menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đỗ Duy Thái

Thế khó của điện gió, thế kẹt của ngân hàng

Một nhà băng đã phải rao bán lần thứ 4 khoản nợ xấu của Công ty TNHH MTV Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN), tài sản đảm bảo bao gồm toàn bộ Nhà máy Phong điện 1 - Bình Thuận (nhà máy điện gió đầu tiên tại Việt Nam).

Đó là tình hình chung của nhiều doanh nghiệp (DN) trong tình cảnh đắp chiếu và kêu cứu lên các cơ quan chức năng. Báo ĐTTC đã có cuộc trao đổi với PGS.TS NGUYỄN HỮU HUÂN (ảnh), Đại học Kinh tế TPHCM xung quanh vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, khó khăn của DN và ngân hàng (NH) trong việc tham gia phát triển dự án điện gió tại Việt Nam có vẻ càng ngày càng chồng chất, ông nhìn nhận gì về thực trạng này?

PGS.TS NGUYỄN HỮU HUÂN: - Ngành điện gió hiện đang rất khó khăn, điều này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến rủi ro chính sách trong câu chuyện này khá lớn. Ban đầu, chính sách đã khuyến khích ngành điện gió, nhưng sau một thời gian điện gió phát triển quá nóng và vượt quá quy hoạch của ngành điện, của Bộ Công Thương, nên đã có sự thắt chặt lại. Cụ thể, Bộ Công Thương đưa ra những chính sách không khuyến khích như trước.

Do chính sách không nhất quán từ đầu đến cuối như vậy, nên DN đầu tư vào điện gió lâm vào khó khăn, và lỗi này không phải chỉ ở NH và DN. Chi phí của một trụ điện gió rất cao (khoảng 30 tỷ đồng), nên đòi hỏi thời gian hoàn vốn rất lâu. Các DN và NH trước đây tính toán thời gian 5 năm sẽ thu hồi vốn. Nhưng hiện tại với chính sách mới, họ phải mất đến 15 năm để có thể thu hồi vốn, thậm chí có trường hợp rất khó để thu hồi vốn.

Thế khó của điện gió, thế kẹt của ngân hàng

Một nguyên nhân khác là ban đầu các DN điện gió tính toán dự án dựa trên những thông số về lý thuyết. Thế nhưng điều kiện khí hậu, thời tiết, nguồn gió ở Việt Nam không ổn định. Nếu không có gió hoặc có quá ít gió, tuabin gió sẽ không hoạt động hiệu quả, nên có mùa thu hoạch điện được, có mùa lại không thu hoạch được. Điều này dẫn đến công suất thực tế không giống như trên lý thuyết, nguồn thu giảm.

Vì những ngành mới chưa ai làm, chưa có những kinh nghiệm đi trước để nhìn thấy chênh lệch giữa thực tế so với lý thuyết. Kết quả của câu chuyện này là lý thuyết tính ra lãi, triển khai thực tế lại lỗ. Và việc đã đẩy mạnh phát triển điện gió trong thời gian qua quá nhanh, cũng là lý do ảnh hưởng và đẩy những DN điện gió đang lâm vào tình trạng rất là khó khăn.

- Hiện đã có nhà máy điện gió ở Bình Thuận bị NH siết nợ, và NH đã rao bán khoản nợ đến lần thứ tư kèm theo hạ giá, vì ba lần rao bán trước không có người mua. Ông đánh giá như thế nào về rủi ro nợ xấu và khả năng các NH xử lý được nợ xấu trong lĩnh vực điện gió?

- Rủi ro nợ xấu của lĩnh vực này hiện nay rất lớn, nhưng bắt buộc các NH phải chấp nhận rủi ro vì đây là một ngành mới. Thực ra, các NH rất ngại triển khai tín dụng xanh, vì đều là những ngành mới. Với các ngành mới, nhân viên thẩm định của NH không đủ kinh nghiệm, cũng như không đủ kiến thức để thẩm định dự án đó có khả thi hay không. Điều đó cũng dễ dẫn đến nợ xấu.

Và đã có một thời gian các NH ồ ạt đổ vốn vào lĩnh vực điện gió. Nguyên do đến từ mục tiêu phát triển kinh tế xanh của Việt Nam, và NHNN cũng đặt mục tiêu tín dụng xanh phải chiếm khoảng 10% tổng dư nợ tín dụng. Vì vậy, các NH hưởng ứng phát động của Chính phủ, của NHNN về tăng trưởng tín dụng xanh để hỗ trợ phát triển kinh tế xanh.

Với hàng loạt khó khăn ngành điện gió đang đối mặt, NH cũng bị vạ lây. Việc xử lý nợ xấu của lĩnh vực này còn rất khó vì bây giờ Bộ Công Thương còn siết chặt lại những quy định về mua bán điện gió. Khó ai mạo hiểm mua lại các dự án này trong bối cảnh chính sách thay đổi, dẫn đến toàn bộ mô hình kinh doanh của DN thay đổi như hiện tại.

- Ngoài áp lực nợ vay thì sự gia tăng dư nợ trái phiếu cùng áp lực thanh toán nợ trái phiếu cũng đè nặng, phải chăng DN đầu tư điện gió gặp khó còn vì “tay không bắt giặc”?

- Trong những ngành đầu tư cơ sở hạ tầng, tỷ lệ vay nợ thường rất cao, lên đến 80-90%, thậm chí 100% nếu NH chấp nhận tài trợ. Vì chi phí vốn để xây dựng các dự án này rất lớn. Xây dựng một nhà máy điện gió cần hàng ngàn, hàng chục ngàn tỷ đồng. Giá trị rất cao và vốn tự có của DN không nhiều.

Mặt khác, đặc điểm của ngành này là tỷ suất sinh lời thấp, thời gian hoàn vốn lâu. Nếu DN bỏ vốn nhiều nhưng tỷ suất sinh lời thấp, họ cũng sẽ không đầu tư. Để tăng được tỷ suất sinh lợi, DN ngành này bắt buộc phải dùng đòn bẩy tài chính cao giống như DN bất động sản.

Riêng với điện gió, khi vay hoặc phát hành trái phiếu, chi phí sử dụng vốn cũng thấp hơn nhiều. Vì lãi suất đối với tín dụng xanh hay phát hành trái phiếu xanh luôn được ưu đãi, họ phải tận dụng để kinh doanh. Đa số người mua trái phiếu trong lĩnh vực này không phải là cá nhân mà là các quỹ, thậm chí là những quỹ đầu tư nước ngoài với mục đích đầu tư hỗ trợ hoạt động xanh hóa và phát triển bền vững.

- Xu hướng xanh hóa chỉ mới ở giai đoạn đầu. Vậy liệu NH có còn hứng thú về tương lai của lĩnh vực điện gió?

- Với chính sách hạn chế phát triển điện gió như hiện nay của Bộ Công Thương và của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tôi nghĩ NH sẽ không có hứng thú với lĩnh vực điện gió. Các khoản nợ xấu của điện gió cũng rất khó tháo gỡ, trừ khi xin được chính sách từ Bộ Công Thương, cụ thể là thay đổi chính sách về mua bán điện của lĩnh vực điện gió. Hoặc NH phải giảm giá trị của món nợ xấu, thí dụ giá trị món nợ xấu 1.000 tỷ đồng phải giảm xuống còn 500 tỷ đồng, khiến nó trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư thì họ mới quan tâm.

Trước đây, chúng ta đã có những chính sách khuyến khích về năng lượng tái tạo, hiện nay lại không có. Trong vấn đề này, cần phải xem lại bài toán kinh tế. Mục tiêu của Việt Nam là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero). Đó là xu hướng và là chỉ đạo của Chính phủ. Vấn đề đặt ra là các Bộ ban ngành có làm theo một cách đồng bộ hay không? Có nên hy sinh một phần về kinh tế để hỗ trợ cho việc chuyển đổi xanh hay không?

Thực tế, nếu chạy các nhà máy nhiệt điện thì giá rẻ hơn, vì chi phí sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch luôn thấp hơn so với năng lượng tái tạo. Nên vấn đề là chúng ta có muốn đánh đổi hay không? Nếu không muốn đánh đổi và vẫn phụ thuộc nhiều vào năng lượng hóa thạch, chắc chắn sẽ không đạt được mục tiêu Net Zero như dự kiến.

Hiện tại, những tập đoàn lớn chuyên về năng lượng tái tạo đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là trên bờ vực phá sản. Bây giờ có cứu hay không, có hỗ trợ họ hay không phụ thuộc vào chính sách. Đây là một ngành mới, nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ, lụi tàn cũng là điều đương nhiên.

- Xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả