Thế giới tiến sát một cuộc khủng hoảng tài chính mới?
Thị trường tài chính toàn cầu đầu tuần này đã chứng kiến làn sóng bán tháo nghiêm trọng khiến chứng khoán Mỹ có phiên lao dốc mạnh nhất 2 năm, còn chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản ghi nhận mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ sự kiện “Thứ Hai đen tối’ năm 1987.
Một số nhà phân tích nhận định rằng sự hoảng loạn trên thị trường đã bị thổi phồng quá mức và mọi thứ sẽ sớm ổn định.
Các ngân hàng trung ương lên tiếng trấn an
Theo đài Sputnik, thị trường chứng khoán toàn cầu đã chứng kiến đợt bán tháo dường như không gì có thể ngăn nổi vào ngày 5/8 do lo ngại Mỹ có thể đang trên bờ vực suy thoái. Trong đó, thị trường chứng khoán Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong 37 năm, thị trường châu Âu lao dốc, các chỉ số tài chính ở Trung Đông cũng không thoát khỏi sự suy giảm trong bối cảnh căng thẳng Iran - Israel leo thang.
Các nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu trên các thị trường sau khi báo cáo cho thấy thị trường lao động yếu hơn dự báo làm dấy lên nỗi lo về sự suy thoái kinh tế tại Mỹ. Theo báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 2/8 vừa qua, tăng trưởng việc làm tại Mỹ đã chậm lại đáng kể vào tháng 7, khi các nhà tuyển dụng chỉ tuyển 114.000 nhân viên mới, ít hơn nhiều so với dự kiến của các nhà kinh tế và ghi nhận mức thấp nhất kể từ năm 2020.
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,3% - mức cao nhất kể từ tháng 12/2021. Trước đó, hồi tháng 6, 179.000 việc làm đã được tạo ra và con số cho tháng 7 được dự báo là 175.000 việc làm.
Chứng khoán Mỹ chứng kiến phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2022 khi đóng cửa ngày 5/8. Ảnh: Getty
Tuy nhiên, những phản ứng đối với đợt bán tháo cổ phiếu hàng loạt trong phiên giao dịch đầu tuần cho thấy các quan chức ngân hàng trung ương trên thế giới dường như không quá lo ngại. Ngay trong cuộc họp chính sách vào ngày 7/8, Ngân hàng trung ương Australia quyết định vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất trong 12 năm và bác bỏ những đồn đoán về việc bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng tới.
Trong khi đó, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh San Francisco Mary Daly hôm 6/8 tuyên bố, lãi suất sẽ giảm trong "các quý tới" và nhận định biến động trên thị trường cổ phiếu chỉ kéo dài trong ngắn hạn. Bà Daly cũng cho rằng các quan chức cơ quan này sẽ làm mọi cách để đạt được mục tiêu ổn định giá cả, việc làm và Fed sẽ xem xét toàn bộ thông tin trước khi hành động. Trước đó, kết thúc cuộc họp chính sách hôm 31/7, Fed đã giữ nguyên lãi suất ở mức từ 5,25 - 5,5%, nhưng đã phát tín hiệu về đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên có thể diễn ra sớm nhất vào tháng 9.
Theo thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Olli Rehn, sự biến động gần đây trên thị trường chứng khoán toàn cầu là "phản ứng thái quá” của nhà đầu tư: "Tôi cho rằng nhà đầu tư đẩy mạnh bán tháo cổ phiếu trong phiên đầu tuần một phần cũng do lo ngại về bất ổn địa chính trị trên thế giới, chứ không hoàn toàn xuất phát từ các dữ liệu kinh tế yếu hơn dự kiến của nền kinh tế lớn nhất thế giới".
Trong bài phát biểu được Ngân hàng Phần Lan công bố ngày 7/8, ông Rehn nói rằng nền kinh tế Mỹ vẫn "tương đối mạnh" mặc dù số liệu việc làm trong tháng 7 không đạt kỳ vọng của thị trường.
Vị quan chức này cho rằng các ngân hàng trung ương trên thế giới không có xu hướng sẽ có phản ứng ngay lập tức trước những diễn biến tại thị trường các nước, đồng thời lưu ý thêm, ECB vẫn tiếp tục phân tích kỹ lưỡng số liệu kinh tế các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), giá cả và sự ổn định tài chính trước khi đưa ra quyết định về chính sách trong thời gian tới.
Những rủi ro với kinh tế thế giới
Theo giới phân tích, cơn hoảng loạn thị trường như thế này sẽ tạo ra những rủi ro khác nhau. Quan ngại lớn nhất là làn sóng bán tháo, nếu không sớm được kiểm soát, có thể làm tắc nghẽn bánh răng của hệ thống tài chính, làm chậm hoạt động cho vay và có nguy cơ đẩy nền kinh tế toàn cầu vào cuộc suy thoái.
Chuyên gia kinh tế người Thụy Sĩ, bà Claudio Grass, nhận định: “Chúng ta có thể chứng kiến xu hướng rõ ràng, cụ thể là rủi ro hệ thống trong hệ thống tài chính và tiền tệ hiện tại đang gia tăng và kịch bản khủng hoảng tài chính năm 2008 có thể lặp lại bất cứ lúc nào.Chúng ta đã chứng kiến sự suy giảm mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, đặc biệt là ở Mỹ và Đức trong 18 tháng qua”.
Ở góc độ khác, giáo sư kinh tế Fabrizio Carmignani tại Đại học Nam Queensland của Australia nói rằng mặc dù những biến động hiện tại không thể so sánh với các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trước đây, nhưng tình hình kinh tế toàn cầu nói chung đang suy yếu.
Bà Suranjali Tandon, trợ lý giáo sư tại Viện Chính sách và Tài chính Công Quốc gia Ấn Độ, cũng đồng tình với quan điểm trên. Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhận định, hiện vẫn còn quá sớm để kết luận liệu suy thoái có đang diễn ra hay không. “Mặc dù nguy cơ suy thoái kinh tế tại Mỹ có thể làm giảm nhu cầu đối với cổ phiếu, nhưng nó có thể không gây ra khủng hoảng, trừ khi có sự đảo ngược lớn trong cổ phiếu của các công ty dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI)” - bà Tandon nói với đài Sputnik.
Khi được hỏi liệu thế giới đang đối mặt với suy thoái toàn cầu hay không, ông Marc Ostwald - nhà kinh tế trưởng tại ADM Investor Services International, trả lời: “Chúng ta luôn đối mặt với rủi ro trong dài hạn, bao gồm căng thẳng thương mại, bất ổn địa chính trị tại Trung Đông và cuộc xung đột Nga - Ukraine. Nhưng hiện tại, nếu chỉ nhìn nhận thuần túy từ chu kỳ kinh tế ở Mỹ, thì không phải”.
Cũng có đánh giá lạc quan như trên, Tổng Giám đốc điều hành của Công ty Sovereign Wealth Management Gary Korolev cho rằng, cú lao dốc của thị trường chứng khoán đầu tuần này không phải là sự kiện “Thiên nga đen”, nhưng biến động có thể sẽ kéo dài đến hết tháng 8 này.
Trong bối cảnh thế giới có nguy cơ đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính mới, các chuyên gia quốc tế cũng đưa ra lời khuyên về cách đầu tư thông minh. Theo đài Sputnik, chuyên gia kim loại quý người Thụy Sĩ Claudio Grass gợi ý nhà đầu tư nên chuyển một số tài sản sang hàng hóa và kim loại quý, hiện chiếm 2 - 3% tài sản toàn cầu.
Mặc dù vàng luôn được coi là kênh đầu tư an toàn, song theo nhà kinh tế học Carmignani, mặt hàng kim loại quý không phải là khoản đầu tư dễ dàng tiếp cận với mọi người, đặc biệt là những người chỉ có những khoản tiết kiệm nhỏ.
“Nếu không thể mua vàng, hãy đầu tư dài hạn vào các công ty blue chip (những cổ phiếu của các công ty lớn, các công ty đầu ngành, ổn định và có uy tín cao trên thị trường). Thị trường cuối cùng sẽ phục hồi. Biến động sẽ tiếp tục diễn ra. Nhưng về lâu dài, thị trường chứng khoán nói chung vẫn có xu hướng tích cực” - giáo sư kinh tế Carmignani khẳng định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận