Thế giới lao đao trong “cơn khát” chip
Ngành sản xuất chip toàn cầu đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất dưới tác động của nhiều nguyên nhân, gây ảnh hưởng đến nhiều ngành sản xuất trọng yếu của thế giới.
Gặp khó đủ đường
Từ năm ngoái, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến chuỗi cung ứng chip. Trong giai đoạn đại dịch, nhu cầu tiêu dùng đã tăng đột biến ở một số ngành như thiết bị điện tử, gia dụng (là các ngành cần lượng lớn chip cho sản xuất) do ngày càng có nhiều người dành phần lớn thời gian ở nhà.
Tỉ phú Michael Dell, nhà đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc Dell, gần đây đã cho rằng tình trạng thiếu chip sẽ còn kéo dài trong vài năm nữa dù các nhà máy sản xuất chip được xây dựng trên khắp thế giới, theo Reuters. Tuy nhiên, nhiều người có hy vọng rằng nỗ lực khống chế đại dịch cũng như tăng cường sản xuất sẽ giúp “giải khát” cho ngành sản xuất chip toàn cầu
Trong khi đó, các đợt bùng phát dịch Covid-19 mới cũng như tỷ lệ tiêm chủng thấp ở châu Á đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng chip và vận chuyển toàn cầu. Đơn cử, đợt bùng phát tại cảng Diêm Điền thuộc thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) đã gây ra chậm trễ trong vận chuyển toàn cầu, trong khi sự lây nhiễm tại các điểm quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn ở Đài Loan và Malaysia đang làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu chip, theo tờ The Wall Street Journal.
Không những vậy, cuộc chính biến ở Myanmar hồi tháng 2 cũng làm gián đoạn xuất khẩu đất hiếm (cần thiết cho sản xuất chất bán dẫn) sang Trung Quốc, góp phần vào nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu cho việc sản xuất thiết bị công nghệ cao trên thế giới. Myanmar là nhà cung cấp đất hiếm quan trọng của Trung Quốc để dùng cho sản xuất trong nước hoặc xuất khẩu. Trung Quốc hiện nắm giữ 80% nguồn cung đất hiếm trên thế giới, trong đó 60% lượng đất hiếm được khai thác từ Myanmar.
Các mỏ đất hiếm của Myanmar phần lớn do các nhóm vũ trang kiểm soát. Vì vậy, nhiều người lo ngại thế giới sẽ rơi vào cảnh thiếu đất hiếm nếu bất ổn chính trị Myanmar còn kéo dài.
Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác cũng dẫn đến khan hiếm nguồn chip. Điển hình, Đài Loan, nhà cung cấp chip bán dẫn lớn của thế giới, đang hứng chịu trận hạn hán “tồi tệ nhất trong nhiều thập niên” nên nguồn nước bị hạn chế. Trong khi đó, quy trình sản xuất chip lại tiêu thụ một lượng nước rất lớn.
Tất cả các yếu tố trên đã gây tổn thương mạnh mẽ cho nguồn cung cấp chip toàn cầu.
Hậu quả lớn
Kết quả, ngành sản xuất ô tô là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nhu cầu về chip cho mọi thứ, từ bộ điều khiển động cơ đến hệ thống hỗ trợ người lái. Một số nhà sản xuất ô tô đang phải loại bỏ các tính năng cao cấp do thiếu chip, theo Bloomberg. Các công ty như Ford, Volkswagen và Jaguar Land Rover đã phải đóng cửa các nhà máy, sa thải công nhân và cắt giảm sản xuất xe.
Vào cuối tháng 3, Reuters đưa tin Ford thông báo sẽ tạm ngưng một số phân đoạn trong dây chuyền lắp ráp mẫu xe bán tải F-150 và mẫu xe Edge thuộc dòng SUV tại Bắc Mỹ do ảnh hưởng từ tình trạng thiếu chip toàn cầu. Hãng này dự kiến sẽ mất khoảng một nửa sản lượng trong quý 2/2021.
Cùng lý do trên, Hãng ô tô Nissan Motor của Nhật Bản hồi tháng 3 cho biết sẽ tạm ngừng sản xuất tại các nhà máy ở Tennessee, Mississippi (Mỹ) và Aguascalientes (Mexico), theo tờ Nikkei Asia.
Ngoài ra, tình trạng khan hiếm chip cũng nhanh chóng lan sang hàng loạt ngành khác như thiết bị điện tử, tiêu dùng hay giải trí. Giám đốc điều hành của một số ông lớn công nghệ như Cisco, Qualcomm và Micron đã bày tỏ lo ngại về cuộc khủng hoảng chip kéo dài.
Trong nguy có cơ
Tuy nhiên, tình hình hiện tại cũng có thể được xem là một cơ hội cho ngành sản xuất chip toàn cầu khi các quốc gia bị buộc phải tìm cách tăng sản lượng chip làm ra, chứ không chỉ còn lệ thuộc vào các nhà cung cấp truyền thống.
Vào tháng 3, Intel thông báo kế hoạch chi 20 tỉ USD cho hai nhà máy chip mới ở bang Arizona (Mỹ). Nhà sản xuất chip Đài Loan Taiwan Semiconductor Manufacturing Company cũng đang xây dựng nhà máy trị giá 12 tỉ USD ở Arizona. Ngoài ra, Samsung cũng đã bắt đầu xây dựng một dây chuyền sản xuất hiện đại mới tại nhà máy ở thành phố Pyeongtaek (Hàn Quốc), dự kiến hoàn thành vào nửa cuối 2022.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 2 đã đề xuất một dự luật cho phép chính phủ cung cấp khoản trợ cấp lên tới 54 tỉ USD cho các nhà sản xuất chip nhằm hỗ trợ sản xuất, nghiên cứu chất bán dẫn trong nước. Thêm vào đó, cơ quan điều hành Liên minh Châu Âu cũng cho biết họ muốn tăng cường năng lực sản xuất chip ở châu Âu trong nỗ lực trở nên tự chủ hơn ở những mảng công nghệ quan trọng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận