menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quyền Nguyễn

Thẻ tín dụng “hụt hơi” trong cuộc đua thanh toán phi tiền mặt ở châu Á

Mức phí cao của dịch vụ thanh toán thẻ tín dụng đã khiến nhiều người tiêu dùng tiềm năng lánh xa chúng và đổ dồn sang sử dụng các ứng dụng thanh toán di động trong bối cảnh các nền kinh tế châu Á đang trong cuộc chạy đua thanh toán phi tiền mặt.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Nomura (Nhật Ban) và Bộ Kinh tế Nhật Bản, tại Thái Lan, Indonesia và Việt Nam tỷ lệ thâm nhập thẻ tín dụng vẫn ở mức 10% hoặc thấp hơn, trong khi đó có đến 47-67% người tiêu dùng ở các nước này đang sử dụng hình thức thanh toán di động.

Riêng tại Trung Quốc, giao dịch thanh toán cho các hoạt động mua sắm hàng ngày chủ yếu được thực hiện qua các ví điện tử trên smartphone.

Trong khi các công ty thanh toán di động ở khu vực châu Á tiếp tục thu hút người dùng và mở rộng các dịch vụ, các công ty thẻ tín dụng có thể đối mặt với một cuộc cạnh tranh đầy khó khăn để giành lại thị phần bị mất mát tại một khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

“Các thương hiệu thẻ tín dụng Mỹ đã phát triển mạng lưới thanh toán trong 30-40 năm qua. Nhưng việc tiếp cận các mạng lưới này rất tốn kém, khiến nhiều công ty khác phát triển các nền tảng thanh toán phi tiền mặt thuận tiện hơn và có chi phí thấp hơn bằng cách sử dụng công nghệ di động”, Yasuyuki Fuchida, nhà phân tích ở Viện Nghiên cứu Các thị trường vốn của Ngân hàng Nomura, nói.

Các công ty thẻ tín dụng hàng đầu thế giới như Visa và MasterCard đang đối mặt với một khó khăn khác khi ngày càng có nhiều chính phủ châu Á phát triển các nền tảng thanh toán riêng và ngăn chặn dữ liệu khách hàng chuyển đến Mỹ.

Chẳng hạn, tại Ấn Độ, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã ra mắt ứng dụng thanh toán di động có tên gọi BHIM vào năm 2016. Ứng dụng này cho phép người dùng chuyển tiền giữa các ngân hàng với nhau mà không cần phải thông qua mạng lưới của Visa hay MasterCard.

Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cũng yêu cầu Visa và MasterCard lưu trữ các dữ liệu giao dịch của khách hàng tại nước này. Hiện nay, các nền tảng thanh toán di động như BHIM, Ola Money, PayTM đang thống lĩnh ở nước này.

Visa và MasterCard từ lâu là các nhà cung cấp kiểm soát phần lớn các mạng lưới thanh toán cho các dịch vụ thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ. Họ thu phí từ các nhà bán lẻ, các ngân hàng cũng như một số người sử dụng dịch vụ của họ. Giờ đây, các công ty này bị thách thức ngay cả ở Nhật Bản, thị trường vững chắc nhất của họ ở châu Á.
Một trong những đối thủ đang đe dọa thị phần thanh toán phi tiền mặt của Visa và MasterCard ở Nhật Bản là PayPay, một nền tảng di động được Yahoo Japan và tập đoàn SoftBank rót vốn đầu tư.

Hồi tháng 4, Seiei Takase, 59 tuổi, chủ một nhà hàng ở thành phố nhỏ Kasama phía Bắc Tokyo, bắt đầu chấp nhận PayPay như là phương thức thanh toán phi tiền mặt duy nhất của nhà hàng này. Người dùng mở một tài khoản ở PayPay và gửi vào một số tiền nhất định để thực mua sắm và thanh toán bằng cách quét mã phản hồi nhanh (QR) bằng smartphone.

Takase nói: “Nền tảng thanh toán di động này dễ triển khai hơn thẻ tín dụng và không tính phí cho đến tháng 10”.
Cho đến nay ứng dụng PayPay đã thu hút 6,66 triệu người đăng ký sử dụng và được chấp nhận ở hơn 500.000 cơ sở kinh doanh. Các chiến dịch khuyến mãi hào phóng, chẳng hạn như hoàn tiền 20% cho các giao dịch mua sắm trong khoảng giá trị nhất định đã giúp lượng người sử dụng tăng nhanh.

Không giống như các hình thức thanh toán di động khác, PayPay không dựa vào mạng lưới thẻ tín dụng để xử lý các giao dịch.

Masayuki Yamamoto, Chủ tịch công ty tư vấn thanh toán Yamamoto International Consultants, lưu ý rằng đối với các chủ cơ sở kinh doanh, các phương thức thanh toán bằng cách quét mã QR rẻ hơn so với thẻ tín dụng về mức phí và chi phí lắp đặt thiết bị. Yamamoto cho biết các công ty thẻ tín dụng thường tính mức phí từ 3,25-5% giá trị thanh toán.

Tại Indonesia, ngay cả các công ty thẻ đang kiểm soát quy trình xử lý giao dịch thẻ ghi nợ cũng đang đứng trước mối đe dọa của các đối thủ thanh toán di động bao gồm ví điện tử Go Pay của hãng gọi xe Go-Jek hay ví điện tử GrabPay của Grab.

Tại Trung Quốc, nơi nhiều người dân thậm chí còn chưa từng thấy thẻ tín dụng, các nền tảng thanh toán di động như Alipay của công ty dịch vụ tài chính Ant Financial, một thành viên của Alibaba và WeChat Pay của tập đoàn Tencent, nhanh chóng thiết lập sự thống trị trên thị trường thanh toán phi tiền mặt ngay cả trước khi các dịch vụ thẻ tín dụng có cơ hội được biết đến.

Một lợi thế của các công ty thẻ tín dụng là cho phép người dùng thực hiện các giao dịch xuyên biên giới. Giờ đây, Alipay đang nhắm đến cung cấp dịch vụ này.

“Ngày nay, Alipay không chỉ hiện diện ở Trung Quốc. Chúng tôi có tổng cộng 1 tỉ khách hàng ở châu Á và con số này đang tăng nhanh qua mỗi năm. Tôi nghĩ mỗi năm, chúng tôi tiếp nhận thêm hơn 200 triệu người dùng”, Eric Jing, Giám đốc điều hành Ant Financial nói tại cuộc họp báo ở Tokyo hồi tháng 5.

Theo Eric Jing, 300.000 chủ cơ sở kinh doanh ở Nhật Bản đang chấp nhận thanh toán qua Alipay, tăng gấp 5 lần so với thời điểm tháng 8-2018.

Các nền tảng thanh toán di động ở châu Á nói chung chỉ hoạt động tại thị trường quê nhà nhưng họ đang mở rộng đầu tư sang các nước châu Á khác, một dấu hiệu cho thấy họ kỳ vọng các quy định kiểm soát giao dịch xuyên biên giới sẽ được nới lỏng. Nếu các kỳ vọng này trở thành hiện thực thì một cuộc chiến giữa các công ty thẻ như Visa và các nền tảng thanh toán di động như Alipay có thể chỉ mới bắt đầu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả