Thế hệ Z đang dẫn dắt xu hướng tiêu dùng ở Trung Quốc
(TBKTSG Online) - Thế hệ Z (những người sinh từ giữa thập niên 1990 đến giữa thập niên 2000) ở Trung Quốc đang là lực lượng người tiêu dùng thúc đẩy mua sắm thông qua mạng xã hội, một xu hướng cũng bắt đầu xuất hiện ở một số nơi trên thế giới nhưng với tốc độ chậm hơn.
Mua sắm theo lời khuyên của người ảnh hưởng
Khi Milky Guan, một sinh viên ở Đại học Thượng Hải mua mỹ phẩm, cô không thấy hứng thú lắm với các cửa hàng sang trọng và các thương hiệu lớn. Thay vào đó, cô tìm đến một trang mạng xã hội mua sắm có tên gọi Xiaohongchu (Tiểu Hồng Thư) để tìm hiểu loại mỹ phẩm nào đang “hot”. Xiaohongchu là một công ty khởi nghiệp hoạt động vừa như một cổng thương mại điện tử vừa như một nền tảng xã hội. Guan đăng ký theo dõi một người ảnh hưởng có tên là Xiao Zhu Jie Jie, chuyên hướng dẫn các fan về cách trang điểm.
Trong một buổi livestream (phát sóng video trực tiếp) dạy làm đẹp của Jie gần đây, Guan đã đặt mua bốn loại mỹ phẩm chỉ trong vài phút bằng cách click vào những đường link bán hàng chạy trên video. Guan thích Jie vì cho rằng cô ấy đưa ra lời khuyên khách quan về lựa chọn mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc da khác sau khi đã thử dùng. Guan đôi khi truy cập vào gian hàng trực tuyến của Jie trên nền tảng Taobao, nơi bán phần lớn những mỹ phẩm ít tên tuổi, chứ không phải những thương hiệu lớn.
Guan nằm trong số hàng triệu người mua sắm sinh sau năm 1995, hay còn được gọi là thế hệ Z, những người đang tạo ra cuộc thay đổi mạnh mẽ trong ngành công nghiệp bán lẻ khổng lồ của Trung Quốc. Họ là những người sinh ra trong thời đại thiết bị di động và mạng xã hội không chỉ là nơi họ dành thời gian tiêu khiển mà còn là nơi họ tiêu tiền.
Đó là lý do khiến mọi đấu thủ từ Alibaba cho đến các công ty khởi nghiệp như iQiyi (phiên bản Netflix của Trung Quốc) và Bytedance (chủ sở hữu ứng dụng tạo video ngắn TikTok) chạy đua để thu hút túi tiền của thế hệ Z.
“Thế hệ trẻ rất đam mê và tò mò khám phá những điều mới mẻ. Họ đang dẫn dắt xu hướng nâng cấp tiêu dùng và họ là nhóm người tiêu dùng mà chúng tôi không thể phớt lờ”, Zhang Xiaobo, Tổng giám đốc bộ phận phim truyền hình ở iQiyi, nói.
Khi những khách thuê bao dịch vụ của iQiyi xem các loạt phim truyền hình hay các chương trình khác của iQiyi trên máy tính, các đường link sẽ xuất hiện ở cuối màn hình. Họ có thể click vào đây dể mua những bộ áo quần hay các sản phẩm mà người nổi tiếng đang sử dụng trong các bộ phim và chương trình.
Công nghệ mới mà iQiyi công bố hồi tháng 1-2019 cũng khuyến khích mua sắm trên smartphone trong khi đang xem tivi. Nếu thích những trang phục mà các diển viên đang mặc trong phim, họ có thể mua trực tiếp chúng từ smartphone. Họ sẽ sử dụng thiết bị điều khiển từ xa bấm tạm dừng phim để dùng điện thoại quét mã số QR của bộ trang phục, kết nối với cửa hàng trực tuyến của iQiyi và hoàn tất lệnh đặt mua.
Zhang Xiaobo cho biết thương mại điện tử chỉ chiếm một phần nhỏ doanh thu của iQiyi nhưng đang tăng trưởng nhanh khi giới trẻ Trung Quốc hào hứng mua sắm với các công nghệ mới.
Mua sắm trên mạng xã hội ở Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm 15% tổng doanh thu bán lẻ trực tuyến 413 tỉ đô la ở nước này vào năm 2022, tăng so với mức 8,5% trong năm 2017, theo hãng nghiên cứu thị trường Frost & Sullivan.
Các nền tảng mạng xã hội tích hợp tính năng TMĐT
Giới trẻ Trung Quốc dường như không quan tâm lắm đến việc các ngôi sao mạng xã hội hay còn gọi là người định hướng dư luận (Key Opinion Leaders – KOL) đang kiếm được lợi nhuận khủng từ họ. Các hệ hống thanh toán di động của Trung Quốc phát triển ở trình độ cao, giúp họ dễ dàng click và mua sắm bất cứ nào họ cảm thấy phấn chấn với một sản phẩm nào đó trên mạng xã hội.
Thế hệ Z của Trung Quốc chiếm 13% tổng mức chi tiêu các hộ gia đình của Trung Quốc, cao hơn nhiều nước phương Tây khác như Ý, Pháp, Đức, Anh, Mỹ. Ảnh: Bloomberg |
Những người tiêu dùng thế hệ Z của Trung Quốc, thường được cha mẹ, ông bà nuông chiều vì họ thường là con một, đang chiếm 13% tổng mức tiêu dùng hộ gia đình ở Trung Quốc so với con số 3% ở Mỹ, theo công ty tư vấn OC&C Strategy Consultants. Theo định nghĩa của OC&C Strategy Consultants, thế hệ Z là những người sinh từ năm 1998 đến 2006.
Nhiều người mua sắm thế hệ Z ở Trung Quốc vẫn mua sắm ở các kênh bán hàng trực tuyến truyền thống nhưng cũng họ có nhiều sự lựa chọn khác. Ứng dụng video ngắn Douyin (hay còn còn là TikTok ở bên ngoài Trung Quốc) của công ty Bytedance đã được 1 tỉ người trên toàn cầu tải về để sử dụng. Năm ngoái, Bytedance bắt đầu tích hợp các nền tảng mua sắm của Alibaba vào ứng dụng Douyin. Những nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng trên Douyin có thể sử dụng nền tảng này kêu gọi fan mua những sản phẩm mà họ đang bán trên nền tảng Taobao của Alibaba.
Đó là một sự hợp tác cùng có lợi: Alibaba có thêm khách và Douyin nhận được hoa hồng nếu có giao dịch diễn ra. Ngoài ra, Bytedance cũng cho phép các nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng thành lập gian hàng trực tuyến của riêng họ trên Douyin để bán sản phẩm.
Kỷ nguyên mua sắm mới dựa vào mạng xã hội ở Trung Quốc có thể là tương lai của ngành bán lẻ trên khắp thế giới.
Tại Mỹ, các nền tảng mạng xã hội như Instagram và Snapchat đã bắt đầu tích các tính năng thương mại điện tử trực tiếp trên các nền tảng này. Mua sắm qua mạng xa hội cũng đang tăng trưởng nhanh ở Mỹ nhưng mới chỉ chiếm một phần nhỏ doanh thu bán lẻ trực tuyến.
Theo ước tính Bộ Thương mại Mỹ, mạng xã hội đóng đóng 16,94 tỉ đô la giá trị mua sắm thương mại điện tử, tương đương 3% tổng doanh thu bán lẻ trực tuyến 513,61 tỉ đô la của Mỹ vào năm ngoái.
Dòng tiền mua sắm đổ vào các mạng xã hội dĩ nhiên là điềm báo xấu cho các thương hiệu và nhà bán lẻ. Elijah Whaley, Giám đốc kinh doanh và tiếp thị của nền tảng tiếp thị bằng người ảnh hưởng Parklu cho rằng thói quen mua sắm của thế hệ Z Trung Quốc có nguy cơ gây tổn thương cho các doanh nghiệp vì họ không thể tạo ra được sự chú ý và tin tin tưởng giống như các KOL. |
Theo Bloomberg
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận