Thế cuộc mới của ngành dầu khí
Ngành dầu khí toàn cầu sắp bước vào một cuộc thay đổi toàn diện khi các tập đoàn tư nhân trong lĩnh vực này đứng trước thách thức phải cắt giảm sản lượng khai thác.
Ngày 14.6, trang Business Insider đưa tin Shell - tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Anh và Hà Lan - đang xem xét bán bớt một số tài sản lớn. Trong đó bao gồm cả khu vực khai thác dầu khá lớn tại lòng chảo Permian nằm ở phía tây nam của Mỹ. Trả lời truyền thông, đại diện của Shell đã từ chối bình luận về thông tin trên.
Bước ngoặt quan trọng
Theo giới phân tích, việc Shell thu gọn hoạt động là vấn đề khá dễ hiểu, bởi hồi tháng trước, tập đoàn này đã bị một tòa án tại Hà Lan đưa ra phán quyết đến năm 2030 phải cắt giảm 45% lượng khí thải carbon trong tổng sản lượng bán ra so với năm 2019. Và mức giảm phải đạt 6% trong năm 2023. Phía Shell phản ứng rằng phán quyết là vô lý, nhưng giới quan sát cho rằng khó có chuyện thay đổi phán quyết trên.
Trong khi đó, tỷ lệ khí thải của sản phẩm dầu khí mà Shell cung cấp lại khó cắt giảm. Cho nên phán quyết trên gần như đồng nghĩa với việc Shell phải cắt giảm sản lượng khai thác. Lâu nay, các tập đoàn năng lượng luôn né tránh trách nhiệm đối với vấn đề cắt giảm khí thải khi lý luận rằng khách hàng mới là người sử dụng, chứ họ không sử dụng dầu khí. Chính vì thế, phán quyết trên của tòa án ở Hà Lan có ý nghĩa bước ngoặt, tạo ra tiền lệ khiến các tập đoàn dầu khí khác cũng sẽ chịu những phán quyết tương tự. Hiện nay, cả Shell lẫn các tập đoàn Exxon Mobil và Chevron (đều của Mỹ) ra sức đầu tư cho công nghệ để tìm cách cắt giảm mức khí thải trong các loại dầu khí mà họ cung cấp, đồng thời phát triển năng lượng tái tạo.
Cơ hội cho các đại gia dầu khí nhà nước ?
Thực tế, các tập đoàn dầu khí tư nhân không chỉ đứng trước nguy cơ phải nhận lấy các phán quyết tương tự Shell, mà còn bị sức ép ngày càng lớn hơn từ các nhà hoạt động môi trường và đặc biệt là sức ép đến từ các cổ đông đối với việc phải chịu trách nhiệm với môi trường, cắt giảm lượng khí thải. Theo Business Insider, ở các tập đoàn năng lượng của Mỹ, tỷ lệ cổ đông ủng hộ việc cắt giảm khí thải hiện đã chiếm đa số, trong khi tỷ lệ này chỉ đạt trung bình khoảng 6% vào năm 2019. Hiện nay, các tập đoàn dầu khí tư nhân đang đưa ra mục tiêu cắt giảm sản lượng từ 1 - 2% mỗi năm.
Trong khi đó, các tập đoàn dầu khí nhà nước (NOC) của các nước lại không chịu quá nhiều sức ép như các tập đoàn năng lượng tư nhân. Rõ ràng, các NOC gần như không có các cổ đông yêu cầu cắt giảm khí thải. Không những vậy, còn có một thực tế là các NOC thường không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan môi trường như các công ty tư nhân trong ngành.
Về nhu cầu thị trường thì dù ngành ô tô điện đang phát triển nhanh, nhưng nhu cầu xăng dầu và khí đốt để vận hành sản xuất hay các phương tiện vận tải như tàu lửa, tàu thủy, máy bay… vẫn cần đến xăng dầu.
Chính vì thế, khi Shell hay Exxon Mobil, Chevron đang tìm cách thu hẹp hoạt động khai thác dầu khí, thì các NOC - vốn đang chiếm chỉ khoảng 50% tổng sản lượng thị trường - lại đang tìm cách mở rộng. Theo Bloomberg, nhiều khả năng là một NOC của Trung Quốc sẽ thế chỗ của Exxon Mobil trong liên doanh của dự án khai thác dầu khí ở Iraq được đề cập ở trên. Các NOC như Saudi Aramco (Ả Rập Xê Út) hay Tập đoàn dầu khí quốc gia Abu Dhabi (UAE)... đang chi ra hàng tỉ USD để tăng công suất khai thác. Tương tự, Tập đoàn Qatar Petroleum thuộc chính phủ Qatar cũng đang đầu tư thêm 30 tỉ USD để tăng gấp đôi sản lượng xuất khẩu.
Giữa bối cảnh nguồn cung có thể bị hạn chế hơn, giá xăng dầu được dự báo sẽ tăng trong tương lai.
Giá dầu thô tăng chóng mặt
Đài ABC hôm qua đưa tin giá dầu thô Mỹ tăng lên 71,5 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10.2018, trong khi giá dầu thô Brent tăng lên 73 USD/thùng. Giá dầu thô tăng dần đều kể từ đầu năm nay, khi các doanh nghiệp mở cửa và nhu cầu nhiên liệu cho ngành giao thông tăng trở lại. Tính đến hôm qua, giá dầu thô Mỹ đắt hơn đến 23 USD/thùng so với thời điểm tháng 1.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận