24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Minh Đức Vip
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thế khó của phòng chống rửa tiền

Rửa tiền, nôm na là biến tiền bẩn thành tiền sạch. Người ta chỉ có nhu cầu rửa tiền khi mà không thể tiêu được tiền bẩn.

Ô hay, tiền nào mà chẳng là tiền. Làm sao phân biệt được đồng mua muối với đồng mua tương. Cầm một đồng tiền có được từ buôn ma tuý với một đồng tiền có được từ chia cổ tức chứng khoán đi mua rau, mua đất thì bà bán rau với ông chủ đất vẫn bán thôi, họ đâu có hỏi tiền đâu ra?

Người ta chỉ có nhu cầu rửa tiền khi tiền bẩn không tiêu được. Ở các nước phát triển, tiền bẩn không tiêu được vì hai lý do. Thứ nhất, nó sẽ khiến cơ quan chống tội phạm nghi ngờ và điều tra sâu hơn, lúc đó sẽ có nguy cơ tội phạm bại lộ. Thứ hai, kể cả không phát hiện ra tội phạm thì cơ quan thuế cũng sẽ truy thu thuế thu nhập cá nhân, họ cứ chặt khoảng 50% giá trị tài sản bất minh thì nhiều người cũng hãi.

Ở đây cần có một lưu ý phân biệt giữa tiền bẩn là tiền do phạm tội mà có, với tiền có được từ kinh tế phi chính thức. Nó chính là vụ biệt phủ tại Yên Bái, một quan chức có tài sản khủng, kiểm tra hồ sơ thấy ông ta kê khai thu nhập nộp thuế rất ít. Vậy có thể tiền đó do tham nhũng mà có, nhưng cũng có thể là do ông ta chạy xe ôm với buôn chổi đót thối cả móng tay mà có.

Ở Việt Nam, pháp luật không cho phép cơ quan thuế truy thu thuế thu nhập đối với tài sản bất minh. Ở Việt Nam, cơ quan phòng chống tội phạm nhiều lúc cũng không có nhu cầu đào bới kỹ hơn khi một người giàu lên bất thường. Vì thế, người dân Việt Nam cũng chẳng có nhu cầu phải rửa tiền, và cũng vì thế, pháp luật về phòng chống rửa tiền cũng không quá cần thiết hay bức thiết.

Thế nhưng Việt Nam vẫn phải làm Luật Phòng chống rửa tiền, chủ yếu là vì sức ép từ các nước phát triển. Các nước G7 lo ngại tình trạng các nền kinh tế mới nổi trở thành môi trường lý tưởng cho hoạt động rửa tiền, vì thế họ lập một đội đặc nhiệm chuyên đi soi các nước đang phát triển. Nếu đội này phát hiện ra một nước nào đó có thể chế pháp lý yếu kém, tạo môi trường tốt cho rửa tiền, họ sẽ liệt nước này vào danh sách đen, danh sách xám, tương ứng với đó là các biện pháp hạn chế hội nhập tài chính từ các nước phát triển.

Nhiều nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, dù dân chẳng có nhu cầu rửa tiền để mà Nhà nước phải chặn, cũng phải cố gắng xây dựng các quy định về phòng chống rửa tiền để đáp ứng yêu cầu của thế giới. Các quy định này, đương nhiên gây tốn kém cho nền kinh tế và có nguy cơ ngăn chặn nhầm, không chỉ ngăn tiền bẩn mà có thể nhầm với cả tiền không bẩn. Ví dụ như rất nhiều trường hợp người lao động Việt Nam ở nước ngoài gửi tiền kiều hối về. Họ không chọn các kênh chuyển tiền chính thức mà bảo người nhà ra Hà Trung nhận tiền nhằm tiết kiệm chi phí, chẳng nhẽ lại chặn? Mà chặn thì chặn thế nào được?

Với một quốc gia có nền kinh tế ngầm lớn như Việt Nam, làm chặt về rửa tiền thì tác động kinh tế là không hề nhỏ. Cả phía cơ quan nhà nước, hay các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán đều không mấy mặn mà.

Ở nước ngoài, nếu bạn đến một thành phố lạ mà quẹt thẻ thanh toán, có khả năng thẻ sẽ bị từ chối. Phía ngân hàng cho rằng đây là giao dịch đáng ngờ, có thể là bị trộm thẻ tín dụng. Hãy thử tưởng tượng một điều tương tự diễn ra ở Việt Nam, khi mà ngân hàng XYZ nào đó thường xuyên từ chối giao dịch vì đáng ngờ, chắc chắn ngân hàng đó sẽ mất khách.

Có khá nhiều người đang tư duy luật phòng chống rửa tiền sẽ có tác dụng chính thức hoá mảng kinh tế phi chính thức, bên cạnh mục tiêu chính là chống tội phạm. Điều này không sai, nhưng cần thận trọng. Chính thức hoá nền kinh tế là một vấn đề siêu khó, các giải pháp đưa ra luôn phải đánh đổi bằng những thiệt hại lớn. Như Ấn Độ mấy năm trước có chính sách demonetization nhằm giảm kinh tế phi chính thức nhưng cũng gây những đổ vỡ không hề nhỏ về tài sản và giao dịch đang diễn ra. Chính vì thế, dùng luật chống rửa tiền để chính thức hoá nền kinh tế có thể sẽ dẫn đến các chính sách bộp chộp.

Luật Phòng chống rửa tiền lần này dự định sẽ được trình và thông qua tại Quốc hội trong một kỳ họp. Làm ngắn như vậy thì có lẽ nên làm gọn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Nguyễn Minh Đức Vip

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả