Thế giới chạy đua nghiên cứu thuốc điều trị COVID-19
Thuốc điều trị COVID-19 được đánh giá là sự bổ sung quan trọng để hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 tự cách ly tại nhà hoặc điều trị tại bệnh viện.
Nhật Bản đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới phê chuẩn đầy đủ thuốc Ronapreve để điều trị COVID-19.
Bên cạnh vaccine, hiện các nước trên thế giới cũng đang nỗ lực, chạy đua để phát triển các loại thuốc đặc trị COVID-19.
Thuốc điều trị COVID-19 được đánh giá là sự bổ sung quan trọng để hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 tự cách ly tại nhà hoặc điều trị tại bệnh viện.
Những tín hiệu tích cực trong điều trị bệnh nhân COVID-19
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã xuất hiện gần 2 năm và hiện vẫn diễn biến phức tạp, khó lường với những biến thể mới phát sinh, các chuyên gia quốc tế đều đồng thuận trong nhận định rằng, để chung sống bình thường với COVID-19 cần đảm bảo 3 yếu tố: xét nghiệm nhanh, chính xác; đảm bảo tỷ lệ cần thiết người dân được tiêm vaccine, nhưng cũng cần phát triển nhanh thuốc trị bệnh.
Theo các chuyên gia dịch tễ học khắp thế giới cho rằng, SARS-CoV-2 và các biến chủng của loại virus này sẽ không biến mất hoàn toàn mà tồn tại giống như cúm mùa.
Vì thế, việc phát triển các loại thuốc uống chữa COVID-19 tại nhà, giảm thiểu khả năng nhập viện cho người bệnh là rất cần thiết.
Dù hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị hiệu quả cho bệnh COVID-19 song nhiều quốc gia đã phê chuẩn thuốc kháng virus và một số loại kháng thể khác để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Tại Mỹ, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã thông qua sử dụng thuốc Remdesivir để điều trị bệnh nhân COVID-19 từ 12 tuổi trở lên và nặng tối thiểu 40 kg.
Liên minh châu Âu cũng cấp phép lưu hành một cách có điều kiện Remdesivir để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 cần trợ thở.
Favipiravir cũng là loại thuốc có cơ chế tương tự như Remdesivir. Từ năm 2020, Trung Quốc là nước đầu tiên cấp phép sử dụng Favipiravir để điều trị COVID-19, sau đó các nước như Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Italy… cũng có quyết định tương tự.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong tháng 7 cũng đã đưa ra khuyến nghị sử dụng thuốc trị viêm khớp Actemra của hãng dược phẩm Roche (Thụy Sĩ) và thuốc Kevzara của hãng dược Sanofi (Pháp) cho bệnh nhân COVID-19 thể nặng.
Mới nhất, Nhật Bản ngày 20/7 đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn thuốc kháng thể Ronapreve để điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ tới trung bình.
Ronapreve là thuốc điều trị COVID-19 do hãng dược Thụy Sĩ Roche và công ty công nghệ sinh học Mỹ Regeneron hợp tác phát triển.
Việc phê chuẩn của Nhật Bản được đưa ra dựa trên kết quả thử nghiệm giai đoạn ba, trong đó hỗn hợp kháng thể (gồm bộ đôi kháng thể đơn dòng Casirivimab và Imdevimab) giúp giảm đáng kể khả năng các bệnh nhân COVID-19 nhẹ tới trung bình diễn biến nặng đến mức phải nhập viện hoặc tử vong.
Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Norihisa Tamura nhận định "Đây là một bước tiến lớn. Loại thuốc điều trị này sẽ chủ yếu được sử dụng cho các bệnh nhân phải nhập viện, những người có nguy cơ mắc các triệu chứng nghiêm trọng".
Giám đốc phát triển sản phẩm của hãng dược Roche, ông Levi Garraway, khẳng định, Ronapreve đã được chứng minh có thể tăng tỷ lệ sống sót ở những người có nguy cơ cao, giảm nguy cơ nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân mắc COVID-19 không nhập viện.
Thuốc Ronaperve có thể duy trì hoạt động chống lại các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, trong đó có biến thể Delta. Điều này đã được chứng minh trong các thử nghiệm tiền lâm sàng.
Theo Roche, thử nghiệm giai đoạn 3 thuốc Ronapreve cho thấy, tỷ lệ phải nhập viện và tử vong ở các bệnh nhân được điều trị bằng thuốc này giảm tới 70%.
Bên cạnh đó, thuốc còn có thể rút ngắn thời gian biểu hiện triệu chứng bệnh xuống còn 4 ngày.
Các thử nghiệm giai đoạn 1 đã cho thấy sự an toàn và khả năng dung nạp thuốc của người dân Nhật Bản.
Hiện thuốc Ronapreve đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp hoặc tạm thời trong đại dịch ở một số quốc gia và khu vực, trong đó có Liên minh châu Âu, Mỹ, Ấn Độ, Thụy Sĩ và Canada.
Trước đó, loại thuốc điều trị này đã từng được cựu Tổng thống Trump sử dụng khi ông mắc COVID-19 vào năm ngoái.
Đây cũng là thuốc được Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ thông qua để sử dụng khẩn cấp vào tháng 11/2020.
Một loại thuốc đặc trị COVID-19 khá tiềm năng khác là Molnupiravi, do các chuyên gia của hãng dược phẩm Merck (Mỹ) và công ty Ridgeback Biotherapeutics (Rigibel, Đức).
Thuốc Molnupiravir đã hoàn tất 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, đạt hiệu quả 100% đối với tất cả bệnh nhân COVID-19.
Sau 5 ngày, tải lượng virus của các bệnh nhân này xuống thấp đến ngưỡng không lây lan.
Hiện nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với 1.850 bệnh nhân trên toàn cầu sử dụng thuốc Molnupiravir sắp hoàn tất và dự kiến kết quả sẽ được công bố vào mùa thu tới.
Nếu thành công, Merck sẽ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp và đưa ra thị trường loại thuốc này trong 4-5 tháng tới.
Molnupiravir được nghiên cứu dựa trên thuốc gốc chống lại virus cúm, có tác dụng ức chế sự sao chép của các virus RNA, trong đó có SARS-CoV-2, khiến virus không nhân lên và bị đào thải rất nhanh, giúp bệnh nhân khỏi bệnh. Đặc biệt, thuốc có rất ít tác dụng phụ.
Đây là loại thuốc dễ dàng được sử dụng qua đường uống, dùng điều trị giai đoạn đầu của bệnh. Liệu trình thử nghiệm hiện tại là hai liều mỗi ngày và sử dụng trong vòng 5 ngày.
Nếu việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 thành công, việc điều trị virus SARS-CoV-2 trong tương lai sẽ tương tự như việc điều trị các loại cúm khác.
Hiện, Mỹ đã chi khoảng 1,2 tỷ USD để mua 1,7 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.
Hàn Quốc cũng đã công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên toàn cầu với loại thuốc điều trị COVID-19 bằng kháng thể có tên Rekirona do hãng dược Celltrion của Hàn Quốc bào chế.
Rekirona là một kháng thể đơn dòng có hoạt tính chống COVID-19, tức là một loại protein được sản sinh để xâm nhập một tế bào cụ thể. Kết quả thử nghiệm cho thấy thuốc Rekirona giúp giảm 54% nguy cơ bệnh trở nặng so với những bệnh nhân không được sử dụng thuốc.
Hồi tháng 2/2021, Cơ quan An toàn dược phẩm Hàn Quốc đã cấp phép cho Rekirona trở thành thuốc điều trị COVID-19 đầu tiên được sản xuất tại Hàn Quốc.
Cuối tháng 6 vừa qua, các nhà khoa học tại Viện Hóa học Việt Nam cũng đã công bố tổng hợp thành công một thuốc kháng virus mới Favipiravir với cơ chế hoạt động tương tự như thuốc Remdesivir.
Mặc dù đây mới là các kết quả ban đầu trong phòng thí nghiệm, nhưng được xem là tín hiệu đáng mừng mà các nhà khoa học Việt Nam mang lại.
Niềm hy vọng đan xen thách thức
Đến nay, các nhà khoa học vẫn khẳng định song song với việc phòng dịch với các biện pháp tiêm chủng vaccine và "5K" (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) là cách tốt nhất để phòng dịch, thì điều chế các loại thuốc điều trị COVID-19 cũng là vấn đề các nước cần quan tâm thúc đẩy.
Bởi lẽ, với số lượng ca mắc COVID-19 vẫn không ngừng tăng lên, và việc xuất hiện các trường hợp tiêm vaccine xong vẫn bị mắc COVID-19, thì việc tìm ra được một loại thuốc giúp điều trị hiệu quả căn bệnh này là giải pháp bền vững.
Tuy nhiên, các nghiên cứu thuốc điều trị COVID-19 hiện vẫn còn nhiều thách thức, vì không phải loại thuốc nào cũng có tín hiệu tích cực.
Chẳng hạn như AstraZeneca vào giữa tháng 6/2021 đã thừa nhận loại thuốc có tên AZD7442 của hãng bào chế chỉ cho hiệu quả điều trị khoảng 33% trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối trước khi cấp phép.
Loại thuốc này ban đầu được kỳ vọng sẽ giúp ngăn chặn các triệu chứng bệnh nghiêm trọng trong vòng 8 ngày sau khi phơi nhiễm. Nhưng AstraZeneca đã thừa nhận kết quả này không đáp ứng mục tiêu.
Trái ngược với cuộc đua điều chế vaccine khi đã có những đơn vị về đích, thì đến nay, cuộc đua sản xuất thuốc trị COVID-19 vẫn còn bỏ ngỏ.
Nguyên nhân của sự khác biệt này là vì thuốc và vaccine có cơ chế hoạt động khác nhau. Với vaccine, nó chỉ cần kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Trong khi đó, thuốc kháng virus hiệu quả phải ngăn chặn virus lây lan khắp cơ thể, đồng thời đủ chọn lọc để tránh can thiệp vào các tế bào khỏe mạnh.
Theo các nhà khoa học, có hai quá trình chính được cho là nguyên nhân dẫn đến cơ chế sinh bệnh của COVID-19. Giai đoạn đầu của bệnh chủ yếu là sự nhân lên của virus SARS-CoV-2.
Sau đó, diễn tiến bệnh COVID-19 dường như được thúc đẩy bởi các phản ứng miễn dịch và phản ứng viêm của cơ thể đối với virus dẫn đến các tổn thương mô.
Dựa trên sự hiểu biết này, các nhà khoa học cho rằng các liệu pháp trúng đích trực tiếp vào virus SARS-CoV-2 sẽ có hiệu quả cao nhất trong giai đoạn đầu của bệnh.
Trong khi các liệu pháp miễn dịch hay kháng viêm có thể có lợi hơn trong giai đoạn sau của bệnh COVID-19.
Do đó, các nhà khoa học hy vọng rằng các loại thuốc kháng virus được thiết kế nhắm đến ngăn chặn sự sinh sản nhân lên của virus, qua đó có thể làm giảm số ca nhập viện và tử vong do COVID-19.
Tuy nhiên có một khó khăn trong quá trình điều chế thuốc là virus SARS-CoV-2 biến đổi liên tục khiến việc tìm ra một loại thuốc hiệu quả là thách thức lớn.
Các đột biến có thể tạo ra nhiều biến thể mới (chẳng hạn biến thể Alpha và Delta) có khả năng kháng thuốc.
Do vậy, việc phát triển các thuốc kháng virus hiệu quả cần nhắm vào các "mục tiêu bảo tồn" - chính là những thành phần của virus SARS-CoV-2 - hiếm khi thay đổi ngay cả nó biến đổi. Đó là một quy trình phức tạp và vô cùng tốn kém.
Ngoài ra, quá trình thử nghiệm thuốc cũng gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm tình nguyện viên tham gia thử nghiệm.
Họ cần tìm được những người mới nhiễm bệnh để chứng minh rằng một loại thuốc có tác động đáng kể đến sức khỏe bệnh nhân, thế nhưng thường thì người bị nhiễm virus chỉ phát triển các triệu chứng nhẹ, khó xác định.
Thêm vào đó, một số quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao không phải là nơi lý tưởng để thử nghiệm thuốc. Các chuyên gia cho biết, thử nghiệm phải được thực hiện ở các quốc gia nơi COVID-19 vẫn đang gia tăng.
Nhưng dù còn khó khăn và thách thức, việc phát triển một loại thuốc điều trị COVID-19 vẫn là sứ mệnh mà các nhà khoa học phải thực hiện để sớm đẩy lùi đại dịch./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận