Thấy gì từ vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam
Theo kết quả nghiên cứu “Một số nhận định về vốn đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố chiều ngày 22/7, vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam rất đặc biệt, đi qua tổng thầu EPC, chứ không phải chỉ qua
Nghiên cứu trên do VEPR phối hợp với Trung tâm Doanh nghiệp Tư nhân quốc tế (CIPE), Hoa Kỳ thực hiện. Kết quả nghiên cứu này được kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực cho hoạt động tham vấn chính sách về tiếp nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài và các loại vốn khác từ Trung Quốc tại Việt Nam.
Vốn FDI chưa phải quá lớn
Kể từ khi tiến hành cải cách và mở cửa nền kinh tế, Việt Nam đã và đang trở thành điểm sáng đầu tư trong khu vực Đông Nam Á khi thu hút dòng vốn đầu tư từ hơn 100 quốc gia. Nổi lên trong đó là vai trò của Trung Quốc, khi quốc gia này những năm gần đây có sự gia tăng về vốn và quy mô đầu tư tại Việt Nam tương đối nhanh chóng.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dòng vốn FDI của Trung Quốc chảy vào Việt Nam tăng qua từng năm, song còn chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ so với các nhà đầu tư tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Năm 2012, tỷ trọng vốn FDI vào Việt Nam của Trung Quốc tính cả Hồng Kông, Trung Quốc đại lục chiếm một phần rất nhỏ, chỉ chiếm 8%, rất khó phân biệt giữa Trung Quốc đại lục và Hồng Kông. Đến năm 2019, lượng vốn này đã chiếm 10% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc vừa tăng quy mô vừa tăng về tỷ lệ.
Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2019, lượng vốn FDI từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam tăng đột biến. Theo đó, Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,3 tỷ USD và Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,29 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư…
Tuy nhiên, theo PGS-TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng VEPR, Trung Quốc chưa phải là “tay chơi” lớn nếu so với các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam. Bởi mỗi quốc gia đều có chiến lược đầu tư FDI riêng.
Ông Nguyễn Đức Thành lấy dẫn chứng, Nhật Bản thường đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, dầu; Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư vào sản xuất nhựa; Hàn Quốc đầu tư vào điện tử, còn Trung Quốc chưa rõ ràng vào lĩnh vực nào cụ thể. Thực tế, Trung Quốc chỉ mới xuất khẩu vốn những năm gần đây, từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế Trung Quốc. Cấu trúc của dòng vốn này ra nước ngoài đa phần là châu Á.
Theo ông Nguyễn Đức Thành, đầu tư FDI mang tính chất tư nhân, kinh doanh, nên các nhà đầu tư Trung Quốc tính toán rất kỹ, xem đầu tư vào Việt Nam có lợi cho Trung Quốc hay không?
“Trong bức tranh đó, Trung Quốc chưa có sự khác biệt lớn về công nghệ, mật độ vốn. Chỉ dòng đầu tư vốn đầu tư nước ngoài thì dòng FDI chưa phải quá lớn. Sự hiện diện của Trung Quốc ở Việt Nam là rõ ràng, nhưng nếu mổ xẻ kỹ thì FDI không phải là vấn đề chính” – ông Nguyễn Đức Thành cho biết thêm.
Theo nghiên cứu của VEPR, đầu tư của Trung Quốc là một khái niệm rộng, không chỉ gồm các hoạt động do Trung Quốc đầu tư mà cần gồm cả các dự án EPC do Việt Nam vay vốn nước khác.
Cần có cách nhìn “trung tính” về nhà đầu tư Trung Quốc
Nghiên cứu của VEPR cũng chỉ ra, các vấn đề chính liên quan đến nhà thầu Trung Quốc chính là chậm tiến độ, vấn đề kỹ thuật, tác động môi trường. Cụ thể, nhóm nghiên cứu VEPR dẫn chứng có 25/86 dự án thuỷ điện chậm tiến độ. Trong đó có 8 trường hợp nguyên nhân chậm tiến độ là do nhà thầu và trong số này có 5 trường hợp có sự tham gia nhà thầu Trung Quốc.
Ngoài ra theo nhóm nghiên cứu VEPR, các khoản vay và dự án thực hiện dưới hình thức EPC gây ra nhiều hệ lụy về dài hạn cho Việt Nam như: Vấn đề tham nhũng, tác động xã hội, phụ thuộc tài chính, vấn đề môi trường, hiệu quả kinh tế…
Trước các vấn đề nêu ra, nhóm nghiên cứu cho rằng, Việt Nam cần tăng cường công tác quản lý đối với các hoạt động đầu tư của FDI và hoạt động khác liên quan. “Không thể ngăn chặn vốn Trung Quốc theo đầu vào nhưng cần tăng kiểm tra, giám sát thi công và nghiệm thu. Cần xử lý nghiêm những đối tác Việt Nam tham nhũng, kiểm tra, giám sát không sát sao các công trình cơ sở hạ tầng”- nhóm nghiên cứu VEPR khuyến nghị.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, kết luận của nghiên cứu về nhà đầu tư Trung Quốc do VEPR công bố hơi bị “ám ảnh”. Vị chuyên gia này cũng kể lại về phát biểu của một nhà khoa học người Thái Lan tại hội thảo mới đây, “Bà này có đặt vấn đề người ta hay nói về vốn Trung Quốc không xanh, không sạch lại đắt nhưng sao vẫn rất nhiều nơi chấp nhận dòng vốn này?”. Cho nên, khi nhìn vào dòng vốn đầu tư Trung Quốc cần nhìn bằng lý trí, bằng thống kê rõ ràng, chứ không dựa vào cảm tính.
Đồng quan điểm, ông Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương)- cho rằng, phải tỉnh táo, công bằng hơn khi đánh giá về mối quan hệ kinh tế với nhà đầu tư Trung Quốc.
“Ngay bản thân tôi cũng từng sợ đầu tư Trung Quốc vì nghe đồn nhiều quá” – ông Trương Đình Tuyển nói khi đề cập đến thực tế có nhiều định kiến không tốt về dòng vốn Trung Quốc thời gian qua.
Theo ông Tuyển, bất kỳ nước nào cũng muốn đẩy công nghệ cũ ra nước ngoài, không riêng các doanh nghiệp Trung Quốc. Tuy nhiên quyền chọn dự án, quyền chọn đối tác nhà thầu là ở chúng ta.
“Dòng vốn Trung Quốc có thể sẽ càng ngày càng nhiều hơn. Không còn cách nào khác chúng ta phải nâng cao trách nhiệm của mình lên” - ông Tuyển nhấn mạnh.
Trước đó, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian tới, việc thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài đặc biệt lưu ý đến công tác chuẩn bị tiếp nhận đầu tư, cơ sở hạ tầng và các yếu tố đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời kiên quyết chấm dứt tình trạng đầu tư chui, kiểm soát, ngăn chặncác dự án đầu tư chất lượng thấp, lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, có dấu hiệu núp bóng đầu tư để lẩn tránh xuất xứ, gian lận thương mại...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận