The Telegraph: Rời khỏi "công xưởng" Trung Quốc sẽ khiến "cuộc chiến" chống lạm phát khó khăn hơn
Trong bài viết được đăng tải trên tờ The Telegraph, nhà báo Ben Marlow nhận định thật không quá lời khi nói rằng cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại nhà máy lắp ráp điện thoại thông minh iPhone ở tỉnh Trịnh Châu (Trung Quốc) có khả năng sẽ tạo ra những tác động lớn không chỉ đối với “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ, mà còn gây ảnh hưởng đến tương lai của thương mại toàn cầu và thậm chí khiến nỗ lực kiềm chế lạm phát của phương Tây càng trở nên khó khăn hơn.
Theo tác giả, ít có mối quan hệ rành buộc nào được thể hiện trong thời đại toàn cầu hóa rõ nét hơn mối quan hệ giữa Apple và công ty điện tử Foxconn. Đây là mối quan hệ sản xuất thuần túy giữa phương Tây và Trung Quốc.
Nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất Trung Quốc đã sản xuất gần 3/4 số lượng iPhone được bán ra trên thị trường thế giới. Những chiếc điện thoại thông minh này được lắp ráp trong các nhà máy thuộc một khu phức hợp công nghiệp rộng lớn ở miền Trung của Trung Quốc.
Khu vực này có tên gọi là “thành phố iPhone”. Thực tế, toàn bộ mô hình kinh doanh của Foxconn là để phục vụ một số thương hiệu điện tử lớn nhất thế giới với giá thành rẻ, nhanh chóng và hiệu quả. Các nhà máy rộng lớn của Foxconn nằm hoàn toàn trong Trung Quốc Đại lục, được vận hành với một lực lượng lao động giá rẻ hùng hậu và gắn liền với các nhà phân phối linh kiện.
Tuy nhiên, quy trình thiết lập khép kín này đang có nguy cơ bị phá vỡ do chính sách “Không COVID” của Trung Quốc và đó rất có thể là hồi chuông cảnh báo cho một thời đại mà Trung Quốc được tôn vinh là công xưởng của thế giới.
Tác giả phân tích Apple đã tung ra dòng iPhone 14 mới nhất với nhiều chức năng cải tiến được đánh giá là hiện đại và hấp dẫn. Tuy nhiên, “gã khổng lồ” công nghệ đã buộc phải thừa nhận rằng số lượng điện thoại iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max xuất xưởng trong thời gian sắp tới sẽ ít hơn so với kế hoạch, vì cơ sở sản xuất của công ty tại tỉnh Trịnh Châu đang bị đình trệ.
Thông tin về các ca nhiễm bệnh COVID-19 trong các nhà máy sản xuất iPhone của Foxconn đã khiến tình trạng ở đây trở nên hỗn loạn. Nhiều hình ảnh rò rỉ cho thấy các công nhân đang tìm cách rời khỏi nhà máy trước khi họ bị yêu cầu cách ly tập trung ngay tại khu vực sản xuất và sống trong ký túc xá thay vì được trở về nhà, theo chính sách “Không COVID” của Trung Quốc.
Với rất ít dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ từ bỏ các biện pháp cứng rắn liên quan tới dịch COVID-19, trong khi những căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia phương Tây không được cải thiện, tác giả cho rằng đã đến lúc các công ty đa quốc gia phương Tây cần “thức tỉnh” và tìm kiếm giải pháp chuyển đổi nơi đặt nhà máy sản xuất.
Theo tác giả, xuất khẩu của Trung Quốc sang phần còn lại của thế giới đã bất ngờ giảm vào tháng 10/2022. Đây là một lời nhắc nhở rằng phép màu kinh tế của quốc gia lớn nhất châu Á đang suy yếu nhanh chóng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng chiến lược “Không COVID” của Trung Quốc sẽ ngăn chặn đà tăng trưởng của chính nước này, dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2022 của nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ đạt 3,2%, mức tăng trưởng kém nhất kể từ năm 1977.
Giống như những gì đã xảy ra ở Nga, Giám đốc điều hành các tập đoàn đa quốc gia cần nhanh chóng đánh giá lại mối quan hệ với Trung Quốc. Apple đã và đang từng bước xây dựng năng lực sản xuất mới tại Mỹ, Mexico, Ấn Độ và Việt Nam. Rất có thể sắp tới đây sẽ có một cuộc đua dịch chuyển hoạt động sản xuất giữa các công ty phương Tây, khi tình hình ngày càng trở nên căng thẳng hơn.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo về một “thập kỷ quyết định” trong cuộc chiến giành ngôi vị đứng đầu thế giới với Trung Quốc. Bất chấp thế giới đang rơi vào vòng xoáy khủng hoảng năng lượng do cuộc xung đột của Nga va Ukraine, Mỹ vẫn duy trì tâm lý thận trọng đối với Trung Quốc.
Mỹ đã phát động chiến dịch “Chiến tranh Lạnh” đối với các bộ vi mạch của Trung Quốc bằng cách áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt để hạn chế khả năng bất kỳ chất bán dẫn nào của Mỹ, hoặc các quốc gia đồng minh khác, được vận chuyển vào Trung Quốc mà không có giấy phép. Động thái này là một nỗ lực mạnh mẽ nhằm ngăn cản ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc bắt kịp Mỹ quá nhanh.
Mới đây nhất, các cơ quan tình báo phương Tây lo lắng rằng sự hiện diện của hãng xe điện Tesla ở Trung Quốc đã khiến tỷ phú Elon Musk quá tin tưởng vào Bắc Kinh, vào đúng thời điểm ông vừa tiếp quản nền tảng thông tin lớn nhất thế giới Twitter, với cam kết sẽ trở thành người bảo vệ quyền tự do ngôn luận.
Kết thúc bài viết, tác giả lập luận việc tách khỏi Trung Quốc sẽ rất khó khăn và mất nhiều năm, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi các quốc gia phương Tây đang phải vật lộn để loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng do Nga cung cấp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận