Thế thống trị của đồng USD có thể mất đến hàng thập kỷ để suy yếu
Đó là nhận định của J.P.Morgan trong báo cáo với tựa đề "Phi USD hóa: Đồng USD có đang mất đi sự thống trị?"
J.P.Morgan cho biết, ảnh hưởng của đồng USD lớn đến nỗi, chỉ một biến động nhỏ cũng có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa trên toàn cầu. USD mạnh lên ảnh hưởng nặng nề đến chi phí xuất khẩu của các doanh nghiệp sản xuất tại Mỹ.
Các nước cần thanh toán nợ bằng USD cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi kho dự trữ ngoại hối quốc gia xuống thấp.
Những quốc gia dễ bị tổn thương là nạn nhân đầu tiên của USD. Tình trạng thiếu hụt USD ở Sri Lanka là một trong những nguyên nhân kéo quốc gia này vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất lịch sử.
USD đã trở thành phương tiện trao đổi quan trọng nhất thế giới sau Thế chiến II. Theo ước tính của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), từ năm 1999 đến năm 2019, USD chiếm 79% giao dịch thương mại toàn cầu và 74% ở khu vực châu Á. Các ngân hàng sử dụng đồng bạc xanh cho khoảng 60% tổng số tiền gửi và cho vay quốc tế.
Các hàng hóa chính như dầu vẫn chủ yếu được mua bán bằng USD, và một số nền kinh tế lớn, bao gồm cả Saudi Arabia vẫn neo tiền tệ vào USD.
USD đã trụ vững ở ngai vàng trong nhiều năm nhờ sự ổn định về giá trị, quy mô nền kinh tế và sức mạnh địa chính trị của Mỹ. Một yếu tố nữa là không một quốc gia nào có thị trường nợ giống Mỹ với tổng trị giá lên đến hàng chục nghìn tỷ USD. Trái phiếu kho bạc Mỹ được coi là tài sản dự trữ hàng đầu thế giới, do đó, rất khó để cạnh tranh với USD.
Kết luận trong báo cáo mới đây, J.P.Morgan cũng nhận định rằng rủi ro phi USD hóa dường như đang bị phóng đại.
Theo đó, xu hướng chuyển dịch khỏi đồng USD có diễn ra, nhưng yếu tố hỗ trợ sự thống trị của đồng USD vẫn còn rất mạnh mẽ. “Thị trường vốn Mỹ sâu rộng và thanh khoản cao, hệ thống pháp lý ổn định và minh bạch, cùng với cam kết duy trì chế độ thả nổi tự do đã tạo nên một nền tảng vững chắc cho USD”, báo cáo nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận