Thế nào là doanh nghiệp nhà nước
Quản lý doanh nghiệp nhà nước thế nào đang là câu hỏi phải có câu trả lời ngay, để đảm bảo mục tiêu hiệu quả tối đa một nguồn lực quan trọng của nền kinh tế. Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đang tìm lời giải, bắt đầu từ xác định rõ khái niệm.
Lại bàn khái niệm
Không phải ngẫu nhiên, khái niệm doanh nghiệp nhà nước được Ban soạn thảo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đặt ra để bàn lại.
Ông Phan Đức Hiếu, thành viên Ban soạn thảo cho rằng, những lấn cấn, chưa rõ ràng trong khái niệm doanh nghiệp nhà nước đang làm khó cho cả mục tiêu quản lý doanh nghiệp nhà nước, cũng như nâng cao hiệu quả quản trị cho khu vực này.
“Ban soạn thảo đề xuất sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước, trước hết là theo yêu cầu tại Nghị quyết 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (Nghị quyết 12), nhưng mục tiêu quan trọng nhất là phải làm rõ doanh nghiệp nào được gọi là doanh nghiệp nhà nước, để từ đó có mô hình quản lý, quản trị phù hợp, tránh tình trạng áp đặt, cứ có vốn nhà nước là bị quản lý như doanh nghiệp nhà nước giai đoạn trước”, ông Hiếu nói.
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp nhà nước là do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Nghị quyết 12 xác định quan điểm, doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối”. Câu hỏi phải làm rõ là tỷ lệ nào thì được coi là chi phối, để từ đó xác định rõ quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước và của cổ đông khác theo Luật Doanh nghiệp.
“Thực tế phải cân nhắc là nếu tỷ lệ quá cao, sẽ tạo tâm lý không an tâm với nhà đầu tư tư nhân khi tham gia đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước; nhưng nếu quá thấp sẽ có thể ảnh hưởng đến yêu cầu giám sát khu vực này, nhất là trong những ngành, lĩnh vực cần có sự tham gia của Nhà nước”, ông Hiếu thẳng thắn.
Doanh nghiệp nào là doanh nghiệp nhà nước
Dự thảo mới nhất Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp chọn phương án, doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ.
Khái niệm này phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 12, cơ bản bao quát được các nội dung kiểm soát doanh nghiệp trong thực tiễn của Việt Nam, đặc biệt là chi phối được việc bổ nhiệm các chức danh quản lý của công ty cũng như nội dung của Điều lệ công ty. Vì ngay Điều 144, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định các vấn đề phải có ít nhất 65% cổ phần biểu quyết tán thành, không có vấn đề liên quan đến công tác nhân sự.
“Về mặt pháp lý, với khái niệm này sẽ dễ xác định được loại doanh nghiệp được gọi là doanh nghiệp nhà nước, phân định rõ cổ đông nhà nước và cổ đông khác. Khái niệm này cũng phù hợp với một số nghị định của Chính phủ về quản lý cán bộ, lao động, tiền lương tại các công ty do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ”, ông Hiếu phân tích.
Với khái niệm này, phạm vi, số lượng doanh nghiệp là doanh nghiệp nhà nước hẹp hơn so với số doanh nghiệp do Nhà nước kiểm soát trên thực tế.
Tuy nhiên, còn 2 phương án đang được đưa ra bàn.
Một là, coi doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu trên 35% vốn điều lệ là doanh nghiệp nhà nước. Trong phương án này, quyền chi phối của Nhà nước rất lớn, từ quyền biểu quyết, phủ quyết… Nhưng chính các quyền này tạo nên mối lo bị Nhà nước kiểm soát, gây khó cho quản trị doanh nghiệp, có thể tác động không tốt tới tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Thực tế cổ phần hóa giai đoạn vừa qua cho thấy, doanh nghiệp nào có phương án giảm tỷ lệ vốn nhà nước xuống dưới 50% vốn điều lệ thường dễ thu hút đầu tư bên ngoài hơn, từ đó thúc đẩy quản trị doanh nghiệp theo hướng hiệu quả đúng như mục tiêu.
Hai là, bên cạnh doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, thì các công ty cổ phần, công ty TNHH mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng cổ phần phổ thông đã phát hành; doanh nghiệp mà Nhà nước có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên HĐQT, giám đốc, tổng giám đốc, hoặc Nhà nước có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung điều lệ thì đều coi là doanh nghiệp nhà nước.
Phương án này bao quát được các nội dung chi phối hay kiểm soát doanh nghiệp nhà nước, thậm chí có thể giải quyết được một số vướng mắc phát sinh sau cổ phần hóa. Tuy vậy, rất khó để xác định chính xác doanh nghiệp nào là doanh nghiệp nhà nước nếu như không áp dụng tiêu chí gắn với tỷ lệ cổ phần nhà nước.
Một số khái niệm doanh nghiệp nhà nước
Theo Luật Doanh nghiệp 2014: “Doanh nghiệp nhà nước là do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”.
Dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2014: “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận