menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
TS. Trần Đức Anh Sơn Pro

Thế giới hôm nay: Ngày 01/04/2022

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn vào khu vực Donbas, miền đông nước ông. Trong bài phát biểu hàng đêm của mình, ông tỏ ra nghi ngờ về cam kết giảm quy mô hoạt động quân sự được Nga đưa ra trong các cuộc đàm phán tuần này.

“Chúng ta không tin bất cứ ai – chúng ta không tin bất kỳ lời nói hoa mỹ nào”, ông nói. Giới chức đã thông báo gửi 45 xe buýt đến sơ tán dân thường khỏi Mariupol. Trong khi đó một nhân vật cấp cao của Mỹ nói Nga tăng cường không kích ở một số thành phố.

* Tổng thống Nga Vladimir Putin đe dọa ngừng giao khí đốt tới hàng chục “quốc gia không thân thiện” từ thứ Sáu, trừ khi người mua thanh toán bằng đồng rúp. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói yêu cầu này chẳng khác nào “tống tiền” và tuyên bố sẽ không nhượng bộ. Riêng Mỹ thông báo sẽ giải phóng khoảng 180 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược trong vòng sáu tháng tới nhằm kìm giá năng lượng. Họ cho biết các nước khác “dự kiến cũng sẽ tham gia” kế hoạch. Ngoài ra, tổng thống Joe Biden đã kêu gọi Quốc hội phạt các công ty dầu mỏ có giếng dầu nhưng không sử dụng, trong nỗ lực thúc đẩy sản lượng trong nước.

* Trưởng đoàn đàm phán của Ukraine nói nước này sẽ mất ít nhất một năm để tổ chức trưng cầu dân ý về việc có trở thành quốc gia trung lập hay không. Sự trung lập của Ukraine là yêu cầu chính của Nga và nó đã được thảo luận tại đàm phán hòa bình ở Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm thứ Ba. Phái đoàn Ukraine cũng trình bày các điều kiện kết thúc chiến tranh của họ. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với Reuters rằng ông chưa thấy bước đột phá nào.

* Nga biên chế 134.500 lính nghĩa vụ vào quân đội của mình, nhưng cho biết họ sẽ không tham chiến ở Ukraine. Dù vậy đã có một số lính nghĩa vụ tham gia cuộc xâm lược. Trước đó, giới chức Mỹ và châu Âu cho biết Vladimir Putin đã được báo cáo thông tin sai lệch về thành tích kém cỏi của quân đội Nga ở Ukraine. Một phát ngôn viên của chính quyền Biden cho biết các cố vấn cấp cao của Tổng thống Nga “quá sợ hãi nên không dám nói sự thật cho ông ấy”.

* Đồng rúp Nga về lại tỉ giá trước chiến tranh bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây. Hiện đồng tiền này giao dịch ở mức 1 đô la ăn 76 rúp vào thứ Năm, cao hơn cả trước cuộc xâm lược. Được biết Nga đã đặt ra các biện pháp kiểm soát vốn và nâng lãi suất lên 20% nhằm chống đỡ cho đồng tiền.

* Một công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu chuyển phiên tòa xét xử vụ giết Jamal Khashoggi sang Ả Rập Saudi. Khashoggi, một nhà báo người Saudi, đã bị giết bên trong lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở Istanbul vào năm 2018, gây ra một chấn động ngoại giao. Trong những tháng gần đây Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm đến Ả Rập Saudi để được hỗ trợ kinh tế.

* Một tòa án Bắc Kinh đã hoãn phán quyết trong vụ xử Cheng Lei, một nhà báo người Úc bị Trung Quốc giam giữ suốt 19 tháng qua. Bà Cheng bị cáo buộc “tuồn bí mật nhà nước ra nước ngoài”. Đại sứ Úc bị từ chối tiếp cận phiên tòa, vốn được tổ chức kín.

* Chi tiêu tiêu dùng ở Mỹ chỉ tăng 0,2% trong tháng 2 so với tháng trước đó, giảm đáng kể từ mức 2,7% của tháng 1. Hiện chỉ số này cao hơn 6,4% so với tháng 2 năm ngoái.

* Hoạt động ngành dịch vụ và chế tạo của Trung Quốc giảm trong tháng 3. Kể từ tháng 2 năm 2020, đây là lần đầu tiên cả hai ngành cùng suy yếu.

* GoTo Group, một gã khổng lồ công nghệ của Indonesia, cho biết họ có kế hoạch huy động 1,1 tỷ USD từ IPO vào cuối tháng này. Công ty này là kết quả của cuộc hợp nhất giữa hai công ty khởi nghiệp lớn nhất Indonesia là Gojek và Tokopedia, với tổng định giá khoảng 28 tỷ USD.

* Con số trong ngày: 1.100, là số lợn biển chết ở Florida vào năm ngoái, cao nhất trong lịch sử.

TIÊU ĐIỂM

* Ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh Ukraine lên các nước đang phát triển

Khi Nga xâm lược Ukraine vào cuối tháng 2, giá các hàng hóa cơ bản quan trọng như lúa mì và dầu đồng loạt tăng vọt. Giá cao khiến các nền kinh tế mới nổi phải chao đảo.

Chi phí đắt đỏ gây áp lực lên tỷ lệ lạm phát (vốn đã cao) và làm các nền kinh tế chảy máu ngoại tệ mạnh. Điều này làm khó khăn thêm chồng chất cho các hộ gia đình và chính phủ vốn đã điêu đứng trong đại dịch. Người ta tính được rằng ảnh hưởng của cuộc chiến lên nguồn cung hàng hóa cơ bản toàn cầu có thể đẩy khoảng 40 triệu người trên thế giới vào cảnh nghèo cùng cực.

Hóa đơn lương thực leo thang làm lung lay niềm tin của nhà đầu tư vào Ai Cập, nước nhập khẩu tới 2/3 lượng lúa mì tiêu thụ, buộc nước này phải cầu viện IMF. Còn ở Sri Lanka, quân đội đã phải triển khai để đối phó với các cuộc bạo động vì xếp hàng mua nhiên liệu. Ngân hàng Thế giới ước tính hàng chục quốc gia có thể không trả được nợ trong vòng 12 tháng tới. Và ngay cả ở các nước có thể trả nợ, tăng trưởng sẽ chậm, lạm phát cao trong khi người dân không hài lòng.

* Phương Tây và Nga cùng ve vãn Ấn Độ

Ấn Độ tiếp tục quan ngại trước bạo lực ở Ukraine và giữ thái độ trung lập. Một loạt các cuộc đàm phán ngoại giao trong tuần này có thể thay đổi lập trường đó của họ. Vào thứ Năm, ngoại trưởng Anh Liz Truss đã đến thăm Delhi để nhấn mạnh “tầm quan trọng của hợp tác sâu sát giữa các nền dân chủ”. Một ngày trước đó, nhà ngoại giao cấp cao của Đức Jens Plötner cũng đến thăm và đưa ra một thông điệp tương tự. Còn Mỹ nói Ấn Độ nên “đứng về lề phải của lịch sử”.

Tuy nhiên, có thể Điện Kremlin mới là bên thuyết phục được nước này. Vào thứ Sáu, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ gặp Suahmanyam Jaishankar, người đồng cấp Ấn Độ. Họ sẽ thảo luận về cuộc chiến – cũng như cách Ấn Độ có thể tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây bằng cách mua dầu Nga bằng một cơ chế đồng rúp-rupee. Mỹ nói một thỏa thuận như vậy là “vô cùng đáng thất vọng”. Nhưng với việc Nga chấp nhận hạ giá dầu xuống mức 35 USD/thùng, phương Tây có thể sẽ không có nhiều tiếng nói.

* Trung Quốc và EU họp thượng đỉnh trong bối cảnh quan hệ khó khăn

Các nhà lãnh đạo của hai trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ họp online vào thứ Sáu. Trong khi Trung Quốc muốn nối lại một hiệp ước đầu tư đang đóng băng và ký các hiệp định hải quan, châu Âu lại muốn thảo luận về Ukraine.

Các nhà lãnh đạo EU hết sức tức giận khi Chủ tịch Tập Cận Bình không lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Thay vào đó, Trung Quốc ca ngợi “những nỗ lực ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn” của Nga ở Ukraine. EU dự kiến sẽ cảnh báo Trung Quốc không gửi vũ khí cho Nga hay giúp nước này né tránh trừng phạt.

Ukraine không phải là vấn đề duy nhất phủ bóng lên mối quan hệ hai bên. EU đã trừng phạt các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương; trong khi Trung Quốc trả đũa tương ứng đối với các nhà lập pháp và nhà ngoại giao EU. Hiện Trung Quốc đang siết chặt Litva bằng một cuộc tẩy chay thương mại, sau khi họ cho phép Đài Loan mở đại sứ quán. Hiệp định thương mại có lẽ chỉ là vấn đề thứ yếu vào lúc này.

* Giá năng lượng tăng mạnh ở Anh

Vào thứ Sáu, mức trần giá do chính phủ đặt ra đối với các công ty năng lượng sẽ tăng 54%. Điều này khiến hóa đơn năng lượng của 22 triệu trên 28 triệu hộ gia đình Anh tăng mạnh, đẩy nhiều người vào cảnh khó khăn. Tổ chức tư vấn Resolution Foundation ước tính 6,3 triệu gia đình ở Anh sẽ đối mặt “căng thẳng về nhiên liệu” khi phải chi hơn 10% ngân sách cho năng lượng, tăng từ khoảng 2 triệu hộ như hiện nay.

Mức trần tăng vì giá khí đốt tăng, vốn chiếm tới 40% sản lượng điện và sưởi ấm cho 85% nước Anh. Giá tăng vọt trong những tháng gần đây do nhu cầu từ Trung Quốc tăng trong khi nguồn cung từ Nga bị gián đoạn. Nếu giá vẫn cao, mức trần có thể sẽ lại phải tăng tiếp. Hiện Cơ quan quản lý năng lượng của Anh Ofgem đang yêu cầu điều chỉnh giới hạn giá thường xuyên hơn. Anh muốn phi carbon hóa sản xuất điện từ năm 2035, điều đòi hỏi các khoản đầu tư tốn kém vào cơ sở hạ tầng khí đốt. Chi trả cho các khoản này không ai khác chính là người tiêu dùng.

* Hồng Kông cho phép nhận một số chuyến bay

Vào thứ Sáu, Hồng Kông sẽ mở cửa lại cho các chuyến bay từ chín quốc gia, bao gồm Mỹ và Anh. Lệnh cấm này được áp dụng trong thời kỳ đại dịch như một biện pháp phòng ngừa theo chính sách “zero-covid” của Hồng Kông. Song đến tháng 2 và tháng 3, lệnh cấm không còn nhiều ý nghĩa nữa vì làn sóng omicron đã lan rộng khắp lãnh thổ. Thế nhưng lý do đằng sau việc mở cửa có thể không chỉ gói gọn trong vấn đề khoa học.

Hồng Kông đang bị chảy máu chất xám, với luật an ninh hà khắc khiến nhiều người chán nản. Và cư dân cảm thấy mệt mỏi khi trường học liên tục đóng cửa, cách ly kéo dài và việc trẻ em dương tính phải bị tách khỏi cha mẹ. Chỉ trong tháng 2 đã có gần 100.000 người rời đi.

Hiện một số biện pháp đang được nới lỏng, cho phép người Hồng Kông đi lại dễ dàng hơn. Nhưng việc nối lại các chuyến bay không đồng nghĩa lãnh thổ đã mở cửa lại hoàn toàn. Công dân nước ngoài vẫn bị cấm nhập cảnh trong khi cách ly tại khách sạn tiếp tục được thực hiện.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
TS. Trần Đức Anh Sơn Pro

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

19 Yêu thích
2 Bình luận 22 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại