Thấy gì từ sự “lụi tàn” của Auchan và hàng loạt ông lớn Đức, Pháp?
Trước Auchan, hàng loạt những ông lớn Đức, Pháp, Maylaisia cũng vướng vào những vấn đề đổi mới mô hình kinh doanh khiến phải "rút lui", điều này mở ra xu hướng mới thị trường bán lẻ hiện đại.
Từ ngày 3/6 tới đây, Tập đoàn bán lẻ Auchan (Pháp) sẽ chính thức đóng cửa 15/18 siêu thị. Ba cửa hàng còn lại có thể cũng sẽ đóng cửa vào tháng 10 tới. Như vậy, sau gần 5 năm có mặt, tập đoàn bán lẻ và chuỗi siêu thị hàng đầu Pháp phải "rút quân" khỏi Việt Nam.
Trong khi phía Tập đoàn đưa ra lý do rút khỏi Việt Nam là “không tìm được mô hình kinh tế đạt lợi nhuận” - khẳng định của Giám đốc truyền thông Antonie Pernod, thì nhiều chuyên gia nhận định, Auchan “rũ áo ra đi” vì chưa lựa chọn được phân khúc phù hợp.
Ông lớn ngoại “tháo chạy”
Nói như TS Đào Xuân Khương, Chuyên gia tư vấn phân phối bán lẻ, Auchan chỉ đơn thuần là siêu thị mua sắm nên chỉ thu hút được khách hàng lân cận, không thu hút được khách hàng xa tới vui chơi kết hợp mua sắm vào cuối tuần.
Auchan cũng chưa có nhiều giải pháp để kéo khách hàng đến như nhiều siêu thị khác, dẫn tới khách hàng rất vắng, doanh thu thấp và không có lợi nhuận.
Cùng quan điểm, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, doanh nghiệp này lựa chọn phân khúc khách hàng và mô hình kinh doanh chưa đúng.
Đặc biệt, theo các chuyên gia phân tích, các siêu thị đơn lẻ duy trì mô hình như Auchan khó cạnh tranh được với xu hướng bán lẻ hiện đại là là phải đa năng, đa dạng, tổng hợp như các trung tâm thương mại Vincom hay AEON bao gồm tổ hợp vui chơi, ăn uống, dịch vụ,...
Trên thực tế, đây không phải là câu chuyện riêng của Auchan, hãng phân phối Casino Group (Pháp) cũng đã bán lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam cho Tập đoàn Central Group của gia tộc tỉ phú Thái Chirathivat với tổng giá trị thương vụ lên tới 1,05 tỉ USD.
Một thương vụ đình đám khác là Tập đoàn TCC của Thái Lan đã mua lại toàn bộ cơ sở bán buôn của Tập đoàn Metro (Đức) tại Việt Nam với tất cả trung tâm và các bất động sản liên quan trị giá 655 triệu euro.
Đặc biệt, hẳn nhiều người tiêu dùng Việt vẫn còn nhớ, cách đây không lâu, sự “lụi tàn” của một đế chế lớn như Parkson (Maylaisia) cũng khiến nhiều người ngỡ ngàng. Tập đoàn đến từ Malaysia sau suốt 10 năm có mặt tại thị trường Việt Nam cũng đã ngậm ngùi đóng cửa một chuỗi các trung tâm thương mại, chỉ giữ lai 5 trung tâm thương mại tại TP.HCM, một tại Đà Nẵng và một tại Hải Phòng. Thủ đô Hà Nội đã hoàn toàn không còn bóng dáng của chuỗi này.
Xu hướng kinh doanh hiện đại “all-in-one”
Nhiều nhà phân tích đã chỉ ra, sự “lụi tàn” của Parkson là do nhiều năm theo đuổi một mô hình kinh doanh là shop and go – tức một nơi mua sắm với các sản phẩm thời trang, mỹ phẩm và làm đẹp cao cấp từ nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới như Kiehl"s, Shu Uemura, Bobbi Brown, MAC, The Body Shop, Estée Lauder, Lancôme,…
Trong khi đó, all-in-one destination - điểm đến tích hợp mua sắm, ăn uống và giải trí mới được xem là xu hướng chung của thị trường bán lẻ hiện nay. Có thể thấy, hàng loạt các trung tâm thương mại như Vincom, Takashimaya - Saigon Center, Crescent Mall, Aeon Mall hay Diamond Plaza đều nỗ lực phát triển theo xu hướng này, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ nhằm nâng cao tính cạnh tranh.
Ở chuỗi trung tâm thương mại Vincom, ngoài việc kết hợp với đối tác là các thương hiệu thời trang, mỹ phẩm, nhà hàng, cà phê, rạp chiếu phim, Vincom cũng tận dụng tốt lợi thế đa ngành của tập đoàn Vingroup để tích hợp thêm các dịch vụ mua sắm, dịch vụ vui chơi, đài quan sát...
Ông lớn bán lẻ của Mỹ là Circle K khi đến Việt Nam cũng phải đổi mới mô hình bán lẻ hiện đại để thích nghi. Theo đó, không đơn thuần là cửa hàng bán lẻ, Circle K được nhận định là thành công khi phát triển thành mô hình "lai" trong việc cung ứng đa dạng mặt hàng bách hóa và quán cà phê thức ăn nhanh.
Bản thân ông lớn bán lẻ hàng xa xỉ Parkson cũng được xem là đang “lột xác” trong cuộc đua nâng cấp và đổi mới mô hình. Theo thông báo chính thức, TTTM Parkson Saigon Tourist dự định giới thiệu hàng loạt thương hiệu nổi tiếng sau khi ra mắt với diện mạo mới.
Theo đó, không chỉ đơn thuần là một nơi mua sắm (shop and go) như trước đây, Parkson dự định biến các trung tâm thương mại của mình thành điểm đến tích hợp mua sắm, ăn uống và giải trí (all-in-one destination). Bên cạnh thay đổi mô hình kinh doanh, Parkson cũng nhắm tới việc đa dạng hóa sản phẩm với mục tiêu phát triển nhiều phân khúc khách hàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận