Thấy người nghèo thêm qua thuế
Thông tin từ Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thuế cho biết thu ngân sách từ các loại thuế chính đều đạt và vượt tiến đọ so với dự toán, tăng mạnh so với cùng kỳ.
Trong số này, ấn tượng nhất là thuế thu nhập cá nhân (TNCN), ước đạt 73 ngàn tỷ đồng tương đương với 67,7% dự toán, hơn cùng kỳ năm ngoái gần 13%. Kết quả đẹp của thu thuế TNCN vô tình cho thấy khoảng cách giàu nghèo dường như ngày càng rộng hơn.
Trong giai đoạn bình thường, đây dĩ nhiên là tin vui vì thu nhập của một bộ phận dân chúng tăng. Nhưng cũng trong thời gian này, nhiều doanh nghiệp và người dân vẫn còn đương đầu với bao nhiêu khó khăn do dịch Covid-19, rồi thêm diễn biến của dịch phức tạp hơn thời gian gần đây.
Người giàu…giàu thêm
Số thu từ thuế TNCN đạt được kết quả đẹp được công bố là nhờ tăng thu từ chuyển nhượng chứng khoán, từ đầu tư vốn của cá nhân, và từ chuyển nhượng bất động sản. Những khoản này, thử hỏi đại đa số người công nhân, người lao động tự do, người lo chạy bữa ăn từng ngày thì làm sao có được ?
Mà thuế tăng cũng đúng thôi, bởi vì thị trường chứng khoán Việt Nam tăng gần như gấp đôi từ cuối tháng Ba năm ngoái. Có những cổ phiếu giá tăng tính bằng lần tức mấy trăm phần trăm. Rồi chỗ này chỗ kia giá đất sốt nóng, mua đi bán lại bỏ túi chênh lệch vài chục phần trăm là chuyện bình thường. Mà cứ có giao dịch mua bán, có chênh lệch giá tăng, thì chính phủ có thêm ngân sách. Còn chuyện đến lúc giá có giảm, thì để tính sau.
Về mặt giá trị tài sản ròng, những người mua bán có lời, sau khi đóng thuế thì giá trị cũng tăng hơn so với trước. Trong khi đó những người có thu nhập thấp, gặp khó khăn do đại dịch, thu nhập lại giảm đi, tài sản tích cóp nếu có cũng sẽ bị giảm do phải lấy ra để trang trải. Chính vì vậy mà chênh lệch giàu nghèo sẽ tăng nhanh, vì hai bên chạy về hai hướng ngược nhau.
Nhưng khoảng cách giàu nghèo gia tăng nhanh cũng là vấn đề ở nhiều nước phát triển khác. Khi đại dịch bùng phát, nhiều chính phủ mạnh tay chi các gói hỗ trợ kinh tế, tiền rẻ và dồi dào làm giá chứng khoán và nhà đất tăng, tầng lớp khá giả tự nhiên được hưởng lợi trở nên giàu có hơn. Trong khi đó, nhóm có thu nhập thấp, dù có được chính phủ hỗ trợ thì giỏi lắm cũng chỉ bằng lúc trước, còn không thì bị giảm 10 đến 20%. Nhóm có thu nhập cao vì giãn cách xã hội, việc chi tiêu bị gián đoạn miễn cưỡng nên tích lũy lại tăng thêm. Số liệu thống kê từ Mỹ còn cho thấy từ năm 2003 đến nay, tài sản ròng của nhóm 1% giàu nhất nước Mỹ tăng từ 25% lên 32%, còn nhóm trong khoảng từ 50% đến 90% (percentiles) thì giảm từ 36,5% xuống còn 28%.
Các nguồn thuế khác cũng cho thấy thu nhập của một bộ phận dân chúng tăng trong 6 tháng qua khi thuế tiêu thụ đặc biệt tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 58,879 ngàn tỷ đồng. Ai trong chúng ta cũng biết đây là loại thuế gián thu, đánh vào các hàng hóa dịch vụ xa xỉ, mà dĩ nhiên những người có thu nhập thấp thì không thể nào tiêu dùng nhiều được. Thuế tiêu thụ đặc biệt tăng dĩ nhiên là do tiêu dùng tăng, mà cái này tăng chỉ có thể do thu nhập của nhóm người có thu nhập cao tăng.
Giảm bớt khoảng cách giàu nghèo ?
Trước khi Covid bùng phát, khoảng cách giàu nghèo đã là một vấn đề lớn ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn khi số ca lây nhiễm tăng, giãn cách xã hội bắt buộc khắt khe. Người lao động có thu nhập thấp là nhóm dĩ nhiên bị ảnh hưởng nhiều nhất, vì họ chiếm số đông trong các lĩnh vực dịch vụ giản đơn, các nhà máy. Trong khi đó, nhóm có thu nhập cao thì lại là nhóm có thể làm việc từ nhà, thu nhập không giảm, mà chi tiêu còn ít đi như đã phân tích ở trên.
Bởi vì vậy, chính sách hỗ trợ của các chính phủ là phải trực tiếp đến nhóm dễ bị tổn thương này. Các giải pháp được sử dụng khi giãn cách xã hội ở nhiều nước là hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người dân, hỗ trợ thu nhập gián tiếp qua cung cấp nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm, hỗ trợ chi phí lương cho người sử dụng lao động để từ đó có thể trả lương cho người lao động, hỗ trợ việc làm, chuyển đổi việc làm cho người lao động để họ tiếp tục có nguồn thu nhập.
Chính phủ nhiều nước phát triển đã chấp nhận mức thâm hụt ngân sách cao, năm 2020 gấp nhiều lần năm 2019. Ví dụ như năm 2019 trung bình các nước phát triển thâm hụt 3,9% GDP thì năm 2020 thâm hụt lên đến 12,7%. Cá biệt như Canada lên đến 19,9%, Anh Quốc là 16,5%. Còn các nước đang phát triển thì thâm hụt trung bình là 10,7%. Mức thâm hụt tăng cao như vậy là bởi vì các nước này thực hiện song song vừa giảm nguồn thu từ thuế, lại vừa tăng chi để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Thâm hụt ngân sách của Việt Nam năm 2020 dự toán là 3,4% GDP nhưng do đại dịch Covid-19 nên có thể lên đến 5-6% GDP, đây cũng là mức tăng trung bình 2% GDP của các nước đang phát triển có thu nhập thấp trong năm 2020 so với 2019. Với làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, việc hỗ trợ cho những người có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn là rất cần thiết, và chính phủ hoàn toàn có thể điều chỉnh tăng mức thâm hụt đã dự toán cho năm 2021 là hơn 4%GDP. Muốn vậy, việc tăng tỷ lệ nợ công, nợ chính phủ cũng hoàn toàn chấp nhận được.
Bên cạnh việc hỗ trợ trực tiếp tiền mặt hay vật chất cho thì việc giảm khoảng cách giàu nghèo còn có thể làm được phần nào từ hành vi tiêu dùng của những người có thu nhập cao ở Việt Nam. Trong khi vẫn còn nhiều mảnh đời khó khăn thì việc phô trương các hàng hóa xa xỉ đắt tiền sẽ khiến cho khoảng cách giàu nghèo càng lớn hơn về mặt tâm lý. Ở hầu hết các nước phát triển, ý thức của nhiều người giàu là rất tốt, họ cố gắng né tránh sự khoe khoang, nhìn bên ngoài nhiều khi không biết được họ là những người có một gia sản lớn.
Ai cũng mong ước mình sống ở một quốc gia giàu mạnh, nhưng sẽ ý nghĩa và dễ chịu hơn rất nhiều nếu ở đó số người nghèo khó ngày càng ít đi. Có thể họ không giàu có về tiền bạc, nhưng về tinh thần, họ không hề có mặc cảm lớn về khoảng cách giàu nghèo.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận