Nhận OTP
24HMONEY đã kiểm duyệt
Thế giới 24h: Thủ tướng Ý Mario Draghi nộp đơn từ chức, Chính phủ Ý nguy cơ sụp đổ
Thủ tướng Ý, ông Mario Draghi tối 14/7 đã nộp đơn từ chức lên Tổng thống Ý với lý do không còn nhận được sự ủng hộ của đảng “Phong trào 5 sao”, làm dấy lên lo ngại chính trường Ý rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới.
Trong tối 14/7, ngay sau khi nhận được đơn từ chức của Thủ tướng Mario Draghi, Tổng thống Ý Sergio Mattarella đã bác bỏ đơn này và yêu cầu ông Mario Draghi phát biểu trước Nghị viện Ý vào tuần sau nhằm đánh giá tình hình và tháo gỡ các mâu thuẫn. Trong lá đơn từ chức gửi đến Tổng thống Ý, Thủ tướng Ý Mario Draghi cho biết ông không thể tiếp tục dẫn dắt chính phủ liên minh do chính phủ hiện nay đã không còn đủ các điều kiện để hoạt động hiệu quả sau khi đảng liên minh trong chính phủ là đảng “Phong trào 5 sao” (M5S) tẩy chay một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với một dự luật do chính phủ Ý trình lên tại Thượng viện. Theo ông Mario Draghi, hành động của đảng M5S đồng nghĩa với việc hiệp ước giữa các đảng tham gia thành lập chính phủ liên minh đoàn kết quốc gia hồi đầu năm 2021 đã không còn tồn tại.
EU cân nhắc dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt Nga. EU đang cân nhắc dỡ bỏ trừng phạt với một số người có quốc tịch Nga vì cáo buộc có liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, Bloomberg dẫn một số nguồn tin cho hay. Khoảng 40 công dân Nga đã tìm cách để được đưa khỏi danh sách trừng phạt, trong đó có 30 người liên quan đến tòa án và 10 người khác làm việc trực tiếp với các nhà chức trách EU.
Mỹ và đồng minh hợp lực tiếp tục giáng đòn vào dầu của Nga. Mỹ và các đồng minh vẫn đang nghiên cứu các biện pháp mới trừng phạt Nga để ngăn giá dầu và xăng tăng vọt lên mức có thể gây hỗn loạn kinh tế toàn cầu. Các đồng minh châu Âu của Mỹ có kế hoạch nghe theo chính quyền Tổng thống Joe Biden và thực hiện các bước để ngừng sử dụng dầu của Nga vào cuối năm nay. Một số nhà kinh tế cảnh báo động thái này có thể khiến nguồn cung dầu trên thế giới giảm và đẩy giá dầu lên tới 200 USD/thùng.
Đàm phán xuất khẩu ngũ cốc giữa Nga-Ukraine có tiến triển. Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc sẽ ký một thỏa thuận vào tuần tới nhằm nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine ở Biển Đen. Sự đồng thuận này được đưa ra sau cuộc họp 4 bên tại Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giảm bớt nguy cơ khủng hoảng lương thực ở nhiều nước trên thế giới.
Mỹ và Israel cam kết ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Yair Lapid vừa ký tuyên bố chung tại Jerusalem vào ngày 14/7, trong đó cam kết ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Đồng thời, nước này sẵn sàng sử dụng tất cả các yếu tố sức mạnh quốc gia để đảm bảo cam kết đó. Văn kiện cũng khẳng định cam kết của Washington trong hợp tác cùng những đối tác khác ngoài Israel để đối phó với Iran.
Gần 5.000 người theo dõi chuyến bay nghi chở Tổng thống Sri Lanka từ Maldives sang Singapore. Một chuyến bay của Saudi Arabian Airlines từ Maldives đến Singapore được cho là chở Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã trở thành chuyến bay được theo dõi nhiều nhất trên thế giới vào thứ Năm (14/7). Việc này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng toàn cầu đối với các vấn đề chính trị ở Sri Lanka. (XEM CHI TIẾT...)
Tổng thống Sri Lanka gửi đơn từ chức qua email. Ngày 14/7, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka, Mahinda Yapa Abeywardena, đã nhận được đơn từ chức của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa. Đơn được gửi bằng thư điện tử (email) ngay sau khi Tổng thống Rajapaksa đặt chân tới Singapore. Hiện chưa rõ liệu quyết định chấp thuận được đưa ra dưới hình thức email hay hình thức khác. Trước đó, ông Abeywardena cho biết Quốc hội sẽ nhóm họp trở lại vào ngày 15/7 và tiến hành bầu tổng thống mới của nước này vào ngày 20/7.
Hungary cấm xuất khẩu nhiên liệu. Chính phủ Hungary vừa ban bố lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu như khí đốt, đồng thời xóa bỏ giới hạn về giá dịch vụ đối với các hộ gia đình sử dụng nhiều hơn, vốn được áp dụng trong nhiều năm qua. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto trước đó cho biết nước này đang đàm phán mua thêm khí đốt trước mùa đông, trong đó ưu tiên hợp đồng dài hạn hiện có với Nga - vốn đáp ứng 85% nhu cầu khí đốt của Hungary.
550 phụ nữ Mỹ khởi kiện Uber vì bị tấn công, cưỡng hiếp. Vụ kiện đã được đệ trình lên Tòa án Tối cao San Francisco vào ngày 13/7. Theo hồ sơ vụ kiện, những người phụ nữ này đã bị “bị bắt cóc, tấn công tình dục, cưỡng hiếp, theo dõi, quấy rối,...". Đơn kiện Uber do các luật sư tại công ty luật Slater Slater Schulman đệ trình cáo buộc rằng các vụ tấn công tình dục diễn ra ở "nhiều bang". Công ty luật này cũng cho biết ít nhất 150 trường hợp tiềm năng khác đang được "tích cực điều tra".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Nhà đầu tư lưu ý
Bình luận