Thế giới thiếu 7 triệu tấn gạo, Việt Nam có thể xuất khẩu bao nhiêu?
Trong bối cảnh thế giới đang thiếu hụt 7 triệu tấn gạo, Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu như thế nào là vấn đề được dư luận quan tâm.
Khi thế giới thiếu nguồn cung thì gạo Việt Nam đứng trước cơ hội "vàng" để tăng xuất khẩu. Tuy vậy, vẫn cần phải nâng cao tích trữ, nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Vậy, ngành gạo Việt Nam có thể xuất khẩu được bao nhiêu trong năm 2024?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, thế giới đang có nhu cầu cao nhưng Việt Nam cũng không thể tăng diện tích gieo trồng lúa gạo mà chỉ gia tăng sản xuất, điều chỉnh mùa vụ để có sản lượng tốt, thu hoạch vào thời điểm mà thế giới khan hiếm, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm.
"Năm 2024, diện tích gieo trồng lúa của Việt Nam khoảng 7,1 triệu ha và sẽ đáp ứng xuất khẩu hơn 7,5 triệu tấn, nếu không có bất thường về thời tiết, thiên tai, dịch bệnh.
Hiện nay, chúng ta đang chủ động sản xuất theo nhu cầu thị trường và sẽ đáp ứng được lượng gạo mà thế giới cần. Do đó, ngành gạo Việt Nam sẵn sàng xuất khẩu cũng như đảm bảo an ninh lương thực trong nước”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, Cục Trồng trọt sẽ nắm thông tin thị trường, nhu cầu về lúa gạo trong nước và trên thế giới để điều chỉnh lịch mùa vụ nhằm đảm bảo nguồn cung gạo của Việt Nam tốt nhất, trong thời điểm nhu cầu của các nước trên thế giới tăng.
Cùng với đó là áp dụng các giải pháp để giảm thấp nhất chi phí sản xuất, thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Cục cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.
Năm 2024, Việt Nam có thể xuất khẩu hơn 7,5 triệu tấn, nếu không có bất thường về thời tiết, thiên tai, dịch bệnh. (Ảnh minh họa)
Trước đó, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, trong điều kiện bình thường, với mức sản lượng dự kiến, sau khi đã để tiêu dùng nội địa thì Việt Nam có thể xuất khẩu được khoảng 7,6 triệu tấn gạo trong năm nay.
Tuy vậy, Tổng Công ty lương thực Miền Bắc và Tổng Công ty lương thực Miền Nam, cùng các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, phải bảo đảm duy trì mức dự trữ và thu mua lương thực theo quy định của Nhà nước để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.
Cũng nói về mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu gạo nhưng không để rơi vào khủng hoảng thiếu lương thực trong nước, GS Võ Tòng Xuân cho rằng điều này không quá lo vì cơ quan quản lý đã nắm được lượng gạo mà nhu cầu trong nước cần sử dụng là bao nhiêu để yêu cầu tích trữ.
“Cùng với đó, chỉ trong 3,5 tháng là chúng ta lại bắt đầu một mùa thu hoạch mới, cho nên dù tăng cường xuất khẩu gạo nhưng cũng không lo bị thiếu", GS Võ Tòng Xuân nhận định.
Tuy lạc quan với tiềm năng xuất khẩu gạo của Việt Nam nhưng các chuyên gia nhấn mạnh ngành lúa gạo đang phải đối mặt nhiều thách thức như: Tình trạng xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2023 - 2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất lúa, gạo vụ hè - thu năm 2024.
Do đó, Việt Nam phải đảm bảo quy trình trồng lúa chất lượng, an toàn theo tiêu chuẩn đặt ra.
Ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, đơn vị sở hữu thương hiệu gạo sạch Trung An - nhận định: Tiềm năng, lợi thế của Việt Nam về sản xuất lúa gạo là rất lớn và chúng ta nên biết tận dụng cơ hội để tăng xuất khẩu.
Tuy vậy, ngành lúa gạo Việt Nam vẫn phát triển theo kiểu "mạnh ai nấy làm", thiếu sự liên kết với nhau dẫn đến sản lượng gạo xuất khẩu tuy nhiều nhưng giá thành không cao.
“Việt Nam muốn phát triển bền vững thì cần phải sắp xếp lại chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo; liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân để đôi bên cùng có lợi. Đồng thời phải chú trọng chất lượng để vừa đáp ứng thị trường xuất khẩu vừa nâng tầm thương hiệu và giá trị của gạo Việt, kể cả khi thị trường thế giới phong phú cũng như khi thiếu hụt”, ông Bình nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận