cũng có điều khoản “xoá sổ” giống với Credit Suisse. Bởi thông thường, các cổ đông sẽ phải chịu tổn thất trước, sau đó mới đến người nắm giữ trái phiếu AT1.
Theo các nguồn tin, hầu hết trái phiếu AT1 của Credit Suisse được bán cho các nhà đầu tư nước ngoài thông qua các định chế tài chính ở các quốc gia khác.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận