Thế giới hôm nay: Nga tuyên chiến, rồi lại rút quân....
Ngoại trưởng Nga đã thúc giục tổng thống Vladimir Putin tiếp tục đàm phán với phương Tây về vấn đề Ukraine. Trong một cuộc họp trên truyền hình, Sergei Lavrov nói “luôn có cơ hội” về một giải pháp ngoại giao.
Trước đó Ukraine đã yêu cầu một cuộc họp với Nga xoay quanh việc hơn 100.000 quân Nga tập hợp ở biên giới hai nước. Cả Mỹ và Anh đều cảnh báo sắp có xâm lược, với thủ tướng Anh Boris Johnson vào hôm thứ Hai cho biết nó có thể xảy ra chỉ trong “48 giờ tới.” Trong khi đó, phải đến thứ Ba thủ tướng Đức Olaf Scholz mới đến Nga.
* Jio Platforms, một tập đoàn viễn thông khổng lồ của Ấn Độ, thông báo sẽ tung ra dịch vụ internet vệ tinh với sự hợp tác của hãng vệ tinh SES. Hiện thị trường này đang ngày càng chật chội: Airtel, một công ty viễn thông khác của Ấn Độ, hồi tháng trước cũng tuyên bố tham gia, trong khi Starlink của Elon Musk, hiện đang phục vụ khách hàng Mỹ và Anh, đang chờ giấy phép kinh doanh ở Ấn Độ.
* Quốc kỳ Mauritius đã được kéo lên trên hai hòn đảo Chagos, một quần đảo ở Ấn Độ Dương do Anh kiểm soát. Năm 1965, Anh tách quần đảo này khỏi thuộc địa Mauritius và trục xuất cư dân nơi này. Giờ đây Mauritius muốn đòi lại. Nhưng Anh nói chúng có vai trò quá quan trọng, đặc biệt khi người Mỹ có một căn cứ quân sự khổng lồ tại hòn đảo lớn nhất của quần đảo, Diego Garcia.
* Lockheed Martin, nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới tính theo doanh số, quyết định dừng thương vụ mua lại Aerojet Rocketdyne trị giá 4,4 tỷ đô la. Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ đã nỗ lực ngăn chặn thương vụ nhằm chống độc quyền. Aerojet là hãng lớn độc lập duy nhất trong ngành sản xuất động cơ tên lửa ở Mỹ.
* Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam cho biết làn sóng ca nhiễm covid-19 đang “tràn ngập” lãnh thổ. Dự kiến sẽ có hơn 1.500 ca mới chỉ trong ngày thứ Hai. Dù thi hành các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, chính phủ cho biết vẫn chưa xem xét phong tỏa hoàn toàn như đại lục - mặc dù về cơ bản chiến lược của họ chính là “zero-covid.” Càng phức tạp hơn khi không mấy người cao tuổi muốn tiêm chủng.
* Cửa khẩu biên giới giữa Windsor, Ontario, và Detroit, Michigan, đã mở cửa trở lại sau khi cảnh sát giải tỏa những người biểu tình đang phong tỏa cây cầu. Là cửa khẩu nhộn nhịp nhất Bắc Mỹ, song tuyến đường này bị tê liệt một tuần qua vì biểu tình kéo dài. Hiện biểu tình phản đối các chính sách xét nghiệm và cách ly covid-19 đang lan rộng ở một số thành phố Canada. Ngoài ra biểu tình tương tự cũng xuất hiện ở New Zealand.
* Con số trong ngày: 41.000, là số nữ tu hiện tại ở Mỹ, giảm từ con số 160.000 của năm mươi năm trước.
TIÊU ĐIỂM
* Tình hình kinh tế vĩ mô của Châu Âu
Vào thứ Ba, Liên minh Châu Âu sẽ công bố ước tính sơ bộ về việc làm và GDP quý tư của khu vực đồng euro cũng như của toàn EU. Qua số liệu sẽ có cái nhìn rõ hơn về quá trình phục hồi của khối. Trước đó nền kinh tế khối đã suy thoái 5,9% trong năm 2020, thời điểm đại dịch covid-19 xuất hiện.
Trong một dự báo được công bố vào thứ Năm tuần trước, EU cho rằng nền kinh tế của họ và của khu vực đồng euro sẽ tăng trưởng 4,0% trong năm nay và lần lượt 2,8% và 2,7% vào năm 2023. Dù vậy vẫn còn nhiều yếu tố không chắc chắn. Làn sóng Omicron, tắc nghẽn chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu lao động đều có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng. Giá năng lượng cao đẩy lạm phát lên mức kỷ lục 5,1% trong khu vực đồng euro vào tháng 1. Và đó là chưa kể rủi ro địa chính trị khổng lồ ngay trước mắt: một cuộc chiến ở Ukraine.
* ASEAN tiếp tục không mời Myanmar dự họp
Thông thường ASEAN chẳng cần mất nhiều công lập danh sách khách mời dự họp. Nhưng kể từ cuộc đảo chính Myanmar hồi năm ngoái, ASEAN đã hạn chế cho chính quyền quân sự dự họp. Vào tháng 10, chủ tịch ASEAN khi ấy là Brunei đã quyết định không mời các tướng Myanmar đến dự hội nghị thượng đỉnh. Song thủ tướng Campuchia Hun Sen, người nắm giữ ghế chủ tịch năm nay, dường như có ý kiến khác. Trong tháng 1, ông đã đến thăm lãnh đạo quân sự của Myanmar, trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên làm như vậy và cho biết chế độ quân sự được hoan nghênh tại các cuộc họp ASEAN. Dù thế, các quan chức Myanmar đã không được mời tham dự cuộc họp ngoại trưởng ASEAN vào thứ Ba này.
Ông Hun Sen muốn theo đuổi hình tượng nhân vật kiến tạo hòa bình và cho rằng ông có thể giành được nhượng bộ lớn từ chính phủ quân sự của Myanmar. Nhưng khi thấy không thể làm được, ông dường như sẽ quay lại lập trường trước đây của ASEAN. Một trong những người vui nhất chính là các nhà ngoại giao của ông, vì họ không muốn Campuchia đi ngược quan điểm chung.
* Ukraine được tăng cường tên lửa Stinger
Được Mỹ bảo trợ, các lực lượng Ukraine đang trang bị tên lửa phòng không Stinger từ Lithuania. Chuyến hàng đầu tiên đến từ Chủ nhật trước. Loại vũ khí này từng gây nhiều ký ức khó chịu ở Nga, nước đang đổ quân ồ ạt đến biên giới Ukraine. Cụ thể hồi năm 1986, vì muốn đánh bật Liên Xô khỏi Afghanistan, Mỹ đã cung cấp cho lực lượng kháng chiến mujahideen loại tên lửa tầm nhiệt “bắn và quên” này. Chỉ hai năm sau, với thiệt hại tổng cộng 269 máy bay, Liên Xô bắt đầu rút quân.
Nếu Nga tấn công vào hôm nay, tên lửa Stinger của Ukraine sẽ không là lá bài quyết định. Vũ khí Nga đã cải thiện nhiều và các máy bay ném bom Nga sẽ bay trên độ cao tấn công tối đa của Stinger, tức 3.500 mét. Tuy nhiên, tên lửa này khiến Nga khó điều quân bằng trực thăng hay dùng không quân bảo vệ lực lượng mặt đất. Điều này giúp Ukraine tận dụng tối đa số lượng tên lửa chống tăng dẫn đường do các đồng minh cung cấp.
* Triển vọng dài hạn ảm đạm của kinh tế Nhật
Khi dữ liệu kinh tế quý tư được công bố vào thứ Ba, Nhật Bản khả năng cao sẽ ghi nhận mức tăng trưởng GDP đáng kể. Tuy vậy quá trình phục hồi hậu đại dịch của Nhật có thể chỉ là tạm thời. Làn sóng omicron mới đang làm cho nền kinh tế lung lay. Nhưng đó không phải thách thức kinh tế duy nhất của Thủ tướng Kishida Fumio. Để bù đắp cho tình trạng già hoá dân số, đang thu hẹp của Nhật Bản, ông sẽ phải tìm cách tăng cung lao động cũng như năng suất.
Ông Kishida nhậm chức vào tháng 10 năm ngoái với một chương trình nghị sự táo bạo mang tên “Chủ nghĩa Tư bản Mới”. Nhưng mặc dù kế hoạch của ông khá dài - bao gồm tăng lương và giảm khí thải carbon - cả mục tiêu lẫn cách làm đều không đặc biệt mới. Những thay đổi lớn nhất là về cách dùng từ. Ông Kishida thường phản đối “chủ nghĩa tân tự do” và hiếm khi nói đến cải cách cơ cấu. Đó là một chiêu bài chính trị hiệu quả, nhưng khó giúp ích nhiều cho nền kinh tế.
* Nguồn tiếng Anh: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận