24HMONEY đã kiểm duyệt
15/05/2020
Thế giới hậu Covid-19: Góc nhìn từ Trung Quốc
Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến Trung Quốc, nơi xuất phát đầu tiên của virus SARS-CoV-2. Nước này đánh giá thế nào về thế giới hậu Covid-19?
Dịch bệnh Covid-19 đang gây ảnh hưởng sâu rộng và toàn diện đến thế giới, đồng thời đẩy nhanh những thay đổi lớn lao chưa từng có trong 100 năm qua của cục diện quốc tế. Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc, trong một tài liệu công bố gần đây, nêu 6 nhận định về thế giới hậu Covid-19.
Thứ nhất, đẩy nhanh việc tái định hình cục diện và tương quan lực lượng quốc tế; đa cực hóa bước vào giai đoạn mới. Hiện nay, 4 lực lượng lớn trên thế giới (Mỹ, Trung Quốc, Nga, EU) chịu ảnh hưởng của dịch bệnh ở những mức độ khác nhau. Sức mạnh cứng và sức mạnh mềm của Mỹ đều bị đe dọa, vị thế EU suy giảm, Nga cũng đang chịu áp lực rất lớn vì con số nhiễm mới tăng chóng mặt. Trong khi đó, sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc trở nên nổi bật. Sau dịch bệnh, Mỹ vẫn là siêu cường số 1 thế giới nhưng chịu tổn hại rất lớn. Khoảng cách chênh lệch giữa Trung - Mỹ với các lực lượng lớn khác được nới rộng thêm, đa cực hóa dần chuyển thành thế “Trung-Mỹ dẫn dắt”.
Thứ hai, toàn cầu hóa chuyển sang giai đoạn mới. Dịch bệnh khiến thái độ của các nước đối với toàn cầu hóa và mở cửa hội nhập quốc tế trở nên bảo thủ hơn; người dân phụ thuộc nhiều hơn vào chính phủ nước mình. Các nước hạn chế xuất nhập cảnh, đóng cửa biên giới; chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ, bài ngoại thừa dịp trỗi dậy, toàn cầu hóa bị đe dọa nghiêm trọng.
Thứ ba, trật tự quốc tế bị xáo trộn, gây áp lực lên chủ nghĩa đa phương và quản trị toàn cầu. Năm nay là tròn 75 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II và thành lập Liên hợp quốc. Trật tự quốc tế được hình thành từ sau Chiến tranh thế giới thứ II đang bị lung lay khi các nước đều có xu hướng đóng cửa, Mỹ tìm mọi cách bôi nhọ và chỉ trích Trung Quốc, ngừng viện trợ cho WHO.
Thứ tư, cục diện an ninh quốc tế thay đổi, an ninh phi truyền thống “lấn át” an ninh truyền thống. Kẻ thù “tàng hình” Covid-19 càn quét khắp thế giới, khiến nhân tố phi quốc gia và mối đe dọa an ninh phi truyền thống trở nên nổi cộm. Siêu cường Mỹ bị tổn hại nặng nề. Thách thức của an ninh phi truyền thống còn lan sang cả các lĩnh vực an ninh truyền thống. Suy thoái kinh tế do dịch bệnh gây ra còn dẫn đến sự rối ren của xã hội và xung đột trong khu vực. Bên cạnh đó, các thách thức an ninh phi truyền thống đa phần thuộc về thách thức mang tính toàn cầu, cần cộng đồng quốc tế cùng ứng phó, vì vậy cũng có lợi cho việc tăng cường hợp tác quốc tế.
Thứ năm, quan hệ nước lớn và phân hóa giữa các bên được tái lập. Mỹ coi nhẹ những thay đổi của cục diện an ninh quốc tế, bảo thủ với lối tư duy “kẻ thắng người thua” (zero sum), không ngừng tăng cường “cạnh tranh nước lớn”, ra sức “bao vây” Trung Quốc. Quan hệ Mỹ-Trung Quốc thời kỳ Covid -19 trở nên căng thẳng bởi những mâu thuẫn gay gắt; Mỹ và EU “đồng sàng dị mộng”. Trong khi đó, quan hệ Trung - Nga, Trung Quốc - EU, Trung - Nhật lại được tăng cường với những mức độ khác nhau nhờ hợp tác chống dịch.
Thứ sáu, dịch bệnh không chỉ chứng minh cho những thay đổi lớn lao chưa từng có trong 100 năm qua của cục diện quốc tế mà còn thúc đẩy những thay đổi này diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn. Dịch bệnh đã gây ra những thay đổi khó lường, bất định, bất ngờ; khiến hiện tượng “tê giác xám” và “thiên nga đen” xảy ra tràn lan trên khắp thế giới, những thách thức an ninh phi truyền thống như y tế cộng đồng và an ninh sinh học liên tục xuất hiện, trở tay không kịp.
Năm 2020 cũng là năm Trung Quốc hoàn thành mục tiêu “100 năm lần thứ nhất”, xây dựng toàn diện xã hội khá giả. Dịch bệnh làm cho thế giới, nhất là phương Tây, hoài nghi nhiều hơn về Trung Quốc. Môi trường bên ngoài của Trung Quốc phức tạp hơn, xử lý thỏa đáng quan hệ giữa Trung Quốc với các nước trở nên khó khăn hơn.
Do vậy, Trung Quốc cần tiếp tục nhận định, đánh giá chính xác về tác động chiến lược mà dịch bệnh Covid-19 gây ra cho cục diện quốc tế; kiên trì đi lên trong ổn định, tranh thủ mặt thuận, hóa giải thách thức, tính toán tổng thể nhân tố bên trong và bên ngoài, thúc đẩy thực hiện hai mục tiêu chiến lược “100 năm” song song việc chiến thắng triệt để dịch bệnh và ứng phó hiệu quả với thay đổi lớn của cục diện quốc tế.
Bình luận