Thế giới Di động đơn phương giảm tiền thuê mặt bằng, chủ nhà kiện được không?
Nhiều chủ nhà bức xúc khi Thế giới Di động (TGDĐ) tự ý giảm 70 - 100% tiền thuê mặt bằng, tự chuyển tiền vào tài khoản của người cho thuê khi chưa thống nhất thỏa thuận giữa hai bên.
"Tôi biết đại dịch COVID-19 diễn ra làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp, tuy nhiên không phải vì vậy mà TGDĐ muốn tự giảm giá kiểu gì thì giảm mà không quan tâm đến ý kiến người cho thuê nhà" - ông T.K.M. (chủ mặt bằng, Bình Định) bức xúc.
Bắt chẹt chủ nhà
Ông T.K.M. tỏ ra bức xúc như trên sau khi tài khoản ngân hàng báo TGDĐ trả tiền thuê nhà quý trước xấp xỉ 24,1 triệu đồng thay vì 75 triệu đồng như trong hợp đồng. Điều này đồng nghĩa việc TGDĐ đã đơn phương giảm 70% tiền thuê mặt bằng của ba tháng dù chưa được chủ nhà đồng ý.
"Họ là bên đi thuê nhưng tự biên tự diễn, tự làm bảng giá, tự chuyển tiền vào tài khoản của người cho thuê khi chưa thống nhất thỏa thuận giữa hai bên. Tôi không thích thái độ và cách làm việc như vậy, không tôn trọng người cho thuê" - ông T.K.M. nói thêm.
Trước đó vào ngày 2-8, TGDĐ có "Công văn gửi quý đối tác mặt bằng", thông báo sẽ không thanh toán 100% tiền thuê mặt bằng (trong thời gian cửa hàng phải đóng cửa hoàn toàn, không kinh doanh theo yêu cầu bắt buộc của cơ quan nhà nước), không thanh toán 70% tiền thuê mặt bằng (trong thời gian cửa hàng bị hạn chế bán hàng để phối hợp phòng chống dịch). Thời gian áp dụng từ 1-1-2021 đến 1-8-2021.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TGDĐ cũng xác nhận có văn bản trên và không bình luận thêm. Theo tìm hiểu, vị trí mặt bằng cửa hàng TGDĐ nằm trên đường Trần Phú, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định có diện tích hơn 200m2, bao gồm gần 48m2 do ông T.K.M. cho thuê từ tháng 1-2020, số diện tích còn lại thuộc về nhà ông T.Q.C. đã cho thuê từ năm 2014.
Ông T.K.M. cũng cho biết thêm nếu TGDĐ vẫn tiếp tục không tôn trọng và tuân thủ các điều khoản đã ký trong hợp đồng vào ngày 16-1-2020 thì ông sẽ chuyển hồ sơ khởi kiện lên TAND có thẩm quyền giải quyết.
Tại công văn gửi các đối tác cho thuê mặt bằng ngày 2-8, TGDĐ cũng đề nghị: "Tiền thuê đã thanh toán sẽ cấn trừ vào các kỳ thanh toán tiếp theo, cũng như sẽ áp dụng cho đến hết hạn hợp đồng thuê nếu xảy ra các trường hợp bất khả kháng buộc cửa hàng phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng".
Và với quy định này, gia đình bà B.L. (chủ một mặt bằng hơn 580m2 tại quận 12, TP.HCM) không khỏi bức xúc vì bỗng trở thành "con nợ": "Bên đó thông báo không trả tiền cho thuê trong những ngày đóng cửa, giảm giá thuê những ngày giãn cách nên số tiền đã thanh toán lúc trước bị dư, tính ra gia đình mình đang "thiếu ngược lại" họ hơn 136 triệu đồng".
Cụ thể, theo hợp đồng, hiện mỗi tháng nhà bà B.L. sẽ nhận được 88 triệu đồng tiền thuê mặt bằng. Vào kỳ thanh toán tháng 6 và 7-2021, gia đình bà B.L. đã nhận được tổng cộng 176 triệu cho hai tháng.
Tuy nhiên, sau đó TGDĐ lại gửi thông báo do bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nên bên cho thuê phải giảm trừ cho TGDĐ số tiền hơn 136,39 triệu đồng. Có nghĩa bên cho thuê chỉ nhận xấp xỉ 39,61 triệu đồng cho cả hai tháng 6 và 7-2021. Số tiền còn lại là 136,39 triệu đồng "dôi ra" có khả năng bị cấn trừ vào các kỳ thanh toán tiếp theo cho bên thuê.
Chủ nhà có thể khởi kiện ra tòa
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng dựa theo các quy định trong Bộ luật dân sự năm 2015 và các văn bản pháp luật liên quan thì dịch bệnh được xem là bất khả kháng, các bên sẽ được miễn trừ trách nhiệm khi sự kiện bất khả kháng xảy ra như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh...
Nếu các bên có thỏa thuận trong hợp đồng về một trong các bên được miễn trừ trách nhiệm hay hoãn, lùi thực hiện hợp đồng hoặc được giảm tiền thuê khi có sự kiện bất khả kháng thì các bên sẽ chiếu theo hợp đồng để thực hiện.
Hiện nay dịch bệnh bùng phát mạnh, nhiều công ty, bên thuê mặt bằng không kinh doanh, không doanh thu nên giữa bên thuê và bên cho thuê cần ngồi lại thương lượng. Bên cho thuê cũng cần thấy hoàn cảnh dịch bệnh, chỉ thị của Thủ tướng, TP, xã hội bị giãn cách để xem xét giảm tiền thuê cho bên thuê... Đó là sự chia sẻ khó khăn cùng vượt qua.
Tuy nhiên, theo luật sư Hùng, việc bên thuê đơn phương gửi văn bản định sẵn số tiền giảm và mặc định chuyển khoản số tiền cho bên cho thuê thì đó chỉ là ý kiến đơn phương của bên thuê. Bên cho thuê không đồng ý thì có thể phản hồi lại bằng văn bản không đồng ý. Và khi có tranh chấp về hợp đồng thuê nhà thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp là tòa án.
Do vậy, một bên đơn phương gửi văn bản đưa ra các yêu cầu mà bên còn lại không đồng ý thì về pháp lý bên cho thuê vẫn không chịu trách nhiệm. Pháp luật không bắt buộc hay quy định bên cho thuê phải miễn, giảm bao nhiêu mà vấn đề này do các ghi nhận trong hợp đồng hoặc tự thỏa thuận. Không thỏa thuận được thì một trong các bên có thể khởi kiện ra tòa án.
6 tháng đầu năm, TGDĐ lãi sau thuế hơn 2.550 tỉ đồng
Theo báo cáo tài chính, lũy kế nửa đầu năm 2021, TGDĐ ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất hơn 62.480 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 2.550 tỉ đồng, lần lượt tăng 12% và 26% so với cùng kỳ, hoàn thành 50% kế hoạch doanh thu và 54% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận