Thay 'room' tín dụng bằng công cụ thị trường
Từ đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước công bố cách thức các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ được cấp room tín dụng trong năm, bằng cách lấy mức điểm xếp hạng sức khỏe tài chính của từng NH nhân với 3,5%.
Đây là lần đầu tiên NHNN thực hiện việc cấp room tín dụng dựa theo xếp hạng tài chính, từ đó các NHTM lường trước được hạn mức tín dụng được cấp trong năm. Tuy nhiên, đây vẫn là cách ngắn hạn. Về lâu dài, việc công bố và triển khai một lộ trình bỏ hạn mức tín dụng và kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng (TTTD) bằng công cụ thị trường, vẫn là điều cần thiết.
30 năm với công cụ room tín dụng
Tại Việt Nam, chính sách hạn mức tín dụng được thực hiện lần đầu tiên vào năm 1994 đối với 4 NHTM có vốn nhà nước, sau đó áp dụng với các NHTM cổ phần và các chi nhánh NH nước ngoài. Đến năm 1998, công cụ này không còn được NHNN sử dụng thường xuyên, mà chỉ sử dụng khi cần thiết.
Sau 13 năm, đến năm 2011 công cụ hạn mức TTTD được NHNN sử dụng lại, giúp cho NHNN kiểm soát được lượng tín dụng, điều tiết tín dụng đến các khu vực theo ưu tiên trong chính sách. Năm 2018, Thông tư 52/2018/TT-NHNN đã đề cập đến việc phân loại NH để NHNN phân bổ hạn mức tín dụng.
Thông tư này đặt ra một hệ thống chấm điểm và xếp hạng dựa trên mô hình CAMELS, bao gồm Capital (vốn), Assets (tài sản), Management (quản lý), Earnings (lợi nhuận), Liquidity (thanh khoản), và Sensitivity (độ nhạy cảm với các rủi ro thị trường), để đánh giá sức khỏe tài chính của các NH.
Song nghiên cứu về mối quan hệ giữa sức khỏe tài chính và TTTD của các NHTM trong 3 giai đoạn: 2011-2015 (giai đoạn tái cơ cấu hệ thống NH lần 1); 2016-2020 (giai đoạn tái cơ cấu hệ thống NH lần 2); và 2021-2023 (giai đoạn hiện tại), cho thấy việc cấp hạn mức tín dụng không gắn với khả năng cạnh tranh của NH, hạn chế cạnh tranh giữa các NH.
Cụ thể, để đánh giá sức khỏe tài chính của các NHTM Việt Nam, nhóm nghiên cứu sử dụng kết hợp giữa phương pháp phân tích thành phần chính và phân tích cụm theo mô hình CAMELS để tính điểm lành mạnh tài chính, từ đó phân loại 29 NH (trong đó 3 NHTMCP có vốn nhà nước là Vietcombank, VietinBank và BIDV).
Từ kết quả tính toán, các NHTM được phân loại thành 3 nhóm dựa trên điểm lành mạnh tài chính tổng hợp. Trong đó, nhóm 1 có điểm lành mạnh tài chính cao nhất, tiếp theo là nhóm 2 và cuối cùng là nhóm 3.
Trong giai đoạn tái cơ cấu lần 1, năm 2011, đối mặt với hai thách thức lớn là lạm phát cao và khu vực sản xuất gặp nhiều khó khăn, NHNN đã chính thức công bố room tín dụng thay cho việc các NH tự quyết như giai đoạn trước.
Ngày 1-3-2012, Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 nhằm sắp xếp lại hệ thống NH (sáp nhập NH, mua lại NH yếu kém với giá 0 đồng nhằm loại bỏ sở hữu chéo), cải thiện hiệu quả kinh doanh NH, cơ cấu lại bảng cân đối (trong đó quan trọng nhất là xử lý nợ xấu bằng cách bán nợ xấu cho VAMC).
Kết thúc năm 2015, hệ thống NHTM tại Việt Nam đã giảm 6 NH, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành về dưới mức 3%.
Giai đoạn đó, do bị giới hạn room tín dụng, nên mức TTTD bình quân của phần lớn các NH đều thấp hơn mức bình quân chung 20,12%/năm (Hình 1). Trong đó, nhóm 1 (gồm 3 NHTMCP có vốn nhà nước và SaigonBank - là NHTMCP nhưng phần lớn vốn được nắm giữ bởi nhà nước) tuy có điểm lành mạnh tài chính cao nhất, nhưng cũng đồng thời là nhóm giảm TTTD nhiều nhất, với mức tăng trưởng bình quân là 14%/năm. Trong đó, SaigonBank tăng trưởng thấp nhất, ở mức 2%/năm.
Nhóm 2 có 19 NH, trong đó có khoảng 10 NH có mức TTTD thấp hơn mặt bằng chung. Còn lại 6 NH thuộc nhóm 3, chỉ có TPBank là có mức TTTD 45%/năm, cao hơn mức trung bình 18% của các NH trong cùng nhóm.
Trong giai đoạn tái cơ cấu lần hai, vào ngày 19-7-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1058/QĐ-TTg, phê duyệt Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Khác với giai đoạn trước, giai đoạn này tập trung vào xử lý nợ xấu, các vấn đề về năng lực tài chính và hệ thống quản trị.
Giai đoạn 2016-2020 có thêm 2 NH mới được xếp vào nhóm 1 là Techcombank và VPBank. Đây cũng là 2 NH trong nhóm 1 có TTTD bình quân cao hơn trung bình của nhóm NH trong nghiên cứu. SaigonBank rơi xuống nhóm 2.
Nhóm 2 trong giai đoạn này có 14 NH, trong đó có đến 6 NH có TTTD bình quân cao hơn mức tăng trưởng chung của 29 NH nghiên cứu, dù sức khỏe các NH này thấp hơn nhóm 1. Giai đoạn này cũng chứng kiến sự gia tăng của số NH có sức khỏe thuộc nhóm 3 (Hình 2). Cụ thể nhóm này có thêm 4 NH là BVBank, BAOVIET Bank, NamABank, và VietABank, nâng tổng số NH trong nhóm 3 lên 10 NH.
Trong giai đoạn 2021-2023, ngành tài chính NH khi vừa phải chống chọi với đại dịch Covid-19, vừa phải đảm bảo hoạt động ổn định thông qua việc củng cố các nền tảng quản trị, nguồn vốn, thanh khoản, … để ứng phó với các biến cố có thể xảy ra trong tương lai.
NHNN cũng đã ban hành nhiều thông tư để hỗ trợ các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, người dân phục hồi sau đại dịch. Trong giai đoạn này, số NH trong nhóm 1 tăng lên 7/28 NH. Trong đó chỉ có 4 NH có mức TTTD bình quân cao hơn mức trung bình của 29 NH. Nhóm 2 cũng tăng lên 15/28 NH. Nhóm 3 giảm xuống còn 6/28 NH.
Theo hình 3, trong hầu hết các trường hợp, có vẻ các NHTM có điểm lành mạnh tài chính cao hơn thì có TTTD cao hơn. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có một số NH có điểm lành mạnh tài chính ngang nhau, nhưng có mức TTTD khác nhau (thí dụ Sacombank và VIB hay Vietcombank và BIDV).
Ngược lại, có tốc độ TTTD tương tự dù điểm lành mạnh tài chính khác nhau (thí dụ ACB và ABBank). Điều này cho thấy mối quan hệ giữa độ lành mạnh tài chính và TTTD diễn ra theo cả hai hướng, chứ không phải sức khỏe tài chính cao thì TTTD cao, và sức khỏe thấp thì TTTD thấp.
Đạt mục tiêu nhưng nhiều hạn chế
Thông qua các phân tích trên, có thể thấy việc sử dụng công cụ hạn mức tín dụng đã giúp cho NHNN đạt được một số mục tiêu nhất định trong chính sách tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô các năm qua. Tuy nhiên, việc sử dụng chính sách này cũng đặt ra các vấn đề trong điều hành, cũng như việc xác định tỷ lệ TTTD và phân bổ tín dụng cho các NHTM chưa phù hợp với tương quan sức khỏe tài chính NH.
Và như đã đề cập ở trên, Thông tư 52/2018/TT-NHNN đã đề cập đến việc phân loại NH để NHNN phân bổ hạn mức tín dụng theo mô hình CAMELS. Tuy nhiên lâu nay, NHNN chưa làm rõ các tiêu chí này được sử dụng và tính toán cụ thể như thế nào trong việc xác định tỷ lệ TTTD của các NHTM.
Mặt khác, việc cấp hạn mức tín dụng thường gắn với các nhiệm vụ chính trị xã hội, do vậy dẫn đến xu hướng duy trì thị phần tín dụng không gắn với khả năng cạnh tranh của NH, và hạn chế cạnh tranh giữa các NH. Điều này sẽ cản trở sự phát triển của thị trường tiền tệ. Đồng thời, việc quản lý hạn mức tín dụng cũng tạo thêm gánh nặng cho NHNN trong việc quản lý.
Chẳng hạn, NHNN phải thường xuyên đo lường mức độ tuân thủ để phát hiện các dấu hiệu vi phạm trần tín dụng, ngoài ra việc giám sát là rất phức tạp do độ trễ trong việc báo cáo từ các NHTM đến NHNN. Không chỉ vậy, việc sử dụng hạn mức tín dụng kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng trốn tránh và lách luật của các NHTM.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc vào hệ thống NH và thị trường vốn chưa phát triển, kiểm soát tín dụng được xem là một công cụ tin cậy trong việc kiểm soát tổng tín dụng, dễ dàng liên kết với các kế hoạch điều hành tiền tệ của NHNN. Nhưng những lý do này đang biện minh cho tính hợp lý của việc sử dụng công cụ hành chính này. Chúng tôi cho rằng, những hạn chế của việc duy trì hạn mức tín dụng lớn hơn so với lợi ích mang lại.
Do vậy, việc xem xét và công bố lộ trình bỏ giới hạn cấp hạn mức tín dụng của NHNN là cần thiết. Việc triển khai và công bố một lộ trình bỏ hạn mức tín dụng và kiểm soát tốc độ TTTD bằng các công cụ thị trường như quy tắc phân loại tài sản, trích lập dự phòng chặt chẽ hơn, các quy định cho vay (thí dụ giới hạn về tỷ lệ cho vay/giá trị tài sản hay tỷ lệ cho vay/thu nhập), sẽ buộc các tổ chức tín dụng phải tuân thủ hơn các quy định trong hoạt động.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc vào hệ thống NH và thị trường vốn chưa phát triển, kiểm soát tín dụng được xem là một là công cụ tin cậy trong việc điều hành tiền tệ của NHNN. Tuy nhiên, lợi thế của việc sử dụng công cụ hành chính này vẫn thấp hơn so với lợi ích mang lại cho nền kinh tế.
PGS.TS TRẦN HÙNG SƠN và nhóm cộng sự: ThS. Hồ Hữu Tín, ThS. Trần Thị Út Linh,Trường ĐH Kinh tế-Luật, ĐHQG-HCM
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận